Mặc dù điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Kỳ Tân (Kỳ Anh) đã quyết tâm cao, có cách làm sáng tạo, linh hoạt để cùng với 6 xã khác trong toàn tỉnh về đích xây dựng nông thôn mới (NTM). Kinh nghiệm của Kỳ Tân đáng để các địa phương tham khảo trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM hiện nay.
Xã Kỳ Tân có 2.070 hộ dân, 6.868 nhân khẩu, diện tích tự nhiên trên 4.000ha, trong đó diện tích đất giành cho sản xuất nông nghiệp chỉ trên 722 ha, song lại có điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động, kinh tế sang lĩnh vực dịch vụ với 1 km đường Quốc lộ 1A đi qua và trên 2.337 ha đất rừng; có 14 doanh nghiệp và hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn.
Bước vào xây dựng NTM, việc làm đầu tiên của cấp ủy, chính quyền xã Kỳ Tân là rà soát lại các tiêu chí và xác định thứ tự ưu tiên để tổ chức thực hiện. Theo đó, quy hoạch được xác định là tiêu chí đầu tiên cần được triển khai và tiêu chí hệ thống chính trị được đặt ở vị trí ưu tiên thứ hai vì muốn quy hoạch trở thành hiện thực phải có con người triển khai, tổ chức thực hiện. Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, làm tốt công tác cán bộ, xem con người là nhân tố quan trọng để thực hiện quy hoạch nói riêng và cả quá trình xây dựng NTM nói chung là điểm mới trong nhận thức và cách làm của cấp ủy, chính quyền nơi đây.
Trên cơ sở đó, địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công cán bộ ở các ban, ngành, đoàn thể phụ trách từng tiêu chí. Trong điều hành lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, ngay từ đầu đã có sự phân cấp, phân nhiệm rõ ràng. Đồng chí Lê Văn Phâng, Bí thư Đảng ủy đồng thời Chủ tịch UBND xã là tổng chỉ huy điều hành, chỉ đạo chung, còn các đồng chí từ ủy viên Ban thường vụ cho đến cán bộ xã đều bám sát địa bàn cơ sở giải quyết kịp thời những vấn đề khúc mắc, nảy sinh của người dân, tổ liên gia, thôn. Điều hành giữa Đảng và chính quyền thống nhất, tạo sự chủ động cho cán bộ để đảm bảo tiến độ công việc được thông suốt, nhanh gọn, kịp thời. Để làm được điều này thì không có cách nào khác là từ cán bộ cho đến người đứng đầu xã phải nắm vững tiêu chí, nhóm tiêu chí phụ trách. Cán bộ phụ trách tiêu chí nào phải mở sổ theo dõi, cập nhật văn bản, thực tế triển khai, những vấn đề nảy sinh để kịp thời bổ sung, đề xuất và chỉ đạo. Từ việc xác định con người, bố trí đúng chỗ, đúng việc, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để hiện thực hóa chủ trương.
Trong quá trình tổ chức, trên cơ sở 19 tiêu chí, tập trung vào 5 nhóm vấn đề, địa phương đã xác định được mối liên hệ giữa các tiêu chí để làm quy hoạch tổng thể, đồng thời chọn những điểm lõi, điểm chốt có tác động lan tỏa, tạo nền tảng thúc đẩy các tiêu chí khác. Chẳng hạn, quy hoạch đường giao thông được thực hiện kèm theo quy hoạch hệ thống mương thoát nước. Hệ thống mương thoát nước không chỉ giúp các hộ dân thải nước sinh hoạt, chăn nuôi mà còn bảo vệ đường, chống xói lở mỗi mùa mưa lũ. Một khi người dân hiểu được ích lợi của việc xây dựng mương thoát nước thì họ sẽ tự giác đóng góp, làm cho việc thực hiện tiêu chí môi trường của xã giảm bớt gánh nặng. Giao thông nông thôn (GTNT) có 3 tuyến là đường trục xã, trục thôn, trục liên gia, theo đó, đường trục xã thì xã phải lo, trục thôn thì thực hiện theo cơ chế 50/50(giữa thôn và xã), trục liên gia thì giao cho các hộ dân lo. Khi thực hiện, ở trục liên gia vấp phải vấn đề là có thôn nhiều dân, ít đường nên mức góp ít; có thôn dân ít, đường nhiều nên mức góp nhiều hơn dẫn đến so bì nhau, nhưng bằng tuyên truyền vận động nói rõ cho dân về sự phân cấp để nhân dân nhận thức, tự nguyện thống nhất mức góp. Nhờ sự phân cấp này nên vai trò chủ thể của người dân được thể hiện rõ nét trong việc bàn và quyết định các bước, các khâu trong quá trình thực hiện, dân chủ cơ sở được phát huy.
Cơ chế tự chủ, tự quyết không chỉ trong thi công hoàn thành mà còn cả quá trình bảo quản để sử dụng lâu dài. Trao cơ chế tự chủ cho người dân và thôn xóm song xã luôn tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời bằng các chính sách để giải quyết khó khăn đối với từng việc cụ thể. Chẳng hạn như trong giải phóng mặt bằng (GPMB) để làm đường giao thông, khi các thôn đã bàn xong chủ trương thì xã kịp thời bỏ kinh phí thuê máy đào đất, đào cây giải tỏa mặt bằng sạch phục vụ thi công nhanh nhất. Đối với các hộ hiến đất, ban GPMB xã tính toán mức độ thiệt hại tài sản trên đất để hỗ trợ cho hộ dân xây hàng rào, bờ bao và các công trình phụ trợ khác một cách hợp lí, khách quan, công bằng, ngoài ra, còn tổ chức trao giấy chứng nhận ghi rõ số đất người dân đã hiến xây dựng NTM. Việc làm này không những tôn vinh sự đóng góp của người dân mà còn là căn cứ pháp lí quan trọng để xác thực mốc giới quy hoạch về lâu dài của xã.
Đồng chí Lê Văn Phâng chia sẻ thêm một số kinh nghiệm của địa phương trong xây dựng NTM, đó là lấy gương đảng viên để giáo dục quần chúng; lấy gương cá nhân, tập thể làm tốt, đi trước để hướng dẫn cá nhân, tập thể thực hiện sau; lấy gương những người có uy tín để tạo sức lan tỏa, đồng thuận trong cộng đồng. Chẳng hạn để mở đường GTNT, Đảng bộ họp, quán triệt cho cán bộ, Đảng viên nhận thức, gương mẫu và vận động người thân trong gia đình, nhân dân chấp hành, không có biểu hiện nói trái, làm trái. Đối với các thầy cô giáo ở các nhà trường thì Đảng ủy làm việc với ban giám hiệu để thống nhất trước về chủ trương. Đối với các tổ liên gia thì tổ nào tiên phong phát động làm trước thì xã mời các tổ khác, thôn khác đến tham dự, chứng kiến để học hỏi cách làm. Với cách tuyên truyền thiết thực, cụ thể, cùng với các chính sách kích cầu của địa phương khiến người dân không những không đứng ngoài cuộc mà còn tạo nên phong trào thi đua sôi nỗi mạnh mẽ giữa từng người dân, thôn xóm, huy động tối đa nội lực làm NTM.
Tìm ra điểm mấu chốt và giải quyết được những mấu chốt để gỡ khó từng tiêu chí là cách làm sáng tạo, linh hoạt được áp dụng trong thực tiễn xây dựng NTM ở Kỳ Tân. Thực hiện được những điều này phải bắt đầu từ nhận thức, mà nhận thức trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt, như lời của đồng chí Lê Văn Phâng: "Cán bộ làm NTM phải tâm huyết, nhiệt tình còn người "tổng chỉ huy" thì phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm". Muốn làm được điều này, Đảng bộ thường xuyên làm tốt công tác tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thông về bước đi, cách làm, tạo sự đồng thuận, dân chủ từ bàn bạc, quyết định cho đến tổ chức thực hiện. Uy tín của người đứng đầu được phát huy, đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân được củng cố chính là sức mạnh quyết định thành công”.
Phan Hương
Tin mới cập nhật
- Huyện Kỳ Anh có 03 xã được đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017 ( 08/12)
- Hỗ trợ 24 tỷ cho các xã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí NTM năm 2017 ( 05/09)
- Huyện Đức Thọ tổ chức triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ( 03/07)
- Kinh nghiệm vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị ở thị xã Hồng Lĩnh ( 01/06)
- Xã Thuận Lộc: Quyết tâm “giữ chuẩn” nông thôn mới ( 24/04)
- Cựu chiến binh Bùi Xuân Đại - gương người tốt việc tốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới ( 30/03)