Để doanh nhân Hà Tĩnh phát triển bền vững
EmailPrintAa
17:15 03/10/2012

Hiện nay, Hà Tĩnh có 3.110 doanh nghiệp, với tổng vốn điều lệ 19.315 tỷ đồng. Cơ cấu ngành nghề kinh doanh có sự chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh và là lực lượng có vai trò hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân trong tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Một bộ phận doanh nhân chưa tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực tổ chức, khả năng liên kết, hợp tác kinh doanh, chưa năng động sáng tạo thích ứng với kinh tế thị trường, chưa có tính chiến lược dài hạn, giá trị xuất khẩu và chất lượng sản phẩm chưa cao, quản lý tài chính còn thiếu minh bạch, chưa quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của người lao động… Để doanh nhân Hà Tĩnh trở thành đội ngũ phát triển vững mạnh của tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, chúng ta phải xây dựng đội ngũ doanh nhân Hà Tĩnh văn hóa kinh doanh, vừa coi trọng mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, vừa phải chăm lo đến đời sống người lao động, gắn kết giữa phát triển doanh nghiệp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và đề cao trách nhiệm xã hội.

Con người Hà Tĩnh trung thực, luôn biết giữ chữ tín, sống trọng tình, trọng nghĩa, có ý chí vượt khó, vươn lên. Bản tính ấy điều kiện tiên quyết và vô cùng quí giá đối với vấn đề kinh doanh và văn hóa kinh doanh. Từ cội nguồn bản sắc ấy, cùng với sự nỗ lực của bản thân và sự quan tâm thích đáng của các cấp, các ngành, đã có nhiều người con Hà Tĩnh đã vươn lên làm giàu cho chính mình và cho xã hội. Các tổ chức Hội doanh nghiệp Tĩnh bằng tất cả cái “Tâm” cái “Tầm” của những người doanh nhân xứ Nghệ đã, đang và  sẽ  luôn  hướng  về  cộng đồng, chia sẻ những khó khăn cùng  cộng  đồng,  hướng  về cội nguồn, luôn sát cánh, kề vai, góp sức mình vì sự phát triển, phồn vinh, thịnh vượng của quê hương đất nước.  Đó chính gốc rễ làm nên một của doanh nhân chân chính và là nền tảng để xây dựng Văn hóa doanh nhân Hà Tĩnh.

Để  xây  dựng  được  văn hóa Doanh nhân Hà Tĩnh thì mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp phải phát huy những đức tính tốt đẹp trong kinh doanh  của  mình,  tôn  vinh những doanh nhân giỏi của đất nước và Hà Tĩnh ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, tạo nên sự tiếp nối và phát huy truyền thống văn hóa doanh nhân trong thời kỳ mới. Nên chăng hình thành những câu lạc bộ văn hóa doanh nhân, nơi này tập hợp, giới thiệu các gương mặt tiêu biểu của doanh nhân Hà Tĩnh trong nước và nước ngoài, đề cao địa vị chính trị - xã hội của họ làm tấm gương cho lớp trẻ noi theo. Bên cạnh đó, cần có bộ tiêu chuẩn đánh giá văn hóa doanh nhân mang tính kế thừa, khuyến khích óc sáng tạo và tinh thần tự chủ của người doanh nhân.

Ngoài những tính chất nội tại đó, khi nói đến văn hóa doanh nhân người ta còn nhắc đến môi trường cho doanh nhân. Một môi trường cho doanh  nhân  phát  triển  phải kể đến các yếu tố thuận lợi từ phía chính sách nhà nước, chính  quyền,  các  bộ  ngành địa phương, luật pháp. Ở đó, doanh nhân được cạnh tranh công bằng, mọi doanh nghiệp đều được đối xử bình đẳng trong nền kinh tế về quyền tự chủ kinh doanh, được hưởng sự công bằng trong sử dụng vốn xã hội, tài nguyên thiên nhiên… Việc tồn tại tình trạng đặc quyền đặc lợi cho một loại hình doanh nghiệp nào đó không những làm lãng phí tài nguyên còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận đội ngũ doanh nhân. Môi trường lành mạnh cho doanh nhân là nơi tạo động lực, tạo sự tự tin cho mọi thành phần kinh tế và đặc biệt hiện nay là kinh tế tư nhân; tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách như: như đất đai, mặt bằng cho sản xuất, tài chính - tín dụng, lao động - tiền lương, hỗ trợ thông tin, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, v.v...

Khi có doanh nhân và môi trường hoạt  động  thì  không thể có một tổ chức kết nối doanh nhân để cho họ thật sự trở thành một đội ngũ gắn kết và muốn cho đội ngũ đó phát triển vững mạnh thì phải có chiến lược. Hiệp hội doanh nghiệp Hà Tĩnh ra đời không ngoài mục đích đó. Hội đang tập trung thực hiện có kết quả nhiệm vụ hỗ trợ doanh nhân về: quản trị doanh nghiệp hiện đại; thông tin pháp luật kinh tế; hợp tác liên kết, liên doanh; đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp… Nhiệm vụ của Hiệp hội là cầu nối giữa doanh nghiệp, doanh nhân với các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý chức năng có liên quan trong tỉnh. Hiệp hội phản ánh, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để ban hành, sửa đổi bổ sung các chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Hiệp hội còn phải tạo cơ hội và điều kiện cho doanh nghiệp có dịp hợp tác làm ăn kinh tế cũng như hỗ trợ giúp nhau trong nhiều lĩnh vực liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp. Hội quan tâm đẩy mạnh hoạt động xã hội và tổ chức các phong trào văn nghệ, thể thao trong cộng đồng doanh nghiệp; hướng đến việc thực hiện các hoạt động hội tính truyền thống như: Hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đối với các gia đình chính  sách  có  công,  hỗ  trợ người nghèo, hỗ trợ đồng bào khó khăn do thiên tai lũ lụt ở vùng sâu, vùng xa… Hiệp hội mong muốn tăng cường mối quan hệ với các quan, tổ chức trong Tỉnh và trong nước, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chương trình thúc đẩy phát triển doanh nghiệp được tỉnh giao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiệp hội chú trọng khuyến khích sáng kiến, sáng tạo, chủ động trong kinh doanh, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Tuân thủ chính sách của Đảng và Nhà nước, đoàn kết cùng nhau cùng phát triển, vì lợi ích chung của tỉnh nhà, năng động sáng tạo hội nhập quốc tế, hướng về giá trị nhân văn cao cả chính là những giá trị văn hóa doanh nhân mà Hiệp hội muốn tạo dựng cho đội ngũ doanh nhân Hà Tĩnh.

Kinh tế thị trường có mặt tích cực là làm cho mọi hoạt động kinh tế hướng tới hiệu quả, lợi nhuận, nhưng từ đó cũng nảy sinh xu hướng tìm kiếm lợi nhuận với bất cứ giá nào, không quan tâm đến môi trường, lợi ích xã hội, tính bền vững của tổ chức. Kinh tế thị trường cũng đòi hỏi người doanh nhân tự tin hơn, chủ động hơn, sáng tạo, phải có tính chiến lược dài hạn, phải hội nhập, liên doanh liên kết. Chính vì vậy xây dựng Văn hóa doanh nhân có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển bền vững, là chìa khóa để doanh nhân trở thành đội ngũ phát triển vững mạnh, góp phần quan trong xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh.

Dương Tất Thắng
 Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh

    Ý kiến bạn đọc