Nét riêng Tùng Ảnh
EmailPrintAa
08:02 06/05/2014

Nằm bên bến Tam Soa hiền hòa, thơ mộng, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) không chỉ nổi tiếng với truyền thống cách mạng, khoa bảng, nhiều dòng họ hiếu học mà còn là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phát huy truyền thống văn hóa, khoa bảng

Tùng Ảnh - quê hương của lãnh tụ phong trào Cần vương Phan Đình Phùng, Tổng Bí thư Trần Phú và rất nhiều anh hùng, chí sĩ, nhà cách mạng, khoa học, nghệ sỹ nổi tiếng. Phát huy truyền thống đó, mỗi người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi thôn, xóm của Tùng Ảnh đều vinh danh sự học. Tính đến nay, Tùng Ảnh có trên 1.000 giáo sư, tiến sĩ, cử nhân đang giữ các chức vụ quan trọng trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh - Phan Tiến Dũng cho biết: “Với truyền thống khoa bảng, hiếu học, xã Tùng Ảnh có rất nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện xây dựng NTM. Thời gian qua, nhiều điển hình trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được nhân rộng. Nhờ đó, phong trào thi đua giữa nhà này với nhà khác, giữa thôn này với thôn khác được khơi dậy. Các thôn xóm đạt danh hiệu làng văn hóa ngày càng tăng về số lượng và chất lượng”.

Đến nay, Tùng Ảnh có 12/12 thôn đã xây dựng được quy ước, hương ước, 9/12 thôn được công nhận làng văn hóa. Hàng năm, cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo chặt chẽ việc rà soát, bình xét từ thôn xóm, để tiêu chí gia đình văn hóa trở thành tiêu chí danh dự của gia đình, của cả dòng họ, của thôn và là nền móng cơ bản xây dựng làng văn hóa. Việc khuyến học, khuyến tài ở làng “khoa bảng” được các dòng họ và chính quyền duy trì thành nếp, bằng những phần thưởng xứng đáng. Mỗi năm có 50-70 con em Tùng Ảnh thi đậu các trường đại học...

Điểm sáng nông thôn mới

Sau 3 năm triển khai xây dựng NTM, với tinh thần “lấy dân làm gốc”, năm 2013, Tùng Ảnh nằm trong tốp đầu của tỉnh hoàn thành 19/19 tiêu chí. Yếu tố làm nên thành công của Tùng Ảnh chính là đã huy động sức mạnh tổng hợp, trong đó, vai trò làm chủ của người dân được đề cao.

Tùng Ảnh vừa có những con đường thảm nhựa bê tông rộng rãi, những ngôi nhà 2-3 tầng, vừa có những bờ rào mạn hảo đậm đà nét quê. 

Tùng Ảnh, “về làng ngỡ phố” là câu nói mà chúng tôi được nghe rất nhiều trong thời gian qua. Ở đây, vừa có những con đường thảm nhựa bê tông rộng rãi, những ngôi nhà 2-3 tầng, vừa có những bờ rào mạn hảo đậm đà nét quê. Ý thức giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm luôn được mỗi người dân đặt lên hàng đầu.

Đặc biệt, Tùng Ảnh nổi tiếng về tinh thần hiến đất mở đường làm GTNT. Qua 3 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, người dân Tùng Ảnh đã tự nguyện hiến 6.300 m2 đất các loại. Câu chuyện về các gia đình: ông Võ Văn Đồng (thôn Sơn Lễ) tình nguyện hiến 540 m2 đất; cụ Lê Mai hiến hơn 100 m2 đất và chặt hạ 11 cây mít, bà Xuân, ông Phúc, bác Sưu và hàng trăm gia đình khác cũng đều tự nguyện hiến hàng trăm m2đất… là tấm gương sáng cho bà con noi theo.

Điểm khác biệt trong việc hiến đất mở đường của Tùng Ảnh là sự đồng lòng, chia sẻ của người dân trong thôn xóm với nhau. Hộ nào không ở mặt đường, không phải hiến đất, chặt phá cây cối thì đóng góp tiền của và công sức hỗ trợ những hộ bị ảnh hưởng sửa chữa, xây lại những công trình đã tự nguyện dỡ bỏ. Một phần sức mạnh tổng lực để làm nên thành công trong xây dựng NTM là kêu gọi được sự hỗ trợ, đóng góp của con em xa quê với số tiền trên 55 tỷ đồng. Điều đó thể hiện sức mạnh riêng có của con em Tùng Ảnh mà cốt lõi bắt nguồn từ truyền thống văn hóa.

Với truyền thống văn hóa, cách mạng và cách làm sáng tạo, biết huy động sức mạnh tổng hợp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tùng Ảnh đã vững vàng về đích NTM, đánh dấu một chặng đường phát triển mới.


    Ý kiến bạn đọc