Trong những chuyến đi thường kỳ về cơ sở kiểm tra tiến độ xây dựng NTM, người chủ trì (thường là Chủ tịch UBND tỉnh) luôn có phần “hỏi - đáp” với cán bộ cơ sở về những chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh trong xây dựng NTM. Từ các màn “hỏi xoáy, đáp xoay” đã cho thấy khá nhiều điều băn khoăn về năng lực, sự tâm huyết của cán bộ cơ sở.
Tại huyện Thạch Hà, khi đồng chí chủ trì hỏi một vị chủ tịch xã T. về việc triển khai, thực hiện QĐ 31 của UBND tỉnh (Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, việc tang, lễ hội và tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận các danh hiệu thi đua – PV) tại địa phương thời gian qua như thế nào. Sau một hồi “vò đầu, bứt tai” vị chủ tịch xã nọ cũng đành “dũng cảm” hỏi lại chủ trì …: “xin đồng chí cho biết đầu bài của QĐ 31 là gì”?!
Cũng câu hỏi trên, trong chuyến kiểm tra mới đây tại huyện Kỳ Anh, khi đồng chí chủ trì hỏi chủ tịch xã K.H thì vị chủ tịch này cũng lúng túng không biết QĐ 31 là gì. Để “gỡ bí” cho vị cán bộ xã nọ, đồng chí chủ trì hỏi tiếp câu thứ 2: đồng chí cho biết việc triển khai, thực hiện QĐ 33 của UBND tỉnh? (Quy định trách nhiệm thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang – PV). Ở câu hỏi này, mặc dù đã được đồng nghiệp ngồi cạnh “nhắc bài” nhưng vị cán bộ xã nọ cũng không trả lời được nội dung của QĐ này là gì. Nhìn quanh, tôi thấy hàng chục vị cán bộ chủ chốt cấp xã khác cũng đang nháo nhác hỏi nhau QĐ 31, 33 là “về cái chi hè”.
Đây là 2 QĐ của UBND tỉnh ban hành từ tháng 7/2012 (QĐ 31) và tháng 11/2011 (QĐ 33). Các QĐ này có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các tiêu chí số 16 (Văn hóa), 17 (Môi trường) và tiêu chí số 18 (Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh). Tuy nhiên, ngay cả lãnh đạo địa phương cũng chưa thuộc bài, chưa nhập tâm thì việc triển khai xuống tận người dân còn khó lắm thay.
Trước đó, tại cuộc kiểm tra ở xã điểm của huyện Can Lộc - một địa phương có thực lực rất tốt trong xây dựng nông thôn mới, nhưng khi đồng chí chủ trì nêu câu hỏi mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là gì? Hầu hết các Bí thư, xóm trưởng đều trả lời một cách rất mơ hồ, đại loại như: xây dựng nông thôn mới để công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương, đất nước; hay xây dựng nông thôn mới để phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc v.v…
Về vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, khi được hỏi, các Bí thư đoàn xã đều không nắm được số lượng đoàn viên thanh niên, số đi làm ăn xa cũng như lao động ở địa phương.
Qua những chuyến kiểm tra cơ sở, lãnh đạo tỉnh đã tiếp nhận thêm nhiều thông tin về khó khăn, vướng mắc trong xây dựng và phát triển KTXH, từ đó ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp
Từ thực tiễn quá trình xây dựng NTM ở tỉnh ta trong thời gian qua cho thấy, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sự thành, bại của phong trào. Ðịa phương nào cán bộ tâm huyết với dân, với phong trào và có cách làm sáng tạo, sẽ đạt hiệu quả cao. Nhiều chủ trương, chính sách được ban hành nhưng cán bộ cơ sở không quan tâm hoặc không nắm được để triển khai đã bỏ lỡ cơ hội làm ăn, phát triển KTXH của người dân.
Xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính cấp cơ sở, nơi trực tiếp thực hiện và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, việc bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở xã, phường, thị trấn là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài.
Tin mới cập nhật
- Huyện Kỳ Anh có 03 xã được đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017 ( 08/12)
- Hỗ trợ 24 tỷ cho các xã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí NTM năm 2017 ( 05/09)
- Huyện Đức Thọ tổ chức triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ( 03/07)
- Kinh nghiệm vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị ở thị xã Hồng Lĩnh ( 01/06)
- Xã Thuận Lộc: Quyết tâm “giữ chuẩn” nông thôn mới ( 24/04)
- Cựu chiến binh Bùi Xuân Đại - gương người tốt việc tốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới ( 30/03)