Xây dựng nông thôn mới cần tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng
EmailPrintAa
17:27 13/07/2016

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới (NTM), tính đến hết tháng 5-2016, cả nước có 1.965 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 22%), tăng 4,9% so cuối năm 2015 và 23 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Bộ mặt nhiều miền quê trên cả nước đã thật sự đổi thay.

Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM tại nhiều địa phương đang là vấn đề nóng. Theo báo cáo của 52/62 tỉnh, thành phố, tổng số nợ đọng tính đến hết tháng 1-2016 khoảng hơn 15.200 tỷ đồng. Đáng lo ngại là nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện NTM có sự gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân?

Thực tế, để thực hiện NTM, ngoài việc chờ ngân sách T.Ư hỗ trợ; sự đóng góp của nhân dân, nguồn vốn xây dựng cơ bản được nhiều địa phương “ngóng” từ bán đất dịch vụ để làm vốn đối ứng. Tuy nhiên, những cơn “nóng sốt” của thị trường bất động sản khiến nguồn thu bị thiếu hụt và đương nhiên ảnh hưởng đến vốn đối ứng để xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, có tình trạng đầu tư chưa hợp lý, như ở tỉnh Bắc Ninh là một thí dụ. Trong số các địa phương có số nợ cao thì Bắc Ninh đứng đầu với hơn 613 tỷ đồng. Thay vì cần cân nhắc trong đầu tư thì ngày 30-12-2015, UBND tỉnh Bắc Ninh ký Quyết định số 1695/QĐ-UBND phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, kết cấu hạ tầng giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước trên địa bàn hai xã Hương Mạc và Tam Sơn của thị xã Từ Sơn.

Theo đó, thông qua hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT), tỉnh này đồng ý cho CTCP xây dựng thương mại Cao Đức (đại diện liên danh CTCP xây dựng và thương mại Cao Đức và Cty TNHH Cao Nguyên) đầu tư xây mới, cải tạo một số công trình tại hai xã nêu trên… với tổng mức đầu tư dự kiến 701,509 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư. Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác giá trị quyền sử dụng đất các khu đất trên địa bàn hai xã này. Điều đáng nói là, hai xã này cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng. Năm 2015, xã Hương Mạc đã được công nhận đạt chuẩn NTM, xã Tam Sơn chỉ còn 3,3km đường trục thôn cần phải bê tông hóa và 5,7km đường chính nội đồng còn lầy lội vào mùa mưa.

Chủ trương xây dựng NTM được Đảng và Nhà nước phát động là để đầu tư cho các xã kém phát triển cả về kinh tế lẫn chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng trong một số trường hợp là nguyên nhân dẫn đến nhiều công trình làm ra không hiệu quả, thậm chí lãng phí.

Bởi vậy, ngoài việc cải tạo, xây dựng hệ thống đường, trường, trạm, kênh mương… nguồn vốn để thực hiện NTM cần tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện cho người dân mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, để nâng cao thu nhập cho người dân hay đầu tư đào tạo nghề, cải tạo môi trường để nâng cao chất lượng sống của người dân, thì nhiều nhiều địa phương mới chỉ tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng mà không chú trọng phát triển kinh tế gắn với xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, vệ sinh môi trường nông thôn cần quan tâm vì đang là tiêu chí đạt thấp nhất hiện nay.

Theo nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc