Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" - Nhân tố tích cực góp phần xây dựng "Nông thôn mới" ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
09:36 06/05/2013

Từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

Xác định “Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội”, tháng 7 - 1998, Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trên cơ sở đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) ra đời và đã trở thành một phong trào mang ý nghĩa chính trị - văn hóa - kinh tế - xã hội sâu sắc và rộng lớn, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Phong trào là động lực quan trọng nhằm tuyên truyền, giáo dục, tạo điều kiện cho sự phát triển văn hoá trong thời kỳ mới. 

Thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH nói chung, với các phong trào cốt lõi như: xây dựng “Làng văn hóa”, “Khối phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa”… đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cộng đồng dân cư, tạo bước đột phá làm thay đổi nhanh chóng diện mạo đời sống từ thành thị đến nông thôn. Phong trào thực sự góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, giữ vững quốc phòng - an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Hơn 10 năm qua, phong trào TDĐKXDĐSVH đã được kết hợp chặt chẽ với các phong trào và các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm… đặc biệt là lồng ghép với các phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nên đã tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện. 

Muốn phong trào ngày một phát triển thì việc đào tạo nguồn cán bộ là yếu tố quyết định. Bởi vậy, hàng ngàn lượt cán bộ đã được tập huấn, đào tạo chuyên sâu, nhanh chóng tiếp cận với các mô hình điển hình và các văn bản liên quan đến lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân cũng được chú trọng dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền, cổ động trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các cụm pa nô, áp phích, băng rôn, biểu ngữ; tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề… Đặc biệt, một số nội dung của phong trào đã được sân khấu hóa qua các làn điệu dân ca, ví, giặm; các vở kịch, tiểu phẩm, bài thi hùng biện,… mang tính thời sự, chứa đựng nhiều thông tin bổ ích được thể hiện tại các hội thi, hội diễn quần chúng thu hút đông đảo bà con tham gia, cổ vũ. 

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các nguồn đầu tư từ ngân sách của nhà nước và huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa đã được sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí. Với tổng kinh phí 1.059.052 triệu đồng (trong đó riêng giai đoạn 2010 - 2012 là 899.192 triệu đồng) xây dựng Nhà văn hóa, các thiết chế thể thao thôn, bản, khối phố và tổ chức các hoạt động văn hóa – thể thao thường xuyên trong thời gian qua đã làm cho bộ mặt nông thôn cũng như khu vực thành thị trở nên sôi động và khởi sắc. Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 198 nhà văn hóa cấp xã, phường với hệ thống âm thanh, ánh sáng khá đầy đủ; 2.418 nhà văn hóa thôn, xóm; 954 cổng chào, biển tường, cụm cổ động; 129 tủ sách pháp luật …

Việc “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” theo tinh thần Chỉ thị số 27 của Bộ chính trị, Chỉ thị số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã trở thành tiêu chí quan trọng trong xét công nhận các danh hiệu văn hóa. Nhiều địa phương, đơn vị đã thực hiện khá nghiêm túc như xã Kỳ Hải, Kỳ Ninh (Kỳ Anh), cơ quan Tỉnh đoàn,… Tình trạng đám cưới, đám tang phô trương, hình thức, lãng phí giảm dần. Các mô hình đám cưới gọn nhẹ, tiết kiệm mang tính cộng đồng được xây dựng và nhân rộng đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân, nhất là lớp trẻ.

Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa luôn được chú trọng. Các di tích, danh thắng được trùng tu, tôn tạo; các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng - tâm linh chính đáng của nhân dân được tổ chức, hướng dẫn thực hiện đúng quy chế; các làn điệu dân ca, trò diễn dân gian, làng nghề truyền thống được sưu tầm, phục dựng và bảo tồn có hệ thống. Công tác tạo dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp và an toàn, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, không có tai tệ nạn xã hội được tích cực đẩy mạnh.

Quá trình xây dựng phong trào TDĐKXDĐSVH đã tác động tích cực đến ý thức, tình cảm của người dân, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”, tương thân tương ái ... Các phong trào đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa nhà tranh tre dột nát, xây tặng nhà tình nghĩa,… không những làm tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là khu vực nông thôn. 

Sau hơn 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, Hà Tĩnh đã có hơn 1.600 gương người tốt việc tốt; 249.250/342.929 gia đình văn hóa, đạt 72,68%; 1.005/2.887 làng văn hóa, đạt 34,81% và 198/229 tổ dân phố văn hóa, đạt 85%; trên 90 % cơ quan, đơn vị đạt chuẩn về văn hóa… Tình hình văn hóa - xã hội trên phạm vi toàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,71% năm 2010. 

 …Đến xây dựng “Nông thôn mới”

Từ những kết quả đạt được qua hơn 10 năm triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH đã tạo đà mạnh mẽ, xây dựng nền móng vững chắc cho việc tiếp cận, lập kế hoạch và triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thực tiễn quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh cho thấy người dân đã rất đồng lòng, chung sức, chủ động tham gia phong trào, tình nguyện 2,76 triệu m2 đất cho các dự án. Phong trào đã nhận được sự ủng hộ to lớn của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là các đơn vị: Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà… Sau hai năm xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã huy động được 15.628  tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1.201 tỷ đồng.

Phong trào cũng đã tạo chuyển biến tích cực trong việc thay đổi nhận thức, ý thức, quan niệm cho người dân, giúp họ nắm bắt, tiếp thu những chủ trương, đường lối mới một cách dễ dàng và hiệu quả hơn; đồng thời giảm bớt những vướng mắc, mâu thuẫn khi triển khai các chương trình, dự án ở cơ sở. Qua quá trình lăn lộn với thực tiễn xây dựng phong trào, đội ngũ cán bộ các cấp đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức, do đó khi thực thi nhiệm vụ sẽ xử lý các vấn đề một cách linh hoạt và nhạy bén hơn. 

Đối chiếu với Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chúng ta rất dễ nhận thấy sự ảnh hưởng của phong trào TDĐKXDĐSVH. Đặc biệt là tiêu chí 1 “Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp”; tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa “Nhà văn hoá và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Tỷ lệ thôn có nhà văn hoá và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch”; tiêu chí 16 về văn hóa “Xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn Làng văn hoá theo quy định của Bộ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch” và các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, môi trường, hộ nghèo,... Thực tế, nhiều địa phương, đơn vị đã đạt chuẩn tiêu chí 6, hoặc  cũng đã có được cái “cốt vật chất” từ quá trình xây dựng phong trào TDĐKXDĐSVH, chỉ cần cải tạo, nâng cấp lên cho đạt tiêu chí. Với tiêu chí 16 lấy căn cứ từ tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thì càng in đậm dấu ấn của phong trào TDĐKXDĐSVH. Thông tư số 17/2011/TT - BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới: “phải giúp nhau phát triển kinh tế với ít nhất 80% số hộ gia đình được tuyên truyền, phổ biến khoa học, kỹ thuật, 70% số hộ trở lên tham gia các hình thức hợp tác phát triển kinh tế; phải nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, ấp, bản văn hóa với 60% trở lên gia đình được công nhận "Gia đình văn hóa" 3 năm liên tục, 70% trở lên hộ gia đình cải tạo được vườn tạp, không để đất hoang; phải xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở với 100% thôn, làng có nhà văn hóa, khu thể thao; phải xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn với 75% trở lên hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, 100% thôn, làng có tổ vệ sinh môi trường; phải nghiêm túc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương”. Như vậy, có thể khẳng định rằng: xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới cũng chính là xã đạt “chuẩn văn hóa” nông thôn mới. Để làm được điều này không thể thiếu vai trò trách nhiệm của ngành văn hóa với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã và đang được tiến hành.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh đang ngày càng thu được những kết quả khả quan. Để các mục tiêu, kế hoạch sớm về đích, phải kết hợp hai phong trào TDĐKXDĐSVH và xây dựng nông thôn mới một cách hợp lý, nhuần nhuyễn, thống nhất giữa các tiêu chuẩn. Đồng thời phát huy những mặt mạnh, khắc phục mặt yếu kém để hoàn thành các nội dung theo từng giai đoạn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo tiền đề xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh. 

Trần Đức Cường, Tạp chí Văn hóa


    Ý kiến bạn đọc