Năm 2012 kết thúc, xã Xuân Mỹ đã hoàn thành được 9 tiêu chí xây dựng NTM. Mục tiêu của huyện là đến hết năm 2015, Xuân Mỹ phải hoàn tất các tiêu chí còn lại. Mặc dù vẫn còn khá nhiều thời gian nhưng thực tiễn đang diễn ra ngay cả người trong cuộc cũng đưa ra lời dự báo: khó thực hiện...
Đã có 15 cuộc họp BCĐ xây dựng NTM ở Xuân Mỹ trong năm 2012 bàn về các phương án, giải pháp để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM ở địa phương nhưng kết quả vẫn chưa ngả ngũ. Đến nay, xã đã hoàn thành non nửa với 9 tiêu chí trong toàn bộ công việc, nhưng phần hơn còn lại là nhưng tiêu chí “khó gặm” vì liên quan đến vốn, đến đề án sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân... Căn cứ vào những tiềm năng, lợi thế và cơ hội thì không phải huyện Nghi Xuân “làm khó” khi chọn Xuân Mỹ là một trong 4 xã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vào cuối năm 2015. Bởi, nếu Xuân Mỹ không làm được, e rằng, các địa phương khác khó có thể đảm nhận được. Trong số 15 mô hình SXKD, chăn nuôi gia súc với mức đầu tư thấp nhất là 180 triệu đồng, cao nhất 5 tỷ đồng trên địa bàn, hiện nay, 4 mô hình có nhu cầu mở rộng sản xuất. Đồng thời với tổng mức thu nhập xấp xỉ 21 triệu đồng/người/năm (2012) và nằm trong tốp dẫn đầu huyện chính là những điểm nhấn để Xuân Mỹ đi lên từ đó.
Tuy nhiên, bên cạnh nhưng tiềm năng, lợi thế, vẫn còn nhiều thách thức trở ngại, trong đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng và xây dựng cánh đồng mẫu lớn được coi là nan giải nhất. Với 1.148 ha, xã Xuân Mỹ có đủ quỹ đất để xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đồng thời với quy hoạch của huyện đã được phê duyệt, địa phương có thể thu thêm ngân sách bằng việc bán đấu giá từ đất. Song, mắc mớ lại ở chỗ trong số 185 ha theo quy hoạch làm cánh đồng mẫu với sản phẩm chủ lực là lạc, hiện nay đang manh mún với nhiều loại cây trồng khác nhau. Muốn làm được phải cải tạo mặt bằng. Nhưng việc triển khai này rất khó thực hiện vì vướng những quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp (Nghị định 64-CP ngày 15/10/1993). Người dân cho rằng, nếu áp dụng theo Nghị định 64 thì thời gian có hiệu lực chỉ kéo dài đến hết tháng 10 nên không dám đầu tư cải tạo vì nếu có thay đổi thì chẳng biết bấu víu vào đâu.
Một góc trường Mầm non Xuân Mỹ. Ảnh: Ngô Tuấn
Đầu tư nâng cấp, trường THCS 2 Mỹ - Thành, trường tiểu học, trạm xá xã cần số tiền không dưới 5 tỷ đồng, chủ yếu trông chờ vào nguồn thu từ bán đấu giá đất. Ngặt nỗi, ở thời điểm hiện tại, “đất vàng” ở những đô thị lớn chẳng ai thèm ngó, huống hồ ở mảnh đất như Xuân Mỹ, việc thu tiền đất chỉ tồn tại trong giấc mơ.
Năm 2012, toàn xã đã vận động nhân dân hiến đất vườn, đất sản xuất được 5.274 m2; huy động người dân đóng góp làm GTNT xấp xỉ 347 triệu đồng. Tổng kinh phí địa phương đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và sinh hoạt đến nay là 20 tỷ đồng, trong đó, ngân sách T.Ư là 13 tỷ đồng, mô hình sản xuất hộ gia đình là 3,8 tỷ đồng, còn lại là ngân sách xã và đóng góp của nhân dân. Bên cạnh những khó khăn như đã phân tích ở trên thì phát triển thêm các tổ hợp và HTX ở Xuân Yên cũng là chặng đường dài phía trước.
Xây dựng NTM mới không thể ngày một ngày hai mà là một lộ trình dài với nhiều quyết tâm và cách làm sáng tạo. Xuân Mỹ cần xốc lại hành trang, có cách làm hiệu quả trong huy động nội lực và triển khai đề án sản xuất, đồng thời cũng rất cần có sự tiếp sức của các nguồn hỗ trợ khác để đích đến trên con đường xây dựng NTM không quá xa.
Tin mới cập nhật
- Huyện Kỳ Anh có 03 xã được đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017 ( 08/12)
- Hỗ trợ 24 tỷ cho các xã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí NTM năm 2017 ( 05/09)
- Huyện Đức Thọ tổ chức triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ( 03/07)
- Kinh nghiệm vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị ở thị xã Hồng Lĩnh ( 01/06)
- Xã Thuận Lộc: Quyết tâm “giữ chuẩn” nông thôn mới ( 24/04)
- Cựu chiến binh Bùi Xuân Đại - gương người tốt việc tốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới ( 30/03)