Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới đó, đây
EmailPrintAa
16:08 20/09/2016

Xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia với mục tiêu tới năm 2020, cả nước phải có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…
 
10 yêu cầu của thôn kiểu mẫu huyện Quảng Điền -  Thừa Thiên Huế  

Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nêu rõ mục tiêu: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường”.

Cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết 26-NQ/TW, trong xây dựng nông thôn mới có năm nội dung cơ bản được xác định: Thứ nhất, nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại. Thứ hai, sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa. Thứ ba, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thứ tư, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển. Thứ năm, xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ. Căn cứ theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, mỗi địa phương lại xây dựng những cách làm hay, sáng tạo phù hợp với thực tiễn xây dựng và phát triển nông thôn ở địa phương đó để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Sau đây là một số kinh nghiệm thực tiễn tại một số địa phương trên cả nước:

Tỉnh Thừa Thiên Huế: Huyện Quảng Điền với 10 yêu cầu của một thôn kiểu mẫu:

1. Một đích: Nông thôn mới. 2. Hai chung: Chung sức - chung lòng. 3. Ba sạch: Nhà sạch - Vườn sạch - Đường sạch. 4. Bốn xanh: Vườn xanh - Hàng rào xanh - Đường xanh - Hội quán xanh. 5. Năm không: Không đói nghèo - Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội - Không có bạo lực gia đình - Không sinh con thứ 3 trở lên - Không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. 6. Sáu mới: Tầm nhìn mới - Nhận thức mới - Diện mạo mới - Kinh tế mới - Con người mới - Cuộc sống mới. 7. Bảy đẹp: Nhà đẹp - Vườn đẹp - Ngõ đẹp - Đường đẹp - Hội quán đẹp - Cổng làng đẹp - Nếp sống đẹp. 8. Tám tốt: Quy chế tốt - Chấp hành tốt - Sản xuất tốt - Môi trường tốt - Đoàn kết tốt - Dân chủ tốt - Hạ tầng tốt - An ninh tốt. 9. Chín chuẩn: Nhà chuẩn - Vườn chuẩn - Đường chuẩn - Điện chuẩn - Cơ sở vật chất văn hóa chuẩn - Giáo dục chuẩn - Y tế chuẩn - Văn hóa chuẩn - Hệ thống tổ chức chính trị chuẩn. 10. Mười có: Có quy hoạch - Có sản phẩm sạch - Có nước sạch - Có điện chiếu sáng trục đường nông thôn - Có hệ thống thoát nước - Có hương ước - Có sinh hoạt câu lạc bộ - Có hàng rào xanh - Có hệ thống truyền thanh - Có internet.

Tỉnh Thái Bình: Xã Thụy Văn (huyện Thái Thụy) là một xã thuần nông, để về đích nông thôn mới trong năm 2013, Thụy Văn xác định xây dựng nông thôn mới "không nóng vội, không vì thành tích mà chỉ có một động cơ duy nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước". Nhiệm vụ đầu tiên là ưu tiên cho công trình giao thông thủy lợi nội đồng để tạo vùng sản xuất tập trung nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị thu nhập và giải phóng sức lao động của người dân. Mọi công việc từ lớn tới nhỏ đều được đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ, lấy ý kiến người dân, xây dựng nông thôn mới phải làm từ đồng làm về, làm từ ngõ xóm làm ra, sau cùng mới đến công sở, chú trọng các công trình phúc lợi công cộng. Phát huy dân chủ, huy động nội lực cùng nhiều cách làm sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại.

Tỉnh Hưng Yên: Nét mới trong xây dựng nông thôn mới của Hưng Yên là tập trung làm những việc dân cần, xã hội cần để mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng. Không tệ nạn xã hội, không ô nhiễm môi trường, không lãng phí, hủ tục lạc hậu trong việc hiếu, việc hỷ là mô hình “ba không” đang trở thành điểm nhấn quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tỉnh Nghệ An: Thị xã Thái Hòa với các phong trào thiết thực, sáng tạo như: “60 ngày làm đường giao thông nông thôn kỷ niệm ngày thành lập thị xã”; “60 ngày làm đường giao thông nông thôn kỷ niệm ngày quốc khánh”; “60 ngày về đích nông thôn mới 2015”, phong trào ngày “thứ 7” làm nông thôn mới... đã được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ, thực sự cùng tham gia vào các hoạt động xây dựng nông thôn mới với chính quyền để đạt được những kết quả tốt. Xây dựng nông thôn mới ở Thái Hòa đã đi vào thực chất, các chính sách và dồn nguồn lực đầu tư nhằm tăng cường phát triển sản xuất, chế biến cà phê, cao su, thu hút doanh nghiệp lớn như Vinamilk, TH Truemilk… Tích cực trong các phong trào cải tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, hoạt động văn hóa thể thao quần chúng… đã vừa giúp tăng nhanh thu nhập, vừa nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho cư dân ở từng thôn, xóm. Thị xã đã chủ động cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp có giá trị cao và phát triển bền vững, đó là sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ nông dân với tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp. Với những kết quả đạt được, Thái Hòa vinh dự là đơn vị cấp huyện đầu tiên của Bắc Trung Bộ đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 5 năm 2016.

Tỉnh Đồng Nai: Đồng Nai xây dựng nông thôn mới với 04 chủ trương cơ bản: Có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn đảm bảo; có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Dù đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai cũng đã triển khai chương trình hậu nông thôn mới với mục tiêu nâng chất lượng các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nhằm hướng đến mục tiêu “nâng về chất, mở về lượng”, đến nay đã xây dựng xong bộ tiêu chí hậu nông thôn mới và yêu cầu các huyện, xã đã đạt chuẩn tiếp tục giữ vững và nâng dần các tiêu chí lên.

Trong quá trình thực hiện, để người dân “đồng lòng, chung sức” xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đã yêu cầu các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo phải bám sát thực tiễn, gần gũi, lắng nghe dân và giải thích để dân hiểu về tầm quan trọng của họ trong xây dựng nông thôn mới. Xác định vai trò của người đứng đầu các địa phương đã mạnh dạn thay thế cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc đủng đỉnh, cầm chừng. “Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu cán bộ nào thực hiện không đúng yêu cầu trên, không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì sẽ được thay thế, điều chuyển công tác để thay thế người khác có năng lực hơn. Quan tâm đến công tác khen thưởng đối với cán bộ, người dân làm tốt việc xây dựng nông thôn mới để tạo không khí thi đua”.

 

Hội chợ “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của tỉnh Quảng Ninh

 

Tỉnh Quảng Ninh: Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” hay còn gọi là Đề án OCOP, đây thực sự là điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh. OCOP - thực chất là giải pháp để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương vốn dĩ là những tiềm năng lợi thế của các vùng miền chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Trong Chương trình này Nhà nước đóng vai trò tạo ra “sân chơi” bằng cách ban hành các cơ chế, chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như: Đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng hình thành lên các kênh phân phối sản phẩm…còn người dân đóng vai trò chính trong sân chơi này, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh của địa phương mình.

OCOP có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Thứ nhất là, khi triển khai thành công nó sẽ giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới. Hai là, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn Quảng Ninh. Ba là, góp phần làm giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả tinh thần “Ly nông, bất ly hương”. Bốn là, thông qua chương trình góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đây chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế nông thôn của tỉnh. Năm là, OCOP tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh.

Hà Tĩnh là địa phương có đặc điểm địa hình phức tạp, vừa có vùng núi, vùng đồng bằng và vùng ven biển, vì vậy, trong xây dựng các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng, miền, từng địa phương, kết quả được thể hiện trong năm 2015, Hà Tĩnh vinh dự cùng với 12 tỉnh, thành phố trong cả nước được tuyên dương và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất kèm phần thưởng công trình trị giá 30 tỷ đồng. Việc tiếp tục học tập, trao đổi, tham khảo kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới từ các địa phương khác để làm giàu thêm kinh nghiệm, tăng thêm tính sáng tạo là việc làm rất cần thiết để tìm hướng đi thực sự phù hợp phục vụ cho quá trình xây dựng nông thôn mới của mỗi vùng, miền, mỗi địa phương, với lợi thế khác nhau trên địa bàn tỉnh ta.

Phan Xuân Huấn - Văn phòng Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc