Ngày 05-8-2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đây là một nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Để triển khai Nghị quyết, xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, theo tôi, các cấp ủy đảng cần coi trọng lãnh đạo thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất, các cấp ủy quan tâm lãnh đạo phát triển khu dân cư gắn với việc bảo tồn bản sắc văn hóa và không gian nông thôn, nhìn nông thôn trong sự phát triển. Phải có phương án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của từng địa phương, từng dân tộc, từng vùng miền, từng tôn giáo.
Quan tâm đến hệ thống thiết chế văn hóa trực tiếp phục vụ cuộc sống của nhân dân, đó là thiết chế văn hóa thông tin cơ sở - nơi tổ chức các hội thi, liên hoan, tập hợp, giao lưu truyền giữ các điệu dân ca truyền thống đậm đà bản sắc... Đây cũng là điểm sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, Hội người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên..., tổ chức các hoạt động khuyến học tương thân tương ái, gắn kết tình đồng chí, nghĩa đồng bào đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng trong ngôi nhà chung; là tụ điểm vui chơi thể thao, dưỡng sinh; là nơi hội họp, sinh hoạt văn nghệ, thông tin ở cơ sở. Đẩy mạnh việc xây dựng nhà văn hóa thôn, bản.
Đại hội XI của Đảng khẳng định: trong xây dựng NTM cần quy hoạch phát triển nông thôn gắn với phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai chương trình xây dựng NTM phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của nông thôn Việt Nam. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động.\
Thứ hai, lấy người nông dân làm trung tâm như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu, để xây dựng nông thôn, vấn đề cơ bản và lâu dài là mỗi người phải tự xác định mình đã trở thành người chủ và phải luôn luôn nêu cao tinh thần làm chủ. Phải thực hành dân chủ, nghĩa là mọi công việc đều phải bàn bạc, cán bộ không được quan liêu mệnh lệnh, tuyệt đối chống tham ô, lãng phí, phát huy quyền làm chủ của người dân nông thôn, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
Trong xây dựng NTM, người nông dân phải được tham gia ý kiến vào đề án xây dựng NTM và đồ án quy hoạch NTM cấp xã; tham gia lập kế hoạch thực hiện chương trình (thôn, xã); Tham gia và lựa chọn những công việc gì cần làm trước và việc gì làm sau thật thiết thực với yêu cầu của người dân trong xã và phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương; Quyết định mức độ đóng góp trong xây dựng các công trình công cộng của thôn, xã; Trực tiếp tổ chức thi công hoặc tham gia thi công xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội của xã, thôn theo kế hoạch hàng năm; Cử đại diện (Ban giám sát) để tham gia quản lý và giám sát các công trình xây dựng của xã, thôn; Tổ chức quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình sau khi hoàn thành.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Cần tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức xây dựng nông thôn mới là công việc của họ, làm cho chính họ hôm nay và tạo ra môi trường sống tốt đẹp cho các thế hệ con cháu họ mai sau. Cần tạo dựng cho họ niềm tin, tự tin, tự chủ và môi trường để sáng tạo như các nước đã từng làm.
Thứ ba, phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN), tạo động lực tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết Trung ương số 26-NQ/TW khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nêu rõ: “Phát triển KH-CN phải trở thành khâu đột phá để phát triển nông nghiệp hiện đại và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Phát triển nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ sinh học và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tập trung vào phát triển giống cây nông nghiệp, cây lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản. Nâng cao năng lực và đổi mới cơ chế, chính sách quản lý khoa học công nghệ để nâng cao nhanh hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao nhanh tiến bộ KH-CN vào sản xuất”.
Trong xây dựng NTM cần thúc đẩy các biện pháp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống để nâng cao chất lượng đời sống ở nông thôn. Cần phải đưa kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học về với nông thôn, với nông dân một cách nhanh nhất, để họ có cơ hội lựa chọn những tiến bộ khoa học mà họ cần. Nhà nông và nhà khoa học “đoàn kết” để cho ra những sản phẩm tốt nhất, kinh tế nhất trong nông nghiệp, nông thôn, nhất thiết không thể là áp đặt.
Thứ tư, phát triển dịch vụ y tế nông thôn, chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân toàn diện cả mặt đời sống vật chất và tinh thần. Thực hiện tốt các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thực hiện chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực có trí tuệ có sức khỏe tốt. Thực hiện các chương trình xã hội, văn hóa là trực tiếp xây dựng NTM xã hội chủ nghĩa.
Ngành y tế cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho dịch vụ y tế ở nông thôn, mở các lớp đào tạo tập huấn, phát triển nhân lực cho hệ thống y tế tuyến cơ sở. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ cho người dân, tạo điều kiện cho người dân vùng nông thôn có khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Triển khai thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo mua bảo hiểm y tế; cải cách thủ tục hành chính, thủ tục thanh toán bảo hiểm để tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người dân khi đến các cơ sở khám chữa bệnh. Đội ngũ thầy thuốc phải nâng cao y đức và tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhân; cần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành y.
Thứ năm, tiếp tục triển khai cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tổ chức tốt ngày hội văn hóa thể thao ở các xã, các cụm và ngày hội văn hóa thể thao cấp huyện. Chỉ đạo tốt hoạt động của các câu lạc bộ, phong trào văn hóa quần chúng và nâng cao chất lượng công tác xã hội hóa văn hóa ở địa phương. Vận động xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Thứ sáu, xây dựng tổ chức đảng, chính quyền cơ sở vững mạnh, trong sạch; chống quan liêu, lãng phí, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên về nâng cao đạo đức cách mạng, thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Xây dựng các đoàn thể vững mạnh, tham gia tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Có cơ chế bảo đảm để nhân dân tham gia thảo luận, quyết định và giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Nâng cao năng lực giám sát của hội đồng nhân dân xã. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng, giáo dục đạo đức phẩm chất chính trị, chăm lo chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút sinh viên được đào tạo bài bản về phường, xã.
Tin mới cập nhật
- Huyện Kỳ Anh có 03 xã được đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017 ( 08/12)
- Hỗ trợ 24 tỷ cho các xã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí NTM năm 2017 ( 05/09)
- Huyện Đức Thọ tổ chức triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ( 03/07)
- Kinh nghiệm vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị ở thị xã Hồng Lĩnh ( 01/06)
- Xã Thuận Lộc: Quyết tâm “giữ chuẩn” nông thôn mới ( 24/04)
- Cựu chiến binh Bùi Xuân Đại - gương người tốt việc tốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới ( 30/03)