Kinh nghiệm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới:
EmailPrintAa
15:19 28/09/2016

Bài 1 - Kinh nghiệm thực hiện “Mỗi xã một sản phẩm” tại một số nước

Sự thành công của phong trào “Mỗi xã một sản phẩm” - OTOP tại Thái Lan, phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” - OVOP tại Nhật Bản là bài học quý giá cho cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng trong việc phát huy nội lực, phát triển bền vững các sản phẩm đặc thù của địa phương, mang lại thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn.

 
Hoa quả Thái Lan trên thị trường Việt Nam  

Tại Thái Lan: Chìa khóa thành công của Chương trình Phát triển vùng nông thôn trong hơn một thập kỷ gần đây của Thái Lan là Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”- OTOP. OTOP nhằm khuyến khích phát triển kinh tế trong nước thông qua nhân tố phát triển con người, phát triển cộng đồng là chính, trên nền tảng phát triển nền kinh tế cơ sở đó là việc xây dựng, phát triển và tái cấu trúc các hộ, nhóm, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã. Chương trình OTOP là xây dựng sản phẩm, do vậy mọi hoạt động đều hướng đến phát triển sản phẩm một cách hoàn thiện nhất, như: Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, định vị sản phẩm, xây dựng câu chuyện cho sản phẩm, maketing và bao bì đóng gói sản phẩm, đổi mới sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

Mục tiêu tổng thể của OTOP: Xây dựng xã, cộng đồng vững mạnh, phát triển tự lực của nhân dân và xây dựng gia đình hạnh phúc có chất lượng với 4 nội dung cụ thể: Tạo việc làm cho cộng đồng dân cư; xây dựng xã, cộng đồng vững mạnh; phát triển trí tuệ, truyền thống địa phương; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy sự sáng tạo của cộng đồng.

OTOP đề ra 3 nhiệm vụ chính: Thúc đẩy và hỗ trợ sức mạnh của cộng đồng; phát triển sự hiểu biết và tư duy; xây dựng, tổ chức hệ thống quản lý sự sáng tạo của cộng đồng với các nguyên tắc: Hành động tại địa phương nhưng tư duy hướng đến toàn cầu hóa; tự tin, sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực. Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc và hệ thống tổ chức đã được xây dựng, OTOP hằng năm được triển khai thực hiện theo chủ đề công tác trọng tâm theo chiều hướng phát triển tư duy, trình độ sản xuất và sự phát triển của chương trình.

Các sản phẩm OTOP được chia làm 4 cấp: Sản phẩm có chất lượng cao (cấp A) phục vụ cho xuất khẩu. Sản phẩm có chất lượng (cấp B) tiêu dùng nội địa. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn (cấp C) tiêu dùng nội địa, hoặc trong vùng, trong tỉnh. Sản phẩm chất lượng thấp (cấp D) cần tiếp tục nghiên cứu. Như vậy, nhà sản xuất không đi vào ngõ cụt mà tiếp tục có cơ hội nâng cấp phát triển sản phẩm của mình cho chu kỳ mới tiếp theo.

Qua quá trình phát triển từ những sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ truyền thống những năm đầu, đến nay, các sản phẩm OTOP được phát triển lên bao gồm: Sản phẩm hàng hóa đa dạng từ nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, đến sản phẩm công nghiệp, dịch vụ; địa điểm du lịch, văn hóa địa phương, lối sống (tập tục văn hóa), và truyền thống văn hóa. Để thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ, OTOP được tổ chức xúc tiến thương mại từ hội chợ cấp trung ương, khu vực (bắc, trung, nam), cấp tỉnh, hội trại thanh niên OTOP, hội thi OTOP làng, lễ hội làng du lịch OTOP,... Các sản phẩm OTOP không chỉ được bày bán tại các địa điểm bán hàng truyền thống mà còn được đưa vào cả trụ sở hành chính các cấp, nhà ga, sân bay, các khách sạn, nhà hàng,.. tạo nên tổng thể cả xã hội cùng tham gia sản xuất, kinh doanh.

Qua hơn 12 năm hoạt động, yếu tố thành công của OTOP tại Thái Lan được rút ra là: (1) Nguồn lực xã hội và trí tuệ nhóm, địa phương; (2) Cam kết của Chính phủ được thể hiện bằng chương trình nghị sự, chính sách, ngân sách chính thức; (3) Hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan; (4) Sự tham gia của nhân dân, cộng đồng; (5) Chính sách nhất quán và tập trung cho phát triển kinh tế cơ sở (phát triển hợp tác xã và doanh nghiệp, hộ sản xuất); (6) Bộ máy thực hiện OTOP đầy đủ và có đủ thẩm quyền; (7) Sự hiểu biết cơ bản về phát triển sản phẩm; (8) Thương hiệu OTOP và quan trọng hơn nữa là việc coi sản phẩm là trung tâm cốt lõi, trong đó chú trọng việc thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm.

Để có sự thành công của OTOP, ngoài vai trò chính về chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ là sự vào cuộc tích cực với tư duy sản xuất hàng hóa hướng đến xuất khẩu, sự chịu khó học hỏi, tiếp cận kinh tế thị trường, hợp tác sản xuất của người dân, của chủ doanh nghiệp, hợp tác xã. OTOP đã và đang có vai trò quan trọng, là mấu chốt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn và đóng góp tích cực cho phát triển ngành thương mại, dịch vụ, du lịch của Thái Lan hiện nay. OTOP Thái Lan là bài học quý cho các nước, các địa phương đang tập trung thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn.

Tại Nhật Bản

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” - OVOP được thực hiện từ năm 1979 tại làng Oyama, tỉnh Oita, Nhật Bản, là cách thức đưa nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng và phát triển theo kịp với sự phát triển chung của đất nước.

 
Các món ăn đặc trưng Nhật Bản  

OVOP được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc chính:

Một là, “Từ địa phương tiến ra toàn cầu”. Nguyên tắc này thể hiện mục tiêu cao nhất của sản xuất hàng hóa nông nghiệp Nhật Bản là chiếm lĩnh thị trường nông sản thế giới. Sản phẩm của OVOP được xác định ngay từ đầu là không những phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, trong nước mà còn để cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác trên thị trường thế giới. Do đó, chất lượng nông sản phải không ngừng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu và tiêu chuẩn trong nước cũng như quốc tế. Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cũng được tăng cường tại hầu khắp các nước trên thế giới.

Hai là, “Tự tin - Sáng tạo”. OVOP quan tâm đến tất cả các khâu của chu trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm khuyến khích những cách làm sáng tạo bao gồm việc nghiên cứu mẫu mã, chất liệu, quy cách đóng gói bao bì; cách tiếp thị, quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường sao cho ấn tượng, thu hút khách hàng… Chất lượng nông sản được đảm bảo cùng với nhiều cách thức bán hàng, tiếp cận người tiêu dùng độc đáo đã giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Nhật Bản, góp phần giúp kinh tế của các hộ nông dân, của làng xã ở Nhật Bản ngày càng thịnh vượng.

Ba là,“Tập trung phát triển nguồn nhân lực”. Tại Nhật Bản, nông dân không những được đào tạo bài bản, có kiến thức về sản xuất nông nghiệp, hiểu biết sâu về sản phẩm, ứng dụng thành thạo khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất hàng hóa, họ còn được cung cấp những kiến thức về kinh doanh, về nghệ thuật marketing để có thể tự xây dựng các chiến lược kinh doanh, cạnh tranh sản phẩm của mình. Họ còn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp bằng những chính sách hiệu quả. Nhờ đó, họ tạo được những sản phẩm có thương hiệu.

Phong trào OVOP như một điển hình của việc phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương. OVOP đã lan tỏa trên khắp đất nước Nhật Bản, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển thần kỳ của ngành nông nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế Nhật Bản nói chung. Kinh nghiệm từ phong trào OVOP được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở châu Á và châu Phi. Nhờ áp dụng từ kinh nghiệm OVOP của Nhật Bản, các nước đã tận dụng tốt các nguồn lực của địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống… thu được những thành công nhất định trong phát triển nông nghiệp thôn.

Phan Xuân Huấn - Văn phòng Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc