“Làng mới Hàn Quốc” - Gợi ý cho Nông thôn mới Việt Nam?
EmailPrintAa
08:58 17/09/2013

Yếu tố quan trọng nhất đối với sự thành công của Làng mới là cơ chế hoạt động cộng đồng, khả năng của người đứng đầu.

Thành công của phong trào Làng mới (Saemaul Undong) đã thay đổi diện mạo kinh tế của Hàn Quốc, nhất là làm thu hẹp sâu sắc khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Có rất nhiều yếu tố đem lại sự thành công của phong trào này. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất đối với sự thành công của phong trào Làng mới là dựa trên cơ chế hoạt động cộng đồng, khả năng lãnh đạo của người đứng đầu, sự ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ.

Nhóm PV VOV đã có cuộc trao đổi với ông Shim Yun Jong- Hội trưởng Trung ương Hội Phong trào nông thôn mới Hàn Quốc xung quanh vấn đề này. (Đây chính là Viện đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo của phong trào Làng mới. Học viên chính là những lãnh đạo của làng, xã. Khóa học nhấn mạnh vào sự cống hiến quên mình và nêu gương cho quần chúng. Các thành viên tự chia sẻ kinh nghiệm thành công ở địa phương của mình và học hỏi lẫn nhau).

PV: Xin ông vui lòng chia sẻ câu chuyện về sự thành công của phong trào Làng mới (Semaul Undong) ở Hàn Quốc?

Hội trưởng Shim Yun Jong: Trước khi có phong trào Làng mới, có một số phong trào tương tự như phong trào phát triển địa phương hay phong trào nông thôn tự lực cánh sinh, nhưng những phong trào này không đạt được thành tựu lớn.

Ngay sau cuộc cách mạng ở Hàn Quốc, phong trào toàn dân tái xây dựng đất nước dù diễn ra mạnh mẽ nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức đánh thức nhận thức của quần chúng.

Thập niên 60 của thế kỷ trước, công cuộc công nghiệp hóa đã làm sự phân biệt thành thị và nông thôn trở nên sâu sắc. Vào lúc đó, bầu không khí tự giác “phải sống tốt” của những người nông dân hình thành mạnh mẽ và đến năm 1970, phong trào Làng mới được hình thành.

Đến lúc này, chính phủ đã có khả năng cung cấp các vật dụng tối thiểu, xi măng, hay sắt thép... giúp đỡ cho sự nghiệp phát triển tự thân của nông dân. 

Phong trào Làng mới phải kể đến đóng góp quan trọng của cựu Tổng thống Park Jeong –hee. Với sự kiên trì và nhiệt huyết muốn thay đổi và giải quyết các vấn đề của nông thôn, ông đã đưa phong trào Làng mới trở thành phong trào trọng tâm của đất nước.

Kết quả chỉ trong một thời gian Hàn Quốc giảm tỷ lệ nợ nước ngoài nhờ vào tiết kiệm chi tiêu và nâng cao gửi tiết kiệm. Giữa các địa phương phát triển cân bằng: nhờ giao thông và thông tin liên lạc phát triển thông thương dễ dàng giữa các địa và có hiệu quả hơn. Những chương trình đặc biệt của chính phủ, thu nhập của nông, ngư dân tăng dần, sức mua trong nước tăng lên, tạo ra sự phát triển kinh tế vượt bậc.

Xúc tiến phong trào Làng mới ở các nhà máy; tăng cường cải tiến các công đoạn sản xuất; tiết giảm nguyên liệu, tăng cường nâng cao năng suất dẫn đến phát triển xuất khẩu. 

PV: Phong trào Làng mới thành công nhờ vào những yếu cốt lõi nào?

Hội trưởng Shim Yun Jong: Đầu tiên phải nói tới chính sách hiệu quả của chính phủ. Thứ hai, Chính phủ hỗ trợ vật chất ở mức tối thiểu, chỉ hỗ trợ ưu tiên cho thôn, làng ưu tú đã khuyến khích cạnh tranh giữa các thôn, làng. Thứ bà là sự nhận thức và tham gia tự giác của người dân trong cộng đồng là yếu tố không thể thiếu.

Phát triển khả năng lãnh đạo rất quan trọng với cộng đồng. Vì người lãnh đạo có thể thúc đẩy và kêu gọi người dân làm một điều gì đó và khởi động dự án phát triển. Do vậy, Viện đào tạo Saemaul Undong được thành lập, chuyên đào tạo lãnh đạo cộng đồng. Bản thân tôi từ khi là sinh viên và rất nhiều Giáo sư, Tiến sĩ đã từng tham dự khóa đào tại ở đây.

Ở Viện này, những hoạt động thực tiễn tốt nhất về phát triển cộng đồng được giới thiệu và mở rộng sang các vùng khác. Trong đó, chính các lãnh đạo cộng đồng thành công sẽ là người trao đổi truyền đạt kinh nghiệm phát triển cộng đồng của mình cho các học viên khác.

PV: Hiện tại phong trào Làng mới được xúc tiến như thế nào?

Hội trưởng Shim Yun Jong: Hiện tại chúng tôi đang xúc tiến “phong trào Làng mới lần 2”. Phong trào Làng mới lần 2 được chia thành 2 hướng. 

Ở trong nước, chúng tôi “xây dựng tinh thần dân tộc” bằng các phong trào “sẻ chia, thiện nguyện, quan tâm” – là những hoạt động thiết thực trong xã hội hiện đại. 

Ở nước ngoài, chúng tôi lấy kinh nghiệm thực hiện phong trào Làng mới ở Hàn Quốc giúp đỡ các quốc gia đang phát triển. 

Đồng thời chúng tôi đang xúc tiến việc xây dựng thôn làng nhằm làm sống dậy lối sống cộng đồng.

Nhằm tạo dựng những thôn làng có văn hóa sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau và có cuộc sống sung túc, chúng tôi đang đẩy mạnh các hoạt động như giúp đỡ láng giềng xa gần, hỗ trợ gia đình đa văn hóa, xây dựng thôn làng an toàn và lành mạnh ... 

Chúng tôi được biết phong trào Làng mới trên thế giới (Global Village) cũng đang được xúc tiến. Vậy hiện tại phong trào này được tiến hành như thế nào?

PV: Hội trưởng Shim Yun Jong: Từ năm 2009, chúng tôi bắt đầu phát động phong trào Làng mới trên thế giới. Mục tiêu của phong trào này là quốc tế hóa và địa phương hóa phong trào Làng mới. Thay vì hỗ trợ vật chất, chúng tôi thúc đẩy sự kết nối hòa hợp giữa tinh thần, cách thực hiện của phong trào Làng mới với địa phương, qua đó phát triển các mô hình làm sống dậy đặc trưng của từng quốc gia, lập ra kế hoạch theo từng giai đoạn nhằm có các biện pháp, thể chế thúc đẩy phong trào phát triển rộng hơn.

Không chỉ đơn thuần viện trợ và cứu hộ mang tính kinh tế, chúng tôi còn truyền thụ cách thức khắc phục sự nghèo đói bằng cách giúp người dân nỗ lực tự giúp đỡ chính bản thân và vươn lên khắc phục sự nghèo đói. Đây cũng là ý nghĩa lớn nhất của phong trào Làng mới thôn thế giới.

Thông qua việc quốc tế hóa cao độ phong trào Làng mới, chúng tôi hy vọng có thể góp phần vào nền hòa bình và sự thịnh vượng chung của nhân loại thế giới đang cùng nhau sinh sống trong “thôn thế giới” này.

Trung ương hội phong trào Làng mới hiện đang thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn Làng mới cho các lãnh đạo nước ngoài. Năm 2012, chúng tôi đã thực hiện tập huấn, đào tạo cho 195 người đến từ 20 quốc gia trên thế giới. Trong 6 tháng năm 2013, chúng tôi đã tập huấn cho 136 người đến từ 9 quốc gia.

Hiện tại các hoạt động mẫu của phong trào Làng mới thôn thế giới đang được mở rộng ra 32 thôn, làng ở 13 nước như Sri Lanka, Lào, Campuchia, Tanzania, Mông Cổ, Nepal, Uganda, Myanmar...

Chúng tôi đã bổ sung các hoạt động mới như cải thiện môi trường, gia tăng thu nhập vào phong trào. Hiện tại chúng tôi đang vận hành một trang trại nuôi gà và một nhà máy bánh mì ở ở Uganda, thúc đẩy canh tác trồng dưa hấu và ngô ở Lào, xây dựng đường làng và nuôi dê ở Nepal. Mới đây, Tổng thống Myanmar sau chuyến công du đến Hàn Quốc và thăm Viện đào tạo Làng mới đã rất quan tâm và thể hiện mong muốn thực hiện phong trào này tại nước mình, và tháng 4 vừa rồi một trung tâm Làng mới đã được thành lập tại Myanmar.

Dựa trên những kinh nghiệm hoạt động đã có trong thời gian qua, tới đây chúng tôi sẽ bồi dưỡng cho các nhà lãnh đạo phong trào làng mới nước ngoài, xây dựng thành công nhiều hơn nữa các mô hình địa phương hóa Làng mới, đưa những mô hình này đến các quốc gia đang phát triển nhằm giúp đỡ các nước này có một chính sách phát triển nông thôn mới có hiệu quả hơn.

PV: Ông có thể cho biết các hoạt động của phong trào Làng mới ở nước ngoài được Hàn Quốc giúp đỡ đang diễn ra như thế nào?

Hội trưởng Shim Yun Jong: Hiện tại, chúng tôi mời người dân và các công chức địa phương đến nghe tập huấn về phong trào Làng mới, qua đó hiểu được ý nghĩa và mục đích của phong trào này, tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của họ.

Thông qua các mô hình mẫu quy mô nhỏ và việc thúc đẩy thực hiện các hoạt động phong trào Làng mới, chúng tôi giúp người dân nhận thức được sự tự giác trong việc tự giúp đỡ bản thân và cộng đồng./.


    Ý kiến bạn đọc