Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho anh Tôn Kế Toại tại Phủ Chủ tịch |
Sinh năm 1983, tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2002 anh Tôn Kế Toại thi đỗ vào trường Trung cấp nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh học ngành chăn nuôi và thú y. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp, anh trải qua nhiều công việc để sinh sống. Từ năm 2006 - 2010, anh tiếp tục học đại học ngành quản trị kinh doanh, sau đó về quê lập gia đình, tham gia sinh hoạt đoàn và sản xuất nông nghiệp. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ “bao đời nay làm ruộng vất vả nhưng chỉ đủ lương thực, cuộc sống gia đình không thể khá lên được, do lợi nhuận từ trồng lúa chẳng được là bao”, anh quyết tâm xây dựng mô hình sản xuất tổng hợp. Khi biết tỉnh có chủ trương khuyến khích các hộ dân phát triển sản xuất như cho thuê đất, hỗ trợ kinh phí xây dựng trang trại, cho vay vốn hỗ trợ lãi suất..., và sau khi đi tham quan học tập các mô hình kinh tế ở tỉnh Thanh Hóa, năm 2011, anh quyết định làm trang trại. Nơi mà anh nhận thầu làm trang trại là 03 ha đất hoang bạc màu bên sườn núi ở thôn Hồng Thủy. Nghe đến vùng đất ấy, vợ anh lập tức phản đối “công sức đâu để cải tạo vùng "đất chết", mà thuê người làm thì lấy tiền đâu”. Vợ anh còn nhờ bố mẹ, họ hàng nội ngoại khuyên anh từ bỏ ý định làm trang trại. Nhưng trước ý chí quyết tâm của chồng, cuối cùng vợ anh đã đồng ý, không những vậy bố mẹ hai bên cũng đồng tình, ủng hộ việc anh xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn.
Hàng ngày, anh dậy sớm vào chân núi Hồng Thủy làm mặt bằng để lập trại đến tối đến tối mịt với về. Đôi bàn tay anh thường xuyên phát quang, đào đất đá đầy chai sạn. Thấy con quyết tâm lập trại, bố mẹ đã cho anh cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay vốn ngân hàng xây dựng trang trại. Sau khi làm xong mặt bằng, anh đến những vùng chăn nuôi lợn tập trung của các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu cách làm ăn từ chăn nuôi đến thị trường tiêu thụ. Trong những chuyến đi đó, anh đã tìm được đối tác liên kết chăn nuôi đó là Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam. Anh cho biết, kinh nghiệm anh học được là làm trang trại nuôi lợn quy mô lớn phải thực hiện hình thức liên kết. Nuôi liên kết đỡ vốn đầu tư, kỹ thuật chăn nuôi, không phải lo đầu ra, hạn chế được rủi ro vì phía công ty cung cấp con giống, thức ăn, cử cán bộ kỹ thuật theo dõi và bao tiêu sản phẩm. Với chính sách hỗ trợ vay vốn sản xuất của tỉnh, đầu năm 2012, anh được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn cho vay 800 triệu đồng để đầu xây dựng chuồng trại nuôi lợn quy mô 600 con/lứa.
Anh Toại kiểm tra đàn lợn |
Tháng 5 năm 2012, vợ chồng anh thả lứa lợn đầu tiên. Sau khi thả lợn giống, ngày nào vợ chồng anh cũng nơm nóp lo âu, nhất là mỗi khi nghe thông tin trên ti vi nói về bệnh dịch gia súc. Cứ nghĩ đến món nợ và công sức mình bỏ ra, vợ chồng anh cứ thấp thỏm trông đến ngày xuất bán lợn. Thế rồi cái ngày vợ chồng anh mong đợi đã đến, sau gần 5 tháng nuôi, lứa lợn đầu tiên đã được xuất chuồng, trừ các chi phí, vợ chồng anh thu được 200 triệu đồng. Mọi người đều mừng cho vợ chồng anh có được số tiền lớn mà nếu chỉ trồng lúa như trước đây thì không bao giờ có được. Không dấu diếm bí quyết, anh Toại đã nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong xã phát triển chăn nuôi lợn. Cuối năm 2012, anh được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã.
Nhận thấy nuôi lợn theo hình thức liên kết cho thu nhập cao, năm 2014, anh Toại tiếp tục đầu tư xây dựng dãy chuồng thứ hai quy mô 600 con/lứa, nâng tổng quy mô lên 1.200 con/lứa, bình quân mỗi năm xuất chuồng 2,5 lứa, lợi nhuận đạt 600 - 700 triệu đồng/năm. Không chỉ nuôi lợn, vợ chồng anh khai thác diện tích đất chưa sử dụng để xây dựng khu nuôi gà và thỏ. Bình quân mỗi lứa nuôi hơn 1.000 con gà cỏ và hơn 300 con thỏ, thu nhập từ gà và thỏ trên 300 triệu đồng/năm. Trang trại của anh tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với mức lương mỗi tháng trên 4 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết: "Tôi quyết tâm biến vùng đất đá sỏi này thành trang trại cho thu nhập cao, ngoài mục đích làm giàu cho gia đình còn nhằm để hội viên nông dân làm theo. Nếu làm cán bộ Hội mà chỉ tuyên truyền, vận động thôi thì chưa đủ". Nói về anh, ông Trương Kế Bảo, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy khẳng định: “Thật bất ngờ, chỉ sau 3 năm anh Toại đã biến vùng đất hoang hóa toàn sỏi đá này thành một trang trại quy mô lớn. Không chỉ giỏi sản xuất kinh doanh, anh Toại còn là cán bộ Hội Nông dân năng động, sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của mình cho bà con trong xã. Đến nay, có nhiều hộ dân nhờ anh hướng dẫn đã làm trang trại chăn nuôi đem lại thu nhập cao, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới ”.
Trí Thức - Hội Nông dân tỉnh
Tin mới cập nhật
- Huyện Kỳ Anh có 03 xã được đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017 ( 08/12)
- Hỗ trợ 24 tỷ cho các xã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí NTM năm 2017 ( 05/09)
- Huyện Đức Thọ tổ chức triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ( 03/07)
- Kinh nghiệm vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị ở thị xã Hồng Lĩnh ( 01/06)
- Xã Thuận Lộc: Quyết tâm “giữ chuẩn” nông thôn mới ( 24/04)
- Cựu chiến binh Bùi Xuân Đại - gương người tốt việc tốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới ( 30/03)