Kinh nghiệm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới:
EmailPrintAa
16:05 30/09/2016

Bài 2: Quang Ninh thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” và đôi điều suy nghĩ đối với phát triển sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” - OCOP tại Quảng Ninh nhằm phát triển các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ninh theo hướng phát huy năng lực nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.

 

Sản phẩm theo OCOP của Quảng Ninh

 

Tỉnh Quảng Ninh xác định Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” thực chất là giải pháp để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương vốn tiềm năng lợi thế chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

Trong Chương trình này Nhà nước đóng vai trò tạo ra “sân chơi” bằng cách ban hành các cơ chế, chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân như: Đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng hình thành lên các kênh phân phối sản phẩm… còn người dân đóng vai trò chính trong sân chơinày, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh của địa phương, đồng thời phải làm sao để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình. Yếu tố này không chỉ thể hiện ở bản thân chất lượng của hàng hóa được kết tinh ở khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến và bảo quản đã được giám định kỹ lưỡng, mà phải làm thế nào tạo ra được ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao trong hành vi của mỗi người dân. Ngoài ra nó còn thể hiện ở nghệ thuật bao bì, đóng gói sao cho hấp dẫn và thuận tiện nhất cho người tiêu dùng.

Mục tiêu của Chương trình: OCOP triển khai nhằm thực hiện việc phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.

Ý nghĩa việc thực hiện thành công OCOP: Việc phát triển “Mỗi xã, phường một sản phẩm” ở Quảng Ninh có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Thứ nhất, khi triển khai thành công sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới. Hai là, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thônQuảng Ninh. Ba là, góp phần làm giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả tinh thần “Ly nông, bất ly hương”. Bốn là, thông qua chương trình góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đây chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế nông thôn của tỉnh. Năm là, tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh.

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập được hệ thống tổ chức (Ban Điều hành OCOP) ở cấp tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố; xây dựng được kế hoạch tổng thể giai đoạn 1 (2013-2016); ban hành được Bộ công cụ quản lý chương trình; xác định và phân tích lợi thế cạnh tranh của 65 sản phẩm, nhóm sản phẩm để thực hiện giai đoạn 1; có 104 đơn vị tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia và sản xuất sản phẩm; xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm OCOP cấp tỉnh tại thị xã Đông Triều, các trung tâm OCOP cấp huyện. Đặc biệt, thông qua các hội chợ, sản phẩm OCOP đã trở thành sản phẩm du lịch của tỉnh, nhận được sự ủng hộ của người dân và du khách.

 
Lãnh đạo tỉnh tôn vinh các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu  

Những năm qua, Hà Tĩnh đã quyết liệt triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm hiện nay, nông thôn Hà Tĩnh đã có những bước khởi sắc vượt bậc, diện mạo các vùng quê trên địa bàn ngày càng khang trang hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện… Đó là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng chung tay với người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, việc ban hành đồng bộ hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích nhân dân tham gia phát triển sản xuất kinh doanh… tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng miền là yếu tố cốt lõi để chọn lựa được các sản phẩm cây, con chủ lực của tỉnh. Quyết định 853/QĐ-UBND, ngày 27/3/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Danh mục sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020 gồm lúa, lạc, rau củ quả, cam chất lượng cao, bưởi Phúc Trạch, chè, mủ cao su, lợn, bò, hươu, tôm... Nếu để so sánh với các chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của Thái Lan, “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản hay “Một xã, phường một sản phẩm” của tỉnh Quảng Ninh có thể nói việc lựa chọn các sản phẩm cây, con chủ lực của tỉnh ta chưa thể phù hợp hết với điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội của 262 xã, phường, thị trấn, song đó cũng là hướng đi được khẳng định trong thời gian qua, đồng thời đã mang lại những thành công bước đầu trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn (góp phần đưa thu nhập GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 38,9 triệu đồng. Đến ngày 30/6/2016 có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí, 14 xã đạt 13 - 18 tiêu chí, 138 xã đạt từ 9 - 12 tiêu chí, 25 xã đạt dưới 9 tiêu chí).

Nếu phát triển được nhiều sản phẩm nông nghiệp mang đặc trưng, hương vị riêng của từng địa phương nhằm thể hiện thương hiệu, bản sắc của từng vùng đất và con người ở đó thì đó là một điều vô cùng quý giá vì nó có thể làm khởi sắc diện mạo một miền quê. Để xây dựng và lựa chọn được mỗi sản phẩm cho một địa phương ngoài những yếu tố khác thì điều quan trọng là phải dựa vào điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội của địa phương đó (ngoài những sản phẩm đã có từ truyền thống như: bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, nước mắm Cẩm Nhượng…), đó là vấn đề khó và cần nhiều thời gian. Vì vậy, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp nên tiếp tục khuyến khích, động viên nhân dân đẩy mạnh phát triển những sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu sản phẩm Hà Tĩnh cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Đây vẫn là hướng đi phù hợp vừa tránh được tình trạng dàn trải trong quá trình phát triển, đồng thời cũng tập trung được vào nhóm các sản phẩm đã mang thương hiệu của vùng quê Hà Tĩnh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các sản phẩm chủ lực đó, chúng ta cũng cần tiếp tục khuyến khích nhân dân phát triển các sản phẩm đặc thù của từng địa phương, từ đó sàng lọc để bổ sung thêm vào bộ sản phẩm mang đậm vị quê của mỗi địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh.

Phan Xuân Huấn - Văn phòng Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc