Thạch Hà: Nhiều đảng viên làm kinh tế giỏi
EmailPrintAa
15:48 23/09/2015

Thực hiện chủ trương “Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”, nhiều đảng viên ở huyện Thạch Hà đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng quê hương.
 
Ruộng dưa của đảng viên Nguyễn Thị Phùng  

Hợp tác xã Sản xuất rau quả thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn có 11 xã viên do đảng viên Nguyễn Thị Phùng làm Chủ nhiệm. Mỗi xã viên đóng góp 2 triệu đồng làm kinh phí điều hành hoạt động và chi phí phục vụ nước tưới. Hợp tác xã quy hoạch, tổ chức cho mỗi hội viên 1.000m2 đất cát ven biển để trồng rau, quả. Đảng viên Nguyễn Thị Phùng với vai trò Chủ nhiệm, Thôn trưởng, PBí thư chi bộ thôn vừa trực tiếp sản xuất vừa điều hành Hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Vừa qua, các xã viên đã có vụ dưa hấu được mùa, trung bình mỗi sào cho thu nhập 6 triệu đồng. Thời điểm hiện tại các xã viên đã chuyển sang trồng đậu và vừng. Đến nay đã sang vụ thứ ba, qua hoạch toán cho thấy, các loại rau màu trồng trên cát cho thu nhập gấp 7 - 8 lần so với trồng lúa.

Cũng ở xã Thạch Văn, đồng chí Nguyễn Tất Dong - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, dù còn hơn một năm công tác nhưng ông tự nguyện nghỉ công tác để tạo điều kiện cho thế hệ trẻ kế nhiệm. Với 42 năm công tác, 35 năm tuổi Đảng, khi còn đương nhiệm, đồng chí Dong vẫn ao ước xây dựng một mô hình kinh tế tổng hợp do mình đứng chủ. Vậy là sau khi nghỉ công tác, ông đã bắt tay vào xây dựng chuồng trại trong vườn nhà để thực hiện dự định của mình. Ông thả nuôi 100 con bồ câu, 300 con gà, 1.000 con ếch, 1 tạ cá quả, cá trê giống; đồng thời sau khi học bí quyết, tham khảo cách làm ở nhiều nơi, ông đã xây dựng hệ thống bể chế biến nước mắm. Việc chế biến hải sản ở vùng đất này có thuận lợi là nguồn nguyên liệu tương đối sẵn, thị trường tiêu thụ khá rộng rãi. Sau một năm đi vào hoạt động, sản phẩm nước mắm mang thương hiệu “Bà Hoàn” của gia đình ông đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các tỉnh. Theo hạch toán, nếu muối 100 - 150 tấn cá/năm cần chi phí đầu tư 400 - 450 triệu đồng song khi ra thành phẩm có thể cho lãi ròng khoảng 150 - 200 triệu đồng.

Còn ở xã Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thanh Quyết là một trong những đảng viên tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế. Với diện tích 3ha vườn rừng, từ năm 2008 đến nay, vợ chồng ông đã từng bước gây dựng được một cơ ngơi với nhiều loại cây ăn quả, 300 con gà, 500 con vịt, 200m2 ao cá. Đặc biệt, ông đã quy hoạch 500m2 đất vườn nuôi 30 con lợn rừng, mỗi năm nuôi 2 lứa, bình quân mỗi kg có giá bán 200 nghìn đồng. Chỉ riêng nuôi lợn rừng đã đem lại cho gia đình 100 - 150 triệu đồng/năm. Là cán bộ chủ trì ở xã, công việc bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian để lo khâu giống, thị trường tiêu thụ. Về kinh nghiệm chăn nuôi, ông cho biết: Việc tự túc giống gà, vịt sẽ giảm được chi phí đầu vào và phòng, tránh dịch bệnh. Còn giống lợn tuy giá cao, phải nhập ở nơi khác nhưng lại dễ nuôi, ít dịch bệnh, không phải lo lắng về đầu ra. Không ngại bị cạnh tranh, ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho cán bộ, đảng viên, người dân trong xã phát triển chăn nuôi, đồng thời tham mưu với cấp trên ban hành các chính sách hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật phù hợp để người dân tiếp cận, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Đến nay, xã Ngọc Sơn có trên 30 mô hình đảng viên làm kinh tế vườn rừng, vườn đồi, chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Trên đây là ba tấm gương tiêu biểu trong số nhiều đảng viên ở huyện Thạch Hà đã cần cù, say mê lao động, mạnh dạn đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, đồng thời tạo ra những mô hình để quần chúng nhân dân học tập, đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới.

Hương Phan


    Ý kiến bạn đọc