Việc thực hiện tiêu chí môi trường ở huyện Thạch Hà
EmailPrintAa
09:00 21/12/2016

Thời gian qua, huyện Thạch Hà đã chú trọng thực hiện tiêu chí môi trường (tiêu chí 17) trong xây dựng nông thôn mới, gắn với triển khai Đề án số 1092/ĐA-UBND, ngày 21/6/2016 của Ủy ban nhân dân huyện về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện Thạch Hà giai đoạn 2016 - 2020, định hướng những năm tiếp theo.
 
Thu gom rác tại xã Thạch Đài  

Toàn huyện đã thành lập được 29 hợp tác xã, 03 tổ đội vệ sinh môi trường với tổng số 354 lao động; nhiều thôn xóm làm tốt việc thu gom, xử lý rác thải  như các thôn Bắc Hải, Nam Hải và Thượng Hải (xã Thạch Hải), mô hình xử lý rác thải ở hộ gia đình tại các xã Thạch Lưu, Thạch Hội, Bắc Sơn, Thạch Sơn... Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã phát động, triển khai thực hiện nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường như: mô hình "5 không 3 sạch" của Hội liên hiệp Phụ nữ, mô hình "Chi hội xanh - sạch - đẹp" của Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh,  mô hình "Tuyến đường tự quản" của Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh. Các phong trào đã huy động hàng nghìn lượt hội viên, đoàn viên tham gia thu gom, xử lý rác thải, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Gắn vào các ngày thứ 7, chủ nhật xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều đợt thu gom rác thải, phát quang đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh...; tích cực hưởng ứng triển khai các đợt phát động: "Ngày đa dạng sinh học 22/5", "Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường", "Kỷ niệm ngày môi trường thế giới 5/6" và "Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn", "Ngày Đại dương thế giới 8/6", "Tuần lễ Biển và Hải đảo"... Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành chức năng của huyện đã tiến hành quy hoạch các mô hình kinh tế, cơ sở sản xuất, chăn nuôi tập trung để giảm thiểu tối đa ô nhiễm gắn với xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu. Nhiều địa phương đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước, tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu gia đình văn hoá hàng năm. Đến nay, toàn huyện có 86,5% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, 16,58% hộ sử dụng nước sạch, 90% số xã không có các hoạt động làm suy giảm môi trường, 73,3% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt chuẩn về môi trường, 100% xã đã quy hoạch bãi thu gom, xử lý rác tập trung, các điểm thu gom rác tại các thôn xóm.

Tuy vậy, việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Thạch Hà vẫn còn một số hạn chế: Toàn huyện đến nay mới chỉ có 05 xã/30 xã đạt tiêu chí môi trường (Phù Việt, Thạch Long, Thạch Tân, Tượng Sơn, Thạch Văn); chỉ gần 50% hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường hoạt động hiệu quả, phí thu từ rác của người dân không đủ chi cho các hợp tác xã, đội vệ sinh môi trường hoạt động, các phương tiện phục vụ thu gom, chuyên chở rác, bảo hộ lao động chưa được trang bị đầy đủ; chưa phát huy hết công suất lò đốt rác tại xã Phù Việt để phục vụ cho các xã phía Bắc huyện. Môi trường nông thôn, nhất là khu chăn nuôi trong khu dân cư một số nơi có dấu hiệu ô nhiễm; phát sinh rác thải trong sản xuất như vỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng...

Để thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Thạch Hà trong thời gian tới, theo chúng tôi, cần tập trung một số giải pháp:

Thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, các yêu cầu, nội dung của tiêu chí môi trường, những mô hình, cách làm hay trong bảo vệ môi trường, nhất là phân loại, tự xử lí, tái chế, tái sử dụng rác thải phục vụ sản xuất. Phát động các cuộc thi về bảo vệ môi trường trong trường học, khu dân cư… để thay đổi thói quen, hành vi của mỗi cá nhân trong cộng đồng.

Quy hoạch các khu chăn nuôi tách xa khu dân cư, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Tập huấn, hướng dẫn nâng cao trình độ sản xuất, thâm canh cho người dân theo hướng tuân thủ đúng quy trình sản xuất, hạn chế lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, sử dụng đệm lót sinh học, bể biogas.  

Tăng cường nguồn lực, hỗ trợ ngân sách kịp thời để các hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường trang bị các phương tiện phục vụ thu gom, chuyên chở rác thải; áp dụng công nghệ hệ thống xử lý rác thải đạt tiêu chuẩn vùng nông thôn.

Trong điều kiện đội ngũ làm công tác môi trường ở huyện, xã, thị trấn còn mỏng, thường phải kiêm nhiệm, cần giao trách nhiệm cho các phòng, ngành, đoàn thể, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc giám sát, thường xuyên kiểm tra việc xả thải ở các nhà hàng, cơ sở sản xuất, khu chăn nuôi tập trung, khu dân cư… đi kèm theo đó là các chế tài xử lý.

Phan Thị Hương - Huyện ủy Thạch Hà


    Ý kiến bạn đọc