Gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị ở Thành phố Hà Tĩnh
EmailPrintAa
07:45 30/10/2013

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thành phố Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện, gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị nhằm tạo diện mạo mới cho khu vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân, phấn đấu đạt một số tiêu chí của đô thị loại II vào năm 2015.

Thành phố Hà Tĩnh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, có 16 xã, phường, tổng diện tích tự nhiên 56,63 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp 2.977,22 ha, dân số 95.740 người. Khu vực nông thôn của thành phố gồm có 6 xã với dân số 26.490 người, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 1.904,64 ha, chiếm 63,9% diện tích đất nông nghiệp toàn thành phố. So với các địa phương khác trong tỉnh, xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hà Tĩnh có nhiều thuận lợi bởi số xã triển khai thực hiện không nhiều, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cơ sở hạ tầng bước đầu đã được đầu tư, nguồn thu từ quỹ đất khá lớn. Tuy nhiên, thành phố chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, giá đất ở cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày một thu hẹp nên việc vận động người dân hiến đất để xây dựng công trình công cộng và dồn đất đổi thửa rất khó khăn. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp đạt thấp và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu nhập nên một bộ phận người dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp... 

Xuất phát từ điều kiện đó, thành phố Hà Tĩnh chủ trương xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại, các tiêu chí đối với các xã trên địa bàn đạt cao hơn tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thành phố đặc biệt chú trọng khâu quy hoạch, nhất là quy hoạch giao thông và khu dân cư để vừa đạt tiêu chí nông thôn mới vừa đáp ứng yêu cầu mở rộng đô thị trong tương lai. Các vùng chuyên canh được quy hoạch để đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, sản xuất hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu của dân cư thành phố và các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đến nay, 6/6 xã đã hoàn thành quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi và cắm mốc trên thực địa.  

Trên cơ sở quy hoạch, Thành phố đã ưu tiên bố trí vốn xây dựng và ban hành cơ chế: hỗ trợ đầu tư 100% kinh phí xây dựng đường giao thông, kênh mương tưới tiêu, công trình tạo nguồn nước tưới sản xuất, đường điện đối với các vùng chuyên canh trong quy hoạch được duyệt; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, san lấp mặt bằng đối với các hộ chăn nuôi có địa điểm nuôi ngoài khu dân cư, mức hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/hộ; hỗ trợ các hộ chăn nuôi đầu tư xây dựng bể Biogas mức 3,0 triệu đồng/bể; hỗ trợ 40% tổng mức đầu tư cho xã làm đường giao thông nông thôn; hỗ trợ 50% giá trị quyết toán đối với kênh mương cứng; hỗ trợ 60% kinh phí làm nhà hội quán; hỗ trợ 100% giá trị quyết toán chi phí đầu tư phần mặt đường đối với đường giao thông nội đồng ở các vùng quy hoạch chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Riêng xã Thạch Hạ, Thành phố hỗ trợ hoàn toàn việc xây dựng đường giao thông để đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.  

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân ở các xã đều hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, tự nguyện đóng góp ngày công; nhiều hộ hiến đất và kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tổng kinh phí đã huy động tại 6 xã đến nay đạt trên 175 tỷ đồng, trong đó vốn do các doanh nghiệp hỗ trợ 22,1 tỷ đồng, vốn do nhân dân đóng góp và con em quê hương tài trợ hơn 20 tỷ đồng. Người dân đã hiến trên 4.000m2 đất ở và gần 11.000m2 đất nông nghiệp, đặc biệt có nhiều hộ dân hiến đất ở làm đường giao thông nông thôn trị giá trên 100 triệu đồng, hiến hàng trăm mét vuông đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nội đồng. 

Nhìn chung, cơ sở hạ tầng các xã của thành phố đã được đầu tư xây dựng khang trang, 100% xã có nhà học cao tầng, trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, hệ thống điện sinh hoạt được nâng cấp đảm bảo nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Hệ thống nước máy đã về tận trung tâm các xã, tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt 85%; công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo bằng việc thành lập được các tổ vệ sinh môi trường. Từ năm 2008 đến nay, toàn thành phố đã làm mới 26,6km đường giao thông về trung tâm hành chính xã và đường liên xã, 18km đường liên thôn, cải tạo hàng chục km tuyến đường giao thông trong các xóm theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Đặc biệt, xã Thạch Hạ dự kiến đến hết tháng 11 năm nay sẽ hoàn thành tiêu chí đường giao thông.

Bên cạnh đó, Thành phố đẩy mạnh triển khai Đề án "Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân", đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Phòng Kinh tế và Hội Nông dân thành phố đã triển khai nhiều đợt tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho người dân; hỗ trợ về  giống, thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ lao động có đất nông nghiệp bị thu hồi. Mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn chuyên trồng giống lúa TH 3-3 được xây dựng ở nhiều xã; mô hình sản xuất lạc cao sản với các giống chủ lực L14, L23, L20, TB 25 đã được thay thế trên 90% diện tích các giống cũ trước đây. Nhiều giống rau, hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất, hình thành vùng trồng rau an toàn ở các xã Thạch Bình, Thạch Môn, Thạch Hạ; vùng trồng hoa ở Thạch Môn, Thạch Linh, Thạch Quý. Phát huy tiềm năng lợi thế của địa bàn ven sông và diện tích ao hồ, những năm qua, Thành phố đã có cơ chế chính sách khuyến khích các hộ dân cải tạo ao hồ, đưa vào nuôi một số giống tôm, cá nước lợ có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là cá chẽm, cá đối mục, cá Hồng Mỹ, cá lóc. 

Mô hình nuôi cá chẽm

Đến nay, toàn thành phố đã có hàng chục mô hình sản xuất quy mô lớn và vừa, tiêu biểu là: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của HTX Hải Minh diện tích 5 ha, thu nhập trên 500 triệu đồng/năm (xã Thạch Trung); mô hình nuôi gà siêu trứng quy mô 12 ngàn con, thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi cá chẽm trong ao; mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Hộ Độ quy mô 72 lồng (xã Thạch Hạ); HTX Rau quả Làng Tôi (xã Thạch Môn) chuyên trồng bắp cải, cà rốt, sup lơ, hoa cúc, hoa ly, hoa lay ơn... Kết quả sơ kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vừa qua cho thấy: xã Thạch Hạ đã đạt 15/19 tiêu chí, phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí vào cuối năm 2013; Thạch Môn đạt 13/19 tiêu chí, Thạch Trung đạt 10/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 8-14 tiêu chí.

Tuy vậy, việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở thành phố Hà Tĩnh vẫn còn một số khó khăn. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, nhỏ lẻ nên khó thực hiện sản xuất theo quy mô lớn. Một số tổ chức đoàn thể vào cuộc chưa quyết liệt; một vài xã chưa chú trọng công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Phần lớn các mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa liên kết được với doanh nghiệp, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng yêu cầu.

Để đạt mục tiêu tất cả các xã trên địa bàn hoàn thành xây dựng nông thôn mới trước năm 2020, theo chúng tôi, thành phố Hà Tĩnh cần tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mỗi xã phải xây dựng ít nhất được 5-7 mô hình điểm, đặc biệt ưu tiên nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh để tạo quy mô sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, Thành phố cần tập trung cao cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, bảo vệ môi trường. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền, các phòng ban của Thành phố cần chủ động, sâu sát, dành nhiều thời gian cho công tác chỉ đạo, kiểm tra cơ sở. Theo hướng đó, tin rằng thành phố Hà Tĩnh sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 08 ngày 19/5/2009 (khóa X) của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về nông nghiệp nông dân, nông thôn, góp phần xây dựng Thành phố Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II như kế hoạch đã đề ra.


    Ý kiến bạn đọc