Trần Anh chăm sóc đàn bồ câu |
Xã Kỳ Bắc là một vùng quê nghèo của huyện Kỳ Anh. Thanh niên nơi đây lớn lên nhiều người phải đi xa tìm kiếm việc làm, Trần Anh cũng không phải là ngoại lệ. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, anh vào tận Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh xin việc làm. Mặc dù siêng năng, cần cù nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống chính mình, không có để giúp đỡ gia đình và tích góp cho tương lai.
Trong một lần về thăm quê, tham gia sinh hoạt Đoàn vào dịp Tết Nguyên đán, Trần Anh được tiếp cận các thông tin về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh và địa phương. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cùng với những trải nghiệm, đúc rút từ đất khách quê người và những người bạn, anh đã quyết định trở về quê hương khởi nghiệp. Trần Anh nhận ra rằng, muốn làm giàu từ hai bàn tay trắng thì chỉ có cách trở thành “ông chủ” của những ý tưởng, quyết định, cách làm táo bạo của chính mình với những lợi thế của quê hương, cùng chính sách hỗ trợ thiết thực của các cấp, các ngành và tổ chức Đoàn.
Trở về quê, anh được tin tưởng giao chức vụ Bí thư Chi đoàn, Đội trưởng Đội Dân quân tự vệ thôn Đông Tiến. Anh hăng hái tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, khởi sự doanh nghiệp, các diễn đàn thanh niên lập nghiệp… do các cấp bộ Đoàn tổ chức và được tham quan thực tế một số mô hình kinh tế trên địa bàn tỉnh và tỉnh bạn. Từ đó, quyết tâm vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội trong anh ngày càng mạnh mẽ hơn. Tiếp cận được với chủ trương, chính sách ưu đãi trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Nghị quyết về phát triển nông nghiệp của huyện Kỳ Anh, Đề án phát triển kinh tế nâng cao thu nhập của xã Kỳ Bắc, cùng với Chương trình giải quyết việc làm cho thanh niên của Tỉnh Đoàn, Trần Anh bắt tay xây dựng kế hoạch xây dựng mô hình kinh tế, vay vốn, tìm kiếm thị trường đầu vào, đầu ra, bố trí lao động để chuẩn bị khởi nghiệp.
Bước đầu thực hiện ước mơ, được Huyện Đoàn, đặc biệt là các Ban Thanh niên Nông thôn, Công nhân và Đô thị Tỉnh Đoàn tư vấn, định hướng, động viên, khoảng tháng 2/2012, Trần Anh bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế thanh niên chăn nuôi bồ câu Pháp. Sau hơn 6 tháng triển khai, mô hình của Trần Anh hình thành với quy mô 500 cặp bồ câu sinh sản, kinh phí đầu tư 01 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 150 triệu đồng, vốn vay ngân hàng 500 triệu đồng, nhận hỗ trợ theo các chính sách của tỉnh, huyện gần 250 triệu đồng và 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn. Bên cạnh đó, anh còn nhận được sự quan tâm động viên của cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương; được các bạn đoàn viên, thanh niên giúp đỡ ngày công trong giải phóng mặt bằng, vận chuyển vật liệu, xây dựng chuồng trại,... Có thể nói, sự đồng hành quý báu đó là nguồn động viên, khích lệ lớn lao giúp anh có thêm niềm tin và động lực để đi đến thành công.
Hiện nay, mô hình của Trần Anh có quy mô hơn 1.500 cặp bồ câu, trên khuôn viên rộng 10.000 m2 trong đó có 2.000 m2 mặt nước nuôi, trồng các loại thủy sản. Xuất phát từ nhu cầu liên kết, tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các mô hình chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, năm 2014, anh mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Lộc Phát 68, làm đầu mối đứng ra thu mua và cung cấp các loại giống gia súc, gia cầm cho các mô hình chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh thu nhập chính từ nuôi chim bồ câu và các hoạt động dịch vụ khác, mỗi năm mô hình cho lãi ròng khoảng 400 triệu đồng. Mô hình đã giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 thanh niên với thu nhập hơn 4,5 triệu/tháng và 5 thanh niên lao động thời vụ.
Năm 2015, Trần Anh đề xuất ý tưởng và thành lập Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế huyện Kỳ Anh. Hiện nay, Câu lạc bộ với 50 thành viên là các chủ mô hình kinh tế thanh niên trong toàn huyện bao gồm các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh… Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ huyện Kỳ Anh, Trần Anh đã đứng ra kết nối các thành viên cùng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình khởi nghiệp, từ vay vốn đến tìm kiếm thị trường liên kết, đầu vào, đầu ra cho sản phẩm; đồng thời tư vấn, định hướng, chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn đoàn viên thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp. Với hoạt động hiệu quả thiết thực trong thời gian qua, đến nay mô hình này đã được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo nhân rộng trong toàn tỉnh.
Trần Anh giới thiệu về mô hình của mình cho các bạn đoàn viên thanh niên |
Bên cạnh đó, Chi đoàn thôn Đông Tiến do Trần Anh làm Bí thư luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền được nhận Giấy khen của Huyện Đoàn, Đoàn xã, có 03 bạn đoàn viên thanh niên được hỗ trợ, xây dựng mô hình kinh tế, làm ăn hiệu quả.
Với những kết quả đạt được về hoạt động đoàn và phát triển kinh tế, Trần Anh được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn vinh danh tại Lễ tuyên dương 50 gương thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác năm 2016; là 01 trong 6 gương thanh niên tiêu biểu nhất của Hà Tĩnh trên các lĩnh vực tham gia Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ IV do Trung ương Đoàn tổ chức vào tháng 8 vừa qua.
Nguyễn Hồng Thủy - Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh
Tin mới cập nhật
- Huyện Kỳ Anh có 03 xã được đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017 ( 08/12)
- Hỗ trợ 24 tỷ cho các xã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí NTM năm 2017 ( 05/09)
- Huyện Đức Thọ tổ chức triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ( 03/07)
- Kinh nghiệm vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị ở thị xã Hồng Lĩnh ( 01/06)
- Xã Thuận Lộc: Quyết tâm “giữ chuẩn” nông thôn mới ( 24/04)
- Cựu chiến binh Bùi Xuân Đại - gương người tốt việc tốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới ( 30/03)