Phân tích sâu sắc các bài học trong quá trình xây dựng nông thôn mới
EmailPrintAa
14:45 20/04/2015

Chiều 17/4, Thường trực Ban Chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh tổ chức họp nghe báo cáo công tác chuẩn bị sơ kết 5 năm (2011 – 2015) xây dựng NTM và bàn nhiệm vụ, giải pháp 2016 – 2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn – Phó trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì buổi làm việc.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Hà Tĩnh đạt kết quả khá cao và toàn diện, từng bước đi vào chiều sâu. Hà Tĩnh được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong xây dựng NTM. Khi mới bước vào thực hiện chương trình, số tiêu chí bình quân chung chỉ đạt 4,1 tiêu chí/xã, không có xã nào đạt trên 10 tiêu chí và có đến 120 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Sau gần 5 năm xây dựng NTM, mức độ đạt chuẩn các tiêu chí đều tăng lên, bình quân đạt 9,7 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 26 xã đạt chuẩn NTM, hiện không còn xã dưới 5 tiêu chí, và nhiều khả năng đến cuối năm 2015 không còn xã dưới 7 tiêu chí.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Các sở ngành, địa phương huy động trí tuệ, đánh giá thực sự khách quan, từ thực tiễn rút ra lý luận, xác định những nội dung trọng yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới

 

5 năm xây dựng NTM, sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh, một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại. Đời sống vật chất, tinh thần người nông dân được cải thiện, vai trò chủ thể được thể hiện rõ hơn. Nông thôn phát triển toàn diện, tạo ra diện mạo mới, khởi sắc ở nhiều địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng NTM cũng bộ lộc những tồn tại yếu kém, đòi hỏi các đơn vị, địa phương phải đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, khắc phục những thiếu sót, hạn chế nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng NTM nhanh, mạnh hơn.

 

Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn: Vai trò, vị thế của người dân và cộng đồng nông thôn được phát huy, người dân được góp ý, phản biện và quyết định trong hầu hết các nội dung trong quá trình xây dựng NTM.

 

Tại buổi làm việc, đại biểu cùng phân tích nguyên nhân những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, dự báo một số thuận lợi, khó khăn, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao số lượng, chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM trong thời gian tới.

 

Trưởng đoàn Điều tra, quy hoạch nông - lâm nghiệp tỉnh Nguyễn Hữu Dực: Những kết quả đạt được trong thời gian qua được bắt nguồn từ việc thay đổi tư duy, cách làm, sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực của tỉnh đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

 

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đề nghị các sở ngành, địa phương huy động trí tuệ, đánh giá thực sự khách quan, từ thực tiễn rút ra lý luận, xác định những nội dung trọng yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Việc đánh giá kết quả xây dựng NTM trong 5 năm qua thực chất là đánh giá lại kết quả nhiệm vụ xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

 

Hiệu trưởng Trường Chính trị Trần Phú Đinh Quốc Thị: Cần sắp xếp lại bố cục một số nội dung trong báo cáo sơ kết để thấy được cách làm sáng tạo của tỉnh, nhất là việc ban hành cơ chế chính sách ngày càng đồng bộ.

 

Vì vậy, trong báo cáo đánh giá cần nêu bật vai trò của các cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ; hiệu quả của việc ban hành các cơ chế chính sách, huy động sự vào cuộc quyết liệt của người dân, kết quả huy động doanh nghiệp với “tam nông”; mạnh dạn nhìn nhận, phân tích những hạn chế, tồn tại trong quá trình xây dựng NTM.

 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phan Văn Tình: Chất lượng quy hoạch và đề án xây dựng NTM, đề án phát triển sản xuất của nhiều xã còn thấp; tuy đã sớm có sự tập trung chỉ đạo, nhưng chậm được bổ sung, hoàn thiện, nhất là về quản lý quy hoạch.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đề nghị Ban Soạn thảo báo cáo nhấn mạnh các nội dung như: Sự quan tâm toàn diện đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; làm sâu sắc bài học “3 hóa” và vai trò của doanh nghiệp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, linh hoạt xây dựng các cơ chế chính sách, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất; huy động sự vào cuộc của quyết liệt cả hệ thống chính trị, từng bước phát huy vai trò chủ thể của người dân; bài học về công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân…

Trong việc xây dựng các giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, cần hướng tới mục đích khơi dậy, phát huy được tính tự chủ của nhân dân, đẩy nhanh việc thực hiện “3 hóa”, tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển…

Theo Ngô Tuấn/Baohatinh.vn


    Ý kiến bạn đọc