Anh Dương Danh Đức kiểm tra đàn bò |
Cùng Bí thư đoàn xã Thạch Xuân ghé qua trại bò của anh Đức vào một ngày mùa thu, chúng tôi được nghe anh kể về từng bước đi, cách làm và những ngày đầu khi anh mới lên đây lập nghiệp. Nếu như Thạch Xuân là xã miền núi của huyện Thạch Hà thì thôn Quyết Tiến lại là “thôn miền núi” của xã với diện tích phần lớn là đất rừng phòng hộ. Anh chia sẻ, khi mới bắt tay vào thực hiện gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, nơi đây lại là vùng đất cằn cỗi, không thuận lợi để trồng bất cứ loại cây nào, nằm ở cuối cùng của xã, giao thông đi lại khó khăn. Sau khi nghiên cứu, khảo sát, anh đã quyết định cải tạo trồng cỏ, nuôi bò. Thông qua tổ chức đoàn thanh niên, anh được tiếp cận 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên làm kinh tế. Cùng với vay mượn bạn bè, anh em, số tiền này đối với anh vào thời điểm đó thật lớn và là động lực giúp anh mua giống, xây dựng chuồng trại. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi, anh đã tạo được những bước vững chắc và mạnh dạn đầu tư tăng dần số lượng đàn bò, xin đấu thầu thêm đất để mở rộng chuồng trại. Sau 10 năm gây dựng, anh đã tạo được một cơ ngơi khá. Tiếp đó, năm 2015, anh lại được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 23/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh với số tiền 900 triệu đồng để đầu tư xây dựng 2 khu chuồng trại nuôi bò. Đến nay, tổng đàn bò của gia đình anh đã lên tới gần 100 con bò, chủ yếu được phát triển tại chỗ. Ngoài việc tự học, tự quan sát, tích luỹ kinh nghiệm để làm chủ được kỹ thuật vỗ béo, chăm sóc, theo dõi chu kỳ sinh trưởng, tự tiêm phòng đầy đủ, đúng quy định để bảo đảm cho đàn bò của mình khoẻ mạnh, phát triển bình thường, anh còn thường xuyên tham khảo, học tập kinh nghiệm của các mô hình, hộ dân cư nuôi bò trong huyện, trong tỉnh và vào trang trại bò Bình Hà (xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên) để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Vì vậy, đàn bò của anh luôn đạt trọng lượng tối đa (mỗi con xuất bán khoảng từ 2 - 2,5 tạ); bình quân mỗi năm, xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa khoảng 25 bò nái, 70 bò thịt. Bên cạnh việc xác định nuôi bò là con chủ lực, Dương Danh Đức còn xây dựng thêm chuồng trại để thả thêm 5 lợn nái, hàng chục lợn con, 2 ao cá, gà, trồng cỏ cho bò và 20 ha tràm đến thời kỳ thu hoạch. Tính chung, mô hình của anh Đức cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động.
Trao đổi với chúng tôi, chủ mô hình cho rằng nuôi bò trong thời điểm này về đầu ra và đầu vào rất dễ, người nuôi lại kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên muốn có lãi lớn phải đầu tư hệ thống chuồng trại quy mô, nuôi tổng lượng đàn lớn để tận dụng công chăm sóc. Để mô hình hiệu quả nên đầu tư cả về chiều rộng và chiều sâu, song nên lựa chọn 1 - 2 sản phẩm chủ lực để phát triển, những loại cây, con khác chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
Những kinh nghiệm và thành công bước đầu từ mô hình của đoàn viên thanh niên Dương Danh Đức hy vọng sẽ là những bài học quý để nhiều đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh định hướng nghề nghiệp cho bản thân trong tương lai và sẽ rất hữu ích với nhiều bạn sinh viên học xong ra trường về quê khởi nghiệp thay vì cố bám trụ ở các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm.
Phan Hương - Huyện ủy Thạch Hà
Tin mới cập nhật
- Huyện Kỳ Anh có 03 xã được đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017 ( 08/12)
- Hỗ trợ 24 tỷ cho các xã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí NTM năm 2017 ( 05/09)
- Huyện Đức Thọ tổ chức triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ( 03/07)
- Kinh nghiệm vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị ở thị xã Hồng Lĩnh ( 01/06)
- Xã Thuận Lộc: Quyết tâm “giữ chuẩn” nông thôn mới ( 24/04)
- Cựu chiến binh Bùi Xuân Đại - gương người tốt việc tốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới ( 30/03)