Sở Công thương phát huy vai trò, trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới
EmailPrintAa
11:08 20/06/2014

Triển khai Nghị quyết 08-NQ/TU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chỉ thị số 07-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã và đang tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành, từng bước cùng các địa phương hoàn thành các tiêu chí điện, chợ, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống, vật chất của người dân ở khu vực nông thôn.

Sở Công Thương đã sớm nhận diện được những khó khăn, hạn chế trong hoạt động Công Thương tại 235 xã trên địa bàn tỉnh trước khi bước vào triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đó là: Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, hoạt động kinh doanh thương mại ở nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra chậm. Chợ nông thôn chủ yếu là chợ tạm, cơ sở vật chất yếu kém, mô hình quản lý còn nhiều bất cập, việc huy động nguồn lực phát triển chợ có nhiều khó khăn. Hạ tầng kỹ thuật điện nông thôn chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp, phần lớn các xã chưa đạt tiêu chí điện nông thôn mới.

Để từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế, nhằm đạt mục tiêu trên 20% số xã về đích trước 2015, ngành Công Thương đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, tham mưu cho Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng bước hoàn thiện tiêu chí điện, chợ và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn nông thôn.

Trước hết, Sở Công Thương đã thành lập Tổ Công tác cơ sở do Giám đốc Sở làm Tổ trưởng, thành viên là những cán bộ có tâm huyết, chịu khó, chuyên môn tốt. Sau 03 năm triển khai hoạt động, Tổ Công tác cơ sở đã đưa lại nhiều kết quả tích cực. Các thành viên đã chủ động trực tiếp làm việc với các xã để theo dõi, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, định hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN), thương mại, dịch vụ gắn với thực tiễn địa phương, hướng dẫn nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Từ thực tiễn ở cơ sở, các thành viên Tổ công tác đã nhận diện được những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới tại từng địa phương; kịp thời phản ánh và tham mưu các giải pháp tháo gỡ. Bản thân các cán bộ của Tổ công tác cơ sở có cơ hội để cọ xát thực tiễn, đúc rút các kinh nghiệm trong công việc, tiến tới tham mưu các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực mình đảm nhiệm chính xác, khách quan và phù hợp hơn với nhu cầu của khu vực nông thôn.

Thứ hai, chú trọng tham mưu cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp - thương mại ở nông thôn, nâng cao vai trò của ngành Công Thương đối với các địa phương. Trong 3 năm (2011 - 2014), Sở Công Thương đã tham mưu cho HĐND tỉnh 03 nghị quyết (về phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển cụm công nghiệp; chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh); chủ trì tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 03 đề án và ban hành 04 quyết định quy phạm pháp luật (QPPL), ban hành các cơ chế chính sách cho phát triển nông thôn mới. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách liên quan đến sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ một số nông sản chủ lực của tỉnh. Các cơ chế, chính sách đó đã góp phần kích thích phát triển các khâu từ sản xuất, nuôi trồng đến bảo quản, chế biến, tiếp cận thị trường và tiêu thụ các sản phẩm.

 
Phát triển nghề mộc ở làng xã Thái Yên (Đức Thọ)  

Từ năm 2011 đến nay, nguồn ngân sách các cấp đã bố trí 195,35 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (riêng ngân sách tỉnh hàng năm bố trí 25 - 40 tỷ đồng), hàng năm bố trí 18-20 tỷ đồng hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong tỉnh. Riêng năm 2014, ngân sách tỉnh bố trí 39 tỷ đồng cho phát triển cụm công nghiệp, 19 tỷ đồng đầu tư hạ tầng thương mại nông thôn, 18 tỷ đồng hỗ trợ xuất khẩu... Việc hỗ trợ từ ngân sách các cấp nhằm thực hiện các chính sách đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp, HTX và các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực Công Thương đối với nông nghiệp, nông thôn.

Thứ ba, chỉ đạo, hướng dẫn sát sao việc hoàn thành tiêu chí điện, chợ. Ngay từ đầu năm 2011, Sở Công Thương đã ban hành bộ tài liệu gồm 04 cuốn hướng dẫn chi tiết tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống điện, hệ thống chợ nông thôn mới, định hướng phát triển các mô hình sản xuất công nghiệp - TTCN ở nông thôn. Bộ tài liệu được gửi trực tiếp cho Văn phòng điều phối các huyện và 235 xã trên địa bàn để nghiên cứu và triển khai thực hiện.

Đối với tiêu chí Điện: Sở đã chỉ đạo đẩy nhanh bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, yêu cầu Công ty Điện lực Hà Tĩnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư hệ thống điện tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới, chú trọng đảm bảo cung ứng điện cho các trang trại sản xuất lớn, tập trung; đôn đốc thực hiện Dự án Điện nông thôn Re2. Bên cạnh đó, Sở chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về hoạt động điện lực; rà soát, xử lý, rút giấy phép các đơn vị tư vấn điện không đủ năng lực hoạt động. Nhờ đó, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước được tăng cường, chất lượng dịch vụ điện năng được cải thiện đáng kể. Đến nay, hệ thống điện tại các xã trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.

Đối với tiêu chí Chợ: Thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển thương mại nông thôn, bên cạnh kêu gọi đầu tư xã hội hóa và hỗ trợ chính sách theo quy định, Sở đã chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về bộ máy hoạt động và tuân thủ quy định pháp luật của các Ban quản lý chợ, chỉ rõ những bất cập, yếu kém của mô hình quản lý chợ hiện tại và tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định số 24/2014/QĐ-UBND về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ theo hướng giao cho các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý.

Sau 03 năm triển khai đã có 133 xã đạt tiêu chí điện, 07 xã đạt tiêu chí chợ nông thôn mới. Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã tiếp nhận 241/262 xã, phường, thị trấn và ưu tiên nguồn vốn dự án Re2 bổ sung đợt 4 (trên 120 tỷ đồng) để đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện nông thôn tại 64 xã. Một số địa phương đã triển khai mô hình chợ đầu tư theo hình thức xã hội hóa, bước đầu hoạt động khá hiệu quả.

Thứ tư, chú trọng lồng ghép các chương trình hoạt động của của ngành nhằm khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp - TTCN và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Cụ thể:

- Thực hiện hỗ trợ khuyến công địa phương theo hướng tập trung, không dàn trải, ưu tiên gắn với xây dựng nông thôn mới. Một số hình thức hỗ trợ khuyến công địa phương khá hiệu quả như: Tổ chức Hội nghị toàn tỉnh giới thiệu các mô hình sản xuất có hiệu quả, các máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến cho chế biến nông sản; hỗ trợ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; tổ chức đào tạo, tập huấn khởi sự, phát triển doanh nghiệp, bồi dưỡng kiến thức quản trị tại các khu vực nông thôn; hỗ trợ các cơ sở chế biến nông sản chủ lực của tỉnh (nhà máy súc sản, các cơ sở chế biến gạo, rau, củ quả...).

- Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại cả về nội dung lẫn hình thức. Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ nhằm quảng bá sản phẩm, Sở đã chỉ đạo tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại có quy mô và tầm ảnh hưởng như tổ chức Hội chợ Quốc tế Hà Tĩnh 2013; tổ chức 03 hội nghị giao thương, 01 Tọa đàm tư vấn doanh nghiệp tạo điều kiện cho trên 300 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giao lưu, ký kết hợp tác kinh doanh; tổ chức 02 lễ ký kết đưa trên 50 sản phẩm Hà Tĩnh vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị. Bên cạnh đó, Sở chú trọng hỗ trợ xây dựng hàng chục thương hiệu hàng hóa, xây dựng website thương mại điện tử bàn giao cho doanh nghiệp khai thác, sử dụng.

Thứ năm, tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân trong việc tuyên truyền, đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho lực lượng lao động có vốn, có nhu cầu trang bị các kiến thức, pháp luật về thành lập doanh nghiệp và tổ chức sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn.

Thứ sáu, tích cực thực hiện đỡ đầu xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của tỉnh. Được UBND tỉnh cho phép đỡ đầu xã Thái Yên (Đức Thọ) trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Sở đã chủ động phối hợp huyện, xã tổ chức ký kết Chương trình đỡ đầu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2015. Nhiều hoạt động hỗ trợ đã phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả cao như: hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tiêu chí điện, chợ; hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp Thái Yên, mở rộng làng nghề mộc truyền thống; hỗ trợ tổ chức đoàn học tập các mô hình chế biến đồ gỗ dân dụng từ nguyên liệu rừng trồng; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề; hỗ trợ xúc tiến thương mại...

Qua quá trình chỉ đạo, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, bước đầu, Sở Công Thương rút ra một số kinh nghiệm:

- Việc triển khai thực hiện các tiêu chí của ngành cũng như thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo mà cần phải sâu sát, hướng dẫn cụ thể gắn với thực tiễn của từng xã, từng doanh nghiệp. Để thực hiện việc này, cần thành lập một bộ phận chuyên theo dõi, đôn đốc, triển khai các đầu việc thuộc ngành Công Thương. Tổ Công tác cơ sở của Sở Công Thương là một ví dụ.

- Để tác động đến nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp thực hiện của các địa phương, các xã, các doanh nghiệp và nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý nhà nước cần phải quan tâm tham mưu các cơ chế, chính sách phát triển ngành, chú trọng vào khu vực nông thôn. Các cơ chế, chính sách này cần phải được thể chế hóa bằng các văn bản QPPL, có tính chất pháp lý cao như các Nghị quyết HĐND tỉnh; các quyết định QPPL của UBND tỉnh... 

- Xây dựng một số mô hình mẫu để từ đó nhân rộng, lan tỏa. Trong lĩnh vực Công Thương đó là mô hình xã điểm về tiêu chí điện, mô hình xã điểm về chợ và các mô hình điểm về sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực.

Mặc dù đã có những nỗ lực, cách làm mới để chung tay xây dựng nông thôn mới, bước đầu đạt được kết quả nhất định nhưng qua soát xét, Sở Công Thương nhận thấy trong quá trình chỉ đạo, hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới lĩnh vực ngành vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Các tiêu chí thuộc ngành cơ bản đã hoàn thành theo đúng tiến độ, kế hoạch nhưng việc duy trì tính bền vững trong thời gian tới còn rất nhiều khó khăn; việc thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch gắn với nâng cao đời sống, vật chất cho người dân nông thôn còn có nhiều thách thức; việc hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn để có sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực có thế mạnh riêng, hay liên kết vùng trong trong tiêu thụ sản phẩm là bài toán đặt ra chưa có lời giải, đang đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải thực sự quan tâm triển khai trong thời gian tới.

  Trần Nhật Tân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương


    Ý kiến bạn đọc