Hồn cốt dân tộc Việt tỏa sáng ngàn năm
EmailPrintAa
14:08 10/04/2013

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm ra con đường giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động nước nhà. Để làm được công việc lớn lao đó, Người đã đọc rất nhiều sách, tìm hiểu nhiều nền văn hoá Đông - Tây.

Có thể tìm thấy trong con người Hồ Chí Minh những quan điểm của Nho giáo (đề cao lễ giáo, thuần phong, văn hoá, truyền thống hiếu học), của Phật giáo (tư tưởng từ bi bác ái, tinh thần bình đẳng, nếp sống giản dị, coi trọng lao động (Phật giáo Thiền tông: “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”), của quan điểm tư sản (tư tưởng của Tôn Trung Sơn), của triết học và tư tưởng phương Tây (tư tưởng dân chủ và tiến bộ, coi trọng tự do con người: Tuyên ngôn 1776 của nước Mỹ, tư tưởng của Rút xô, Môngtexkiơ...), của Thiên chúa giáo (lòng nhân ái, đức hi sinh), của chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều để khẳng định đầu tiên đối với nhận thức có được của Hồ Chí Minh chính là nhờ những chuyến đi xa, những tiếp xúc trực tiếp với nhiều lí luận. Ấn tượng để lại sâu đậm nhất trong tất cả những lí luận Người học được ấy là lí luận của Mác - Lê nin. Lí luận Mác - Lê nin với quan điểm thực tiễn: “Vấn đề tìm hiểu xem tư duy con người có thể đạt tới được chân lí hay không hoàn toàn không phải là vấn đề lí luận mà là vấn đề thực tiễn.” (C.Mác)(1) đã góp phần hình thành tư tưởng, tác phong của Người. Điều này có thể dẫn ra bằng rất nhiều minh chứng. 

Khi nói về khát vọng, quyền sống của con người, ẩn đằng sau là ý thức kêu gọi cho sự bình đẳng, Người đã phát ngôn ngắn gọn: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Khi muốn biểu lộ một tư tưởng lớn, tư tưởng về một xã hội dân chủ, tiến bộ, văn minh, Người bộc bạch chân thành: ham muốn “đồng bào ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành”, nhưng hơn ai hết Người nhìn thấy được chiều sâu cho sự giải phóng tận gốc cho con người, đó là sự giải quyết những nhu cầu thiết thực trước mắt: “dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no mặc đủ”. Khi Người nói về tinh thần vị tha, khoan dung, tinh thần thương yêu, che chở lẫn nhau - một ứng xử cao đẹp của văn hoá, một bình diện quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Người nhìn bàn tay mà dẫn dụ: “Năm ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn. Nhưng ngắn dài đều hợp lại trên nơi bàn tay…”. Hay nói về việc trau dồi đạo đức người cách mạng, loại trừ chủ nghĩa cá nhân, loại trừ tư tưởng chỉ chăm lo cho bản thân mình, Người nói rất nôm ra: “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Để khuyên về thực hành đạo đức cách mạng, Người chỉ rõ thực chất của nhiệm vụ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển, củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Hay khi nói về sự đoàn kết nhất trí trong Đảng (không thể tách rời sự tự ý thức, tự rèn luyện và trau dồi của bản thân mỗi đảng viên), Người diễn giải: “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” vv... 

Như vậy, ở Hồ Chí Minh điều cốt tử cần khẳng định đó là tư duy gắn lí luận với thực tiễn. Thực tiễn ở đây trước hết là thực tiễn cách mạng Việt Nam, tình hình cụ thể của đất nước Việt Nam; sau nữa, điều này khá tinh tế dưới chiều cảm nhận cảm thức văn hoá, là thực tiễn tâm tính, đặc điểm dân tộc, cách tư duy của con người Việt Nam. Hai bình diện này về cơ bản không tách khỏi nhau trong tư duy và thao tác của Hồ Chí Minh. Tất nhiên cũng có lúc do tính chính trị, buộc lòng bình diện thứ nhất không kéo theo được bình diện thứ hai, ví dụ khi Người đứng trước nhân dân để nhận sai của Đảng trong cải cách ruộng đất: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Nói một cách khác đi đó là Hồ Chí Minh sử dụng cách nói của dân tộc, của người dân để trình bày một tư tưởng, một cách nhìn của mình. Nói về đoàn kết, Người giản dị nói: “Hòn đá to/ Hòn đá nặng...”, hay: “Ong kia yêu giống thương nòi/ Đồng tâm hiệp lực đuổi loài cáo đi”; nói về ý chí của thanh niên và thúc giục họ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”; nói về niềm tin vào ngày mai huy hoàng, Người viết: “Còn non còn nước còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” vv... 

Chính vì đặc điểm đó của tư duy Hồ Chí Minh mà khi phát ngôn, khi trình bày dù trong đời sống, hay trong thơ văn, bài báo, bài phát biểu, ta luôn thấy một sắc độ đậm nét chất liệu dân gian, cách nói khẩu ngữ của đời thường: các triết lí của cha ông (về đoàn kết, về bản tính tự vệ, về lòng yêu tổ quốc và tình thân ái), hình ảnh của những vị vua, tướng lĩnh, hiền triết quen thuộc (vua Hùng, Quan Công, Trương Dực Đức, Khổng Tử); cách diễn đạt của truyền thống người Việt (thích nói có vần vè, nói đăng đối, hình thức đối đáp, lặp lại, nói lái), cách nói nôm na hàng ngày (ví dụ: “Khổ lắm ắt là đến lúc vui” (tư tưởng lạc quan), “chặt phứa, chém nhào” (cổ vũ tinh thần chiến đấu để vì độc lập dân tộc, vì giống nòi), ngay cả khi Người bộc bạch và gửi gắm tình cảm chứa chan sâu lắng nhất, Người cũng diễn đạt bằng một lối văn nhẹ nhàng, trong sáng và giản dị, không có cảm giác lên gân hay đao to búa lớn: “Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thương yêu...”. Vấn đề sử dụng lời ăn tiếng nói của dân tộc trong lập ngôn của Hồ Chí Minh trước sau rất nhất quán. Điều này kỳ thực thể hiện trên hai hướng ngược chiều nhưng thống nhất chặt chẽ: vận dụng ngôn ngữ của dân tộc làm chất liệu; hoá giải các kinh sách, các thứ lí luận giáo điều, sách vở. Nhiều nhà nghiên cứu khi căn cứ vào văn bản của Người để lại cũng đã khẳng định: Người không thích trích dẫn, không nệ vào sách, không thích phân tích dài dòng văn tự. Cách phát biểu của Người, nói như GS. Mai Quốc Liên, là cách phát biểu “theo kiểu của một nhà hiền triết hơn là của một nhà lí luận”(2). Đây chính là kiểu lựa chọn mà cổ nhân đã đúc kết: “Đấng thánh nhân lập ngôn vốn không cao xa gì, nhưng đem ứng dụng vào thực tiễn, thì mới thấy càng tinh vi sâu sắc” (Lê Quý Đôn)(3).

Sở dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn con đường đó là bởi nhiều lý do. Trước hết là xuất phát từ chính tư chất của Người, một tư chất thông minh, biết gạn lọc, khai phóng và chủ thể hoá những tinh hoa của nhân loại; thứ hai, Người là một nhân cách cao cả; một con người có tấm lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu giống nòi tha thiết, nồng nàn; thứ ba, xuyên suốt và là kim chỉ nam đó là quan điểm thực tiễn, vốn gốc rễ từ trong triết học Mác; thứ tư xuất phát từ những điều đã chỉ Hồ Chí Minh đơn giản là một con người hành động, là một nhà lí luận - hành động, tất cả những kiến thức của Người đều chỉ phục vụ cho hành động, cho tâm huyết thực hiện cách mạng dân tộc, giải phóng người dân, phát huy và nâng cao văn hoá dân tộc, luôn hướng đến một xã hội bình đẳng và bác ái ở đó con người được tự do, hạnh phúc, đối xử với nhau bằng tinh thần khoan dung, độ lượng, vị thế của dân tộc trên trường quốc tế cũng từ đấy mà khẳng định . 

Như vậy, có thể thấy, đặc điểm tư duy và thao tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho “lí luận” của Người thoát khỏi tính tư biện, tính hàn lâm, khảo cứu - vốn xa lạ với truyền thống của người Việt, để nó trở nên gần gũi, thân thuộc với người dân Việt Nam, phù hợp với tâm tính Việt Nam. Do đó, đối với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gần gũi không biết tự bao giờ từ trong máu thịt và tình cảm, gần gũi như người cha, người bác, người anh, như câu Kiều hay câu hò, câu ví. Vì thế, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh là người cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu nhưng đã cảm thấy thân thiết từ lâu”.

Với tất cả những điều đó, có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người rất đỗi bình dị, nhưng cũng là một vĩ nhân. Tầm tư tưởng của Người đã vươn xa đến nhân loại và thời đại. Chính vì thế, Đảng ta đã đề ra chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong toàn cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân.

---------------------------------

1. Hà Quảng, Một phong cách triết luận độc đáo, trong sách: Văn chương, một góc nhìn, Nxb Hội Nhà văn, 2008, tr.235.

2. Mai Quốc Liên, Tư duy Hồ Chí Minh, TC Văn hoá Hà Tĩnh, số 132, 2009, tr.02.

3. Hà Quảng, sđd, tr.237.


    Ý kiến bạn đọc