Tiêu chí thu nhập và mức điều chỉnh phù hợp trong xây dựng NTM
EmailPrintAa
07:32 03/04/2013

Nhằm hoàn thiện hơn nữa công tác triển khai xây dựng NTM một cách khoa học, hiệu quả, ngày 20/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 342/QĐ-TTg sửa đổi 5 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, trong đó có tiêu chí số 10 về thu nhập. Điều này có ý nghĩa không nhỏ với các địa phương trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Là địa phương nằm trong vùng thấp lụt, đời sống của gần 1.000 hộ dân Đức Hương (Vũ Quang) còn nhiều khó khăn. 3/4 diện tích của xã là đất rừng và đồi núi, dịch vụ không phát triển, ngành nghề chủ yếu là nông nghiệp nhưng cũng chỉ được 1 vụ lúa. Thu nhập của bà con phần chính là hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và trồng rừng. Tính đến thời điểm hiện tại, cả xã chỉ có 1 mô hình lớn trên 100 con lợn, chăn nuôi trên 40 con cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay… thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2012 là 9,1 triệu đồng.

Tuy nhiên, có được điều đó phần lớn đều nhờ các cơ chế, chính sách hỗ trợ tích cực để phát triển chăn nuôi, đầu tư trồng trọt của tỉnh và huyện thời gian qua. Điều này cho thấy, việc xây dựng NTM, thực hiện các tiêu chí ở đây là không hề đơn giản. Đặc biệt, tiêu chí thu nhập nếu theo quy định cũ, đến năm 2020 phải gấp 1,4 mức bình quân chung cả tỉnh… Theo ông Lê Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã thì với Đức Hương “thực sự là cả một vấn đề”.

Đức Lĩnh là xã điểm của Vũ Quang, nằm trong tốp về đích vào năm 2015. Vào thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người ở đây đạt 16,5 triệu đồng/năm. Với những lợi thế về sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả, Đức Lĩnh đang được xem là một điểm sáng của huyện bởi hằng trăm mô hình trồng cam, chanh, chăn nuôi trâu bò, nuôi hươu cho thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhiều năm trở lại đây, người dân Đức Lĩnh đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp, phát triển các loại cây chủ lực, mở rộng chăn nuôi, đưa lại thu nhập cao, góp phần đáng kể trong phong trào xây dựng NTM. Tuy nhiên, với tiềm năng và sự mạnh dạn sẵn có này, phấn đấu lắm thì đến 2015, Đức Lĩnh cũng chỉ đạt được mức thu nhập bình quân đầu người 22 triệu đồng. Như vậy, nếu theo quy định cũ xã sẽ phải đi một chặng đường rất dài nữa mới có thể đạt tiêu chí thu nhập.

Quyết định 342 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tiêu chí số 10 thành “thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn” với chỉ tiêu chung cho cả nước bằng số tuyệt đối, thay cho số tương đối trước đây gấp 1,4 lần mức bình quân chung của tỉnh. Cụ thể cho vùng Bắc Trung bộ là 13 triệu đồng, 18 triệu đồng và 35 triệu đồng lần lượt trong các năm 2012, 2015, 2020.

Trao đổi thêm về điều này, ông Nguyễn Xuân Thê – Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết: Như vậy, theo thực tế tại các địa phương, đây là sự điều chỉnh phù hợp, có ý nghĩa không nhỏ trong việc khuyến khích, động viên người dân cùng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Là huyện miền núi với những điều kiện đặc thù có ý nghĩa quyết định đến đề án sản xuất, nâng cao thu nhập nên việc điều chỉnh này có ý nghĩa không nhỏ trong quá trình xây dựng NTM tại huyện Vũ Quang. Hạ thấp tiêu chí không đồng nghĩa với việc giảm mục tiêu phấn đấu mà quan trọng là sẽ phân theo từng lộ trình để các địa phương có bước đi cụ thể.

Ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho rằng: Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt vẫn hướng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn, từng bước rút ngắn khoảng cách, sự chênh lệch về thu nhập, đời sống giữa các vùng miền, các khu vực...

Với quy định thu nhập gấp 1,4 mức bình quân chung của tỉnh, đến thời điểm này, tại huyện Vũ Quang khó có địa phương nào đạt bền vững về tiêu chí thu nhập, kể cả xã điểm của tỉnh. Tuy nhiên, sau điều chỉnh, đã có không ít cơ sở theo đánh giá chung sẽ vượt ngưỡng như Hương Minh, Đức Lĩnh, Đức Bồng... Dẫu rằng, đây là tiêu chí đòi hỏi cao về tính bền vững, phải được đo đếm bằng những kết quả, những mô hình cụ thể nhưng hơn hết nó sẽ là động lực có ý nghĩa quyết định để mỗi địa phương, mỗi người dân đều trở thành chủ thể trong xây dựng NTM.


    Ý kiến bạn đọc