Thạch Long - Bứt phá về đích nông thôn mới
EmailPrintAa
09:34 28/01/2015

Xã Thạch Long nằm gần thị trấn Thạch Hà, có diện tích tự nhiên 579,21ha, 5.823 nhân khẩu ở 8 thôn, trong đó có 2 thôn giáo toàn tòng. Có vị trí thuận lợi về giao thông và điều kiện phát triển thương mại dịch vụ song đánh giá một cách toàn diện, Thạch Long vẫn là xã nghèo, cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thạch Long cùng với 2 xã Phù Việt, Thạch Tân đăng kí về đích năm 2015. Tuy nhiên, từ 10 tiêu chí đầu năm 2014, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân xã Thạch Long đã chung sức, đồng lòng, tranh thủ được các nguồn lực, sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, cuối năm 2014, xã nhà đã tạo được sự bứt phá ngoạn mục, hoàn thành 19 tiêu chí, cán đích nông thôn mới trước 1 năm so với  kế hoạch.
 

Huy động sức dân làm đường giao thông

 

Đổi thay trong cách nghĩ, cách làm

Để đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã rà soát các tiêu chí, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong chỉ đạo, điều hành và xác định những phần việc cần phải tập trung chỉ đạo. Tại thời điểm đầu năm 2014, xã mới đạt 10 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí chưa vững chắc, còn những tiêu chí chưa đạt là những tiêu chí khó. Với phương châm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận nhân dân và tập trung mọi nguồn lực, Thạch Long đã xác định đúng lộ trình, có bước đi cụ thể và đạt được những kết quả vững chắc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Phi Trưng chia sẻ kinh nghiệm: "Nhằm tạo sự bứt phá trong từng bước đi, cách làm, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, giao trách nhiệm cho từng tổ chức, từng thôn, vạch kế hoạch, xác định phần việc chưa hoàn thành, giao thời gian cụ thể cho từng bộ phận". Quan điểm chỉ đạo của xã cũng xác định, đối với những tiêu chí khó, cần đầu tư nhiều thì tập trung ngân sách, tranh thủ các chương trình, dự án còn những việc không tốn nhiều kinh phí thì chủ yếu dựa vào sức dân. Để tạo động lực, khí thế trong nhân dân, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, xã đã phát động các đợt thi đua cao điểm như: Phong trào 60 ngày cao điểm chào mừng kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chiến dịch 100 ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh anh hùng Lý Tự Trọng... Trên cơ sở soát xét từng tiêu chí còn yếu, cùng với tập huấn, hướng dẫn bằng văn bản, xã còn tổ chức cho các hộ dân, thôn trưởng các thôn, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã tham quan học tập kinh nghiệm một số xã trong và ngoài huyện như: xã Gia Phố huyện Hương Khê; xã Xuân Viên, Xuân Mỹ huyện Nghi Xuân về quy hoạch chỉnh trang vườn hộ, vườn mẫu; tham quan xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại ở Cẩm Xuyên… Từ tham quan thực tế đã thay đổi nhận thức, cách làm của cán bộ và người dân, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức chính trị, người dân trong quá trình thực hiện.

Tập trung phát triển kinh tế, xây dựng mô hình

Thực hiện Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, bắt nhịp với chủ trương, cũng như bài học "liên kết hóa, xã hội hóa, doanh nghiệp hóa" của tỉnh trong chỉ đạo sản xuất gắn với tái cấu trúc ngành nông nghiệp, năm 2014 xã đã xây dựng mới được 11 mô hình, thu nhập từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, có 8 mô hình được hưởng chính sách theo quyết định 24 của tỉnh, nâng số mô hình sản xuất có hiệu quả lên 28 mô hình, trong đó có 12 mô hình doanh thu trên 1 tỷ/năm, 14 mô hình doanh thu từ 100 triệu đến 500 triệu đồng/năm. Trong 3 năm (2011 - 2014) có 598  hộ dân vay 35 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, trong đó hộ vay nhiều nhất là 5 tỷ đồng; thành lập mới 3 hợp tác xã (Nuôi trồng thủy sản Hạ Lầm, Chăn nuôi lợn liên kết, Chợ và Môi trường), 5 tổ hợp tác (Nuôi trồng thủy sản Đông Hà, Đánh bắt xa bờ, Đóng tàu thuyền, Rau củ quả và Trồng cỏ chăn nuôi bò nhốt)... đã và đang phát huy hiệu quả, trở thành nòng cốt thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Cùng với phát triển nông nghiệp, xã đã phát huy lợi thế tuyến Quốc lộ 1A,1B, đường đi mỏ sắt Thạch Khê, góp phần hình thành Cụm công nghiệp - thương mại - dịch vụ phía Bắc huyện, thu hút 13 doanh nghiệp đầu tư, trong đó có 5 doanh nghiệp có doanh thu lớn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn.

So với nhiều địa phương khác, mức sống ở Thạch Long tương đối khá, song hầu hết người dân vẫn chưa quan tâm quy hoạch hợp lí nhà ở, đất vườn. Vì vậy, ngay từ tháng 3/2014, hưởng ứng cuộc vận động chỉnh trang khu dân cư, xây dựng khu dân cư mẫu của huyện, các tổ chức chính trị, đoàn thể đã vào cuộc quyết liệt, xây dựng 5 vườn mẫu ở thôn Đan Trung và mới đây, phong trào“Vườn đẹp đón Xuân“ của Hội Nông dân phát động cũng đã hình thành thêm nhiều khu vườn đẹp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công tác vệ sinh môi trường được tổ chức thường xuyên với phong trào “Ngày thứ 7 tình nguyện“ do Hội Liên hiệp phụ nữ phát động, đoạn đường “xanh, sạch, sáng“ của Hội Cựu chiến binh xã. Đoàn Thanh niên phối hợp tổ chức ra quân phát quang bụi rậm, trồng cây 2 bên đường trục xã, trục thôn, tạo không gian xanh cho mọi ngả đường. Đa số hộ dân đều có hố xử lý rác thải tự hủy, trên 100 thùng rác lớn nhỏ được xã và nhân dân mua sắm, hàng tuần có xe thu gom rác.

Xây dựng Nông thôn mới là lấy sức dân để lo cho cuộc sống của dân do đó cái được lớn nhất trong cuộc cách mạng này mà cấp ủy, chính quyền nơi đây làm được đó là tạo sự thay đổi lớn về nhận thức. Người dân đã nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, xác định được vai trò chủ thể của mình, nhà nước chỉ kích cầu hỗ trợ để từ đó tự nguyện, tự giác đóng góp xây dựng các công trình, đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Tính trong 3 năm 2011 - 2014, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 12% (2011), xuống 4,6 % (2014); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 9 triệu đồng (2011) lên 23,5 triệu đồng (2014). Tổng các nguồn lực huy động được là 187 tỷ đồng, nhân dân hiến 5.000 m2 đất ở, 12.000 m2 đất nông nghiệp, 12.000 cây các loại, 79.000 ngày công lao động, trong đó nhiều hộ dân đã hiến khoảng 500 m2 đất và tài sản trên đất trị giá trên 50 triệu đồng. Xã cũng đã kêu gọi con em xa quê, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng góp hỗ trợ được hơn 8 tỷ đồng. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, chợ của xã (chợ Trẻn) được xây mới, trường học 3 cấp được nâng cấp đảm bảo dạy và học, xây mới 1 nhà văn hóa đa năng, 1 sân vận động của xã và xây mới 5, nâng cấp 3 nhà văn hóa thôn và 1 trạm y tế cao tầng đầy đủ thiết bị khám và chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, chỉnh trang khuôn viên công sở khu hành chính xã khang trang sạch đẹp.

Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, nhân dân xã Thạch Long, qua nhiều lần kiểm tra, đánh giá, ngày 08/12/2014 Hội đồng xét duyệt của tỉnh đã họp xét và bỏ phiếu công nhận xã Thạch Long đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hùng Vỹ: "Đạt được kết quả đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là giai đoạn nước rút, Đảng ủy, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã có những cách làm sáng tạo, cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, huy động được sức dân tối đa, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, hỗ trợ của con em xa quê, doanh nghiệp, các dự án, phân bổ ngân sách, vốn đầu tư cho từng phần việc hợp lí. Đặc biệt, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân thông qua các hội thi, sinh hoạt chi bộ, hội diễn, dịp kỷ niệm... được tiến hành thường xuyên, có chiều sâu đã tạo được sự đồng thuận cao. Sức mạnh được kết tinh trên cơ sở sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, trong nhân dân, nhất là đoàn kết lương giáo. Sự linh hoạt trong chỉ đạo của Đảng bộ được tạo thành từ sức mạnh, ý thức trách nhiệm của từng chi bộ đảng, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các tổ chức của hệ thống chính trị... chính là nội lực quan trọng để xã nhà bứt phá về đích trước lộ trình".

Phương Huyền


    Ý kiến bạn đọc