Kết quả bước đầu về lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật đất đai sửa đổi ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
14:12 10/04/2013

Thực hiện Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 38 của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương, của tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, sau 2 tháng triển khai thực hiện ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản bảo đảm tiến độ, nội dung, kế hoạch mà Ban Chỉ đạo (BCĐ) tỉnh đã đề ra.

Theo số liệu của BCĐ tỉnh, trong thời gian qua ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tổ chức 142 hội nghị, 07 hội thảo, 35 cuộc tọa đàm; ở cấp huyện 12 hội nghị, 36 hội thảo, 98 cuộc tọa đàm; ở cấp xã 612 hội nghị, 210 cuộc họp ở các thôn xóm để triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh và lấy ý kiến của nhân dân, của các nhà khoa học, nhà quản lý góp ý vào các Dự thảo. Đến nay, toàn tỉnh có 2.596 ý kiến góp ý gửi qua bưu điện và email; 195 ý kiến góp ý qua Báo Hà Tĩnh và Đài Phát Thanh - Truyền hình tỉnh; 726 ý kiến góp ý qua Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố, thị xã; 150.019 ý kiến góp ý trực tiếp tại các hội nghị (trong đó 789 ý kiến của cơ quan, đơn vị, trường học, 17 ý kiến của cơ quan thông tấn báo chí, 3.100 ý kiến của doanh nhân, 310 ý kiến của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ cao cấp nghỉ hưu, 170 ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý, 19 ý kiến của luật sư, 1.109 ý kiến của luật gia và 144.505 ý kiến của người dân) góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.  

Đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), toàn tỉnh có 57.398 ý kiến góp ý trực tiếp tại hội nghị, trong đó có 27.398 ý kiến góp ý của các tổ chức và nhân dân do cấp huyện và cấp xã tiếp nhận; 30.000 ý kiến góp ý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tiếp nhận. Nhìn chung, qua các hội nghị được tổ chức từ cơ sở đến tỉnh, nhân dân bày tỏ sự tin tưởng, phấn khởi, sự quan tâm của mình đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); cơ bản ý kiến đóng góp đồng tình với các Dự thảo, đồng thời có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết và có chất lượng.

Quá trình triển khai và những kết quả bước đầu về tổ chức thực hiện lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào Dự thảo Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) ở tỉnh ta trong thời gian qua đã được Đoàn kiểm tra của BCĐ Trung ương ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục, để trong thời gian tới tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân nhiều hơn, có chất lượng cao hơn. Theo kế hoạch của BCĐ Trung ương, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 6, còn đối với Dự thảo Luật đất đai sửa đổi dự kiến trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 5, do vậy, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vẫn tiếp tục được triển khai thực hiện. Trước mắt cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, để cho mọi người dân đều được tham gia ý kiến vào dự thảo Hiến pháp và Luật đất đai sửa đổi. Tiếp tục đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức lấy ý kiến, mở rộng hình thức tổ chức theo từng nhóm chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhân sỹ, trí thức, những người hoạt động thực tiễn … để có nhiều ý kiến góp ý có chất lượng hơn. Quá trình tổng hợp phải bảo đảm tổng hợp đầy đủ tất cả các ý kiến góp ý của nhân dân, không được bỏ sót một ý kiến nào, kể cả những ý kiến không đồng thuận… Đề cao cảnh giác, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng này để làm suy giảm vai trò của Đảng, của Nhà nước ta.


    Ý kiến bạn đọc