Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh: Phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới
EmailPrintAa
13:59 29/10/2013

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là cuộc vận động đòi hỏi phải có sự nỗ lực tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó Hội Nông dân giữ vai trò nòng cốt. Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”; Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”, Hội nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đạt được những kết quả tích cực.

Thời gian qua, các cấp Hội đã từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, lấy lợi ích làm động lực để tập hợp nông dân vào Hội, đa dạng hóa hình thức hoạt động, coi trọng phương châm “vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân”. Nội dung sinh hoạt hội cơ bản sát với tình hình thực tiễn của địa phương, gắn quyền lợi với nghĩa vụ của hội viên, nâng cao vai trò trách nhiệm của hội viên, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất thể hiện được vai trò vị thế của tổ chức Hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với công tác xây dựng Hội vững mạnh. Tính đến nay tổng số hộ sản xuất nông nghiệp là 298.415, tập hợp 233.541, đạt tỷ lệ 78,2%.

Hưởng ứng phong trào "Chung tay xây dựng nông thôn mới", hằng năm các cấp hội nông dân trong tỉnh đã nỗ lực vận động hội viên nông dân tích cực tham gia cuộc vận động" Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; thường xuyên tuyên truyền, biểu dương và nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, xoá đói, giảm nghèo. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Thông qua các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, ngày kỷ niệm Hội Nông dân Việt Nam, các Hội thi “Nhà nông đua tài”, giao lưu về phòng chống tội phạm, ma túy, tìm hiểu Luật an toàn giao thông... đã giúp cho hàng triệu luợt cán bộ, hội viên nông dân nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống của người dân ở nông thôn. Các cấp Hội đã tổ chức hàng ngàn buổi tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, hội viên nông dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong việc tham gia phát triển sản xuất kinh doanh và xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ phát triển ngày càng phong phú, đa dạng trong nông thôn, các thiết chế văn hoá được tăng cường, phong trào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều tiến bộ. Từ đó giúp nông dân nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, đồng thuận, tương thân, tương ái, xây dựng đời sống văn hoá mới; củng cố niềm tin của giai cấp nông dân đối với Đảng trong công cuộc đổi mới của đất nước. 

Trong việc tham gia hoạch định chính sách, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho hội viên nông dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới như: Quyết định số 24/2011/QĐ/UBND, ngày 09/8/2011 và Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND, ngày 14/3/2013 của UBND tỉnh khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND, ngày 11/6/2012 và Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND, ngày 18/02/2013 của UBND tỉnh hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Quyết định số 43/2012/QĐ-UBND, ngày 15/8/2012 của UBND tỉnh khuyến khích sản xuất giống một số sản phẩm chủ lực; Quyết định số 859/QĐ-UBND, ngày 03/4/2013 của UBND tỉnh về quy định cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng và một số chính sách quan trọng khác... Trong quá trình triển khai thực hiện, Hội đã thường xuyên tham mưu có sự điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi kịp thời các chính sách không phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân yên tâm sản xuất. Tính đến tháng 8/2013, lũy kế doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND, Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND đạt 470,6 tỷ đồng, với 6.311 khách hàng, hỗ trợ lãi suất 9,13 tỷ đồng. 

Ban Thường vụ Hội Nông dân chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện 5 đề án trọng tâm tham gia xây dựng nông thôn mới: Thu gom và xứ lý rác thải gắn với xây dựng chi hội xanh, sạch, đẹp; mô hình sản xuất kinh doanh hộ và nhóm hộ; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới; đào tạo cán bộ hội; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động quỹ hỗ trợ nông dân gắn với dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg. 

Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực chỉ đạo, phân công cho các ban, trung tâm xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, đặc biệt chú trọng và đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hội đã phối hợp, liên kết với Trường Cao đẳng nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc bộ, Trường Chính trị Trần Phú, chủ động huy động nguồn lực từ các tổ chức, đơn vị tổ chức đào tạo cán bộ bằng các hình thức như: tại chức, gửi đi đào tạo ngắn hạn, dài hạn, thông qua học tập thực tế, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm, vừa học vừa làm... Phương pháp đào tạo cốt lõi được sử dụng là giáo dục chủ động, tập trung đào tạo phương pháp tiếp cận, vận động quần chúng, kỹ năng làm việc, nghiệp vụ công tác, kết quả đã có 8.978 lượt cán bộ Hội các cấp, trong đó có 85% cán bộ hội cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng. Qua đó, kỹ năng lãnh đạo, vận động quần chúng của cán bộ Hội đã được nâng lên, cách làm việc hiệu quả hơn, đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành về mọi mặt.

Mới đây nhất, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân. Đến nay, toàn tỉnh có 92 cơ sở Hội được sự hỗ trợ của Quỹ, chiếm tỉ lệ 35%, với nguồn quỹ các cấp đạt 12,8 tỷ đồng (trong đó nguồn quỹ Hội Nông dân Trung ương phân bổ là 7 tỷ đồng). Thông qua việc cho vay Quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp hội xây dựng được hơn 496 mô hình kinh tế, 287 mô hình chăn nuôi lợn sử dụng bể bioga quy mô 20 - 30 con/hộ, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái tại huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Can Lộc, Thị xã Hồng Lĩnh... Bên cạnh đó, Hội đã đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ Nông dân Hà Tĩnh với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng, hiện đang lập dự án đầu tư nâng cấp với tổng dự toán 25 tỷ đồng. Đến nay, đã có 235/235 xã hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới và đề án phát triển sản xuất. Toàn tỉnh xây dựng được 606 mô hình phát triển sản xuất, riêng 6 tháng đầu năm 2013 xây dựng được 158 mô hình. Ngoài ra, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; triển khai thực hiện tốt Dự án trồng rừng lâm nghiệp quy mô nhỏ với tổ chức ADDA (Đan Mạch) ở 16 xã thuộc huyện Hương Sơn với kinh phí 4,3 tỷ đồng; dự án trồng rau sạch ở Thành phố Hà Tĩnh và Thạch Hà với trên 600 triệu đồng... đã giúp nhiều hội viên nông dân thêm nguồn vốn và điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta bước đầu đạt một số kết quả quan trọng, được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là một trong những địa phương có cách làm sáng tạo, bài bản. 

Để góp phần đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chủ động thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Tuyên truyền, vận động nông dân phát huy vai trò chủ thể, đóng góp công, của, hiến đất xây dựng nông thôn mới; thành lập câu lạc bộ môi trường; hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, máy móc thiết bị, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã, tăng cường công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân tiếp cận các chính sách khuyến khích, kích cầu của Chính phủ, của tỉnh giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh; thường xuyên nắm bắt thực tế tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tiễn, để hội viên nông dân có điều kiện tiếp cận tốt nhất. 

Phát huy vai trò của tổ chức hội trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới thời gian tới Hội sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, các công trình phúc lợi xã hội và các hoạt động khác, qua đó góp phần chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./.


    Ý kiến bạn đọc