Toàn dân thi đua xây dựng nông thôn mới
EmailPrintAa
09:50 17/06/2014

Sau hơn 3 năm triển khai, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã thực sự tạo nên sức lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần thay đổi diện mạo quê hương, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trên các lĩnh vực. Sức mạnh của lòng dân đang từng ngày làm thay đổi cuộc sống của chính người dân.

Vai trò làm chủ của dân

Với tinh thần “lấy dân làm gốc”, năm 2013, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) nằm trong tốp đầu của tỉnh hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Yếu tố làm nên thành công của Tùng Ảnh chính là sức mạnh tổng hợp, trong đó vai trò làm chủ của người dân được đề cao.

Trong rất nhiều mẩu chuyện về tinh thần quyết tâm của bà con nơi đây hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, tôi thực sự ấn tượng về phong trào hiến đất mở đường làm giao thông nông thôn. Chuyện đôi vợ chồng già Võ Văn Đồng (thôn Sơn Lễ) tình nguyện hiến 540m2 đất; gia đình cụ Lê Mai hiến hơn 100 m2 đất và chặt hạ 11 cây mít… chỉ là một trong vô số những điển hình tiêu biểu. Ba năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, người dân Tùng Ảnh đã tự nguyện hiến 6.300 m2 đất các loại. Ngoài ra, một phần sức mạnh tổng lực để làm nên thành công trong xây dựng NTM Tùng Ảnh là tấm lòng của những người con xa quê hướng về nơi “chôn rau cắt rốn”. Với số tiền hỗ trợ trên 55 tỷ đồng, tình cảm của những người con xa quê đã biến thành hành động cụ thể để những công trình phúc lợi xã hội ngày càng được củng cố, phát huy tác dụng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.

Khác với Tùng Ảnh, ở thời điểm khởi động, Thuận Lộc mới đạt 2 tiêu chí. Nhiều tiêu chí quan trọng như cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, tỷ lệ cứng hóa đường GTNT còn cách xa so với tiêu chuẩn. Thế nhưng, với sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và quyết tâm của người dân, xã đã vượt qua những lúng túng bước đầu, nỗ lực huy động nội lực để hoàn thành các tiêu chí. Ông Nguyễn Trọng Nông - Trưởng thôn Tân Hòa nhớ lại: “Thời điểm đó (năm 2011), cả xóm chưa có đường bê tông. Qua 3 năm triển khai, với sự chung sức, đồng lòng ủng hộ của người dân, thôn Tân Hòa đã có 2,4 km đường trục thôn, ngõ xóm được bê tông hóa đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 100%); nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang với mức đầu tư 1,4 tỷ đồng”. Theo số liệu thống kê của ông Nông, đến thời điểm này, mỗi hộ dân thôn Tân Hòa đã đóng góp bình quân 22 triệu đồng chưa kể ngày công và hiến đất để xây dựng NTM.

Sức mạnh mới trong phong trào mới

Không chỉ ở các xã điểm về xây dựng NTM mà khắp các địa phương trong toàn tỉnh, 3 năm qua, chương trình xây dựng NTM luôn là đề tài nóng hổi trong mỗi câu chuyện kể của những người nông dân, của cán bộ, các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể. Mỗi người, với chức năng nhiệm vụ và cách thức riêng đều ra sức thi đua đóng góp sức mình xây dựng NTM.

 

Nhân dân xã Mai Phụ (Lộc Hà) làm đường giao thông nông thôn  

Hội phụ nữ hưởng ứng bằng phong trào “5 không, 3 sạch”. Hội nông dân là các mô hình liên kết trong sản xuất, chăn nuôi. MTTQ là “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào xây dựng NTM. Và đối với mỗi cơ quan, đoàn thể, việc nhận đỡ đầu các xã xây dựng NTM không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tiêu chí thi đua…

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 84 đơn vị đỡ đầu 106 xã xây dựng NTM (trong đó 24 sở, ngành đỡ đầu 40 xã) với tổng số tiền 163,7 tỷ đồng. Ngoài sự hỗ trợ về vật chất, các sở, ngành cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như giúp địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các tiêu chí; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng về xây dựng NTM, tập huấn chuyên môn về các lĩnh vực...

Sự đổi thay trong suy nghĩ, nhận thức của mỗi một cán bộ, người dân, chủ trương của tỉnh ưu tiên phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực, khuyến khích liên kết, liên doanh theo phương châm “doanh nghiệp hóa, liên kết hóa, xã hội hóa”... đã thực sự đi vào thực tiễn. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 757 mô hình phát triển SXKD hiệu quả, doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, trong đó có 109 mô hình doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra còn xuất hiện 381 mô hình mới chủ yếu là cây ăn quả và trang trại chăn nuôi tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê và Kỳ Anh, tuy chưa có sản phẩm nhưng rất khả quan. Các mô hình này tạo giá trị gia tăng trong nông nghiệp rất lớn và đó cũng chính là giá trị mới trong NTM.

Năm 2013, tổng vốn huy động xây dựng NTM là 7.585 tỷ đồng, ngoài phần lớn là nguồn vốn tín dụng thì nhân dân đóng góp 536,5 tỷ đồng (chiếm 7,1%), trong đó tiền mặt 219,7 tỷ đồng, hiến đất quy ra tiền gần 127,6 tỷ đồng, ngày công lao động 122,1 tỷ đồng, giá trị tài sản hiến tặng 67,1 tỷ đồng... Toàn tỉnh có 56 xã đạt tiêu chí văn hóa; 80,9% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 39,2% thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa”; người dân tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Với 7 xã về đích NTM năm 2013 và phấn đấu 16 xã về đích trong năm nay, Hà Tĩnh được đánh giá là một trong 3 tỉnh trong cả nước thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Thành quả đó không chỉ là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh bằng những chương trình, chính sách, cơ chế phù hợp mà còn được làm nên từ sức mạnh đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân trong việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước.

TT CNTT(baohatinh.vn)


    Ý kiến bạn đọc