Hội khuyến học với sự nghiệp “trăm năm trồng người”
EmailPrintAa
16:15 04/10/2012

Trong  những  năm qua, với nhiệm vụ trọng yếu là làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, hoạt động  của Hội  Khuyến  học Hà Tĩnh đã có những đóng góp  nhất  định  trong  việc thực hiện xã hội hóa và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh nhà.

Ở một tỉnh còn nghèo, kinh tế phát triển chậm, lại thường  xuyên  bị  thiên  tai bão  lụt  tàn  phá,  nên công tác khuyến học gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua, với sự năng động, sáng tạo của các tổ chức hội trong việc tuyên truyền, vận động thuyết phục từng gia đình, dòng họ, địa bàn dân cư  tham  gia  nên  công  tác khuyến học đã đạt những kết quả đáng phấn khởi. Hai năm gần đây, Hội đã khâu nối với các Hội đồng hương Tĩnh một số tỉnh để vận động các doanh nghiệp, doanh nhân, những nhà hảo tâm, con em xa quê và các tổ chức quốc tế cùng với nhân dân trong tỉnh đóng góp xây dựng quỹ Khuyến học của tỉnh, hình thành Ban Khuyến học và Quỹ khuyến học Hội đồng hương để giúp đỡ con em xa quê học tập. Đợt vận động xây dựng Quỹ Khuyến học  Đất  Hồng  Lam  nhân dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Vì lợi ích Trăm năm thì phải trồng người”, không chỉ tạo được giá trị vật  chất  hơn  7,5  tỷ  đồng, mà điều quan trọng là đã nâng cao nhận thức của mọi người về “sự học” và công tác khuyến học. Hiện nguồn quỹ 3 cấp có số dư 13.056 triệu đồng, có xã nguồn quỹ có số dư trên 100 triệu, có dòng họ như họ Nguyễn Văn (Cẩm Thành) số dư trên 350 triệu. Nguồn quỹ được sử dụng đúng mục đích, nhằm khuyến học, khuyến tài cho học sinh, sinh viên; khuyến dạy cho các thầy cô giáo.

Năm 2012, Hội Khuyến học  tỉnh  đã  ban  hành tiêu chí, định  mức  vinh  danh cho các tổ chức cá nhân có tấm lòng nhân ái cao cả với công tác Khuyến học, tặng giải thưởng Khuyến học Đất Hồng Lam cho học sinh giỏi Quốc tế, Quốc gia, cấp Tỉnh, sinh viên đậu thủ khoa Đại học hoặc thi đại học đạt 27 điểm trở lên, những em có năng khiếu đặc biệt; khuyến dạy khuyến học cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Bước vào năm học 2012-2013, tỉnh Hội đã sử dụng nguồn quỹ Khuyến học đất Hồng Lam và nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân để khuyến tài cho hơn 100 em đậu học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh, các em đậu thủ khoa đại học hoặc thi đại học đạt 27 điểm trở lên trong năm học 2011 - 2012 với tổng giá trị hơn 110 triệu đồng; tặng 1588 suất học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị 804 triệu đồng. Năm 2011-2012, tỉnh Hội đã trích từ nguồn quỹ cấp tỉnh gần 300 triệu đồng để khuyến dạy cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn đã phấn đấu làm tốt công tác giảng dạy.

Các cấp Hội đã có sự phối hợp với ngành giáo dục, các đoàn thể và các bậc cha mẹ học sinh để kết hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục, nhất là việc quản lý học sinh ở địa bàn dân cư, động viên, giúp đỡ học sinh nghèo đến lớp, vận động học sinh tham gia các hoạt động xã hội, tiếng kẻng, tiếng trống báo  giờ học  ở  nhà.  Những  đơn  vị có phong trào khuyến học, khuyến tài tốt là Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Sơn. Ở cấp cơ sở có Cẩm Bình, Cẩm Nhượng, Thị trấn Kỳ Anh, Phù Việt, Thạch Long, Phường Đại Nài, Thạch Châu, Thiên Lộc, Thị trấn Can Lộc, Phường Nam Hồng, Tùng Ảnh, Đức Lâm, Xuân Viên, Xuân Trường, Sơn Tiến, Sơn An, Gia Phố, Đức Lĩnh. Nhiều dòng họ Khuyến học tiêu biểu như Nguyễn Văn (Cẩm Thành), Nguyễn Bá (Phù Việt), Họ Võ (Mỹ Lộc), Họ Phan(Nghi Xuân), Họ Nguyễn Khắc (Sơn Hòa)...

Tổ chức Hội đã phối hợp với ngành giáo dục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thành lập 262 trung tâm học tập cộng đồng ở cơ sở; có 153.390 lượt người theo học với phương châm “Cần gì học nấy”. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng ở Kỳ Anh, Can Lộc, Lộc Hà hoạt động có hiệu quả thiết thực.

Tổ chức Hội đã được thành  lập  ở  12/12  huyện, thị, thành, 262/262 xã, phường, thị trấn, 257 cơ quan cấp huyện, tổng số hội viên khuyến học, toàn tỉnh 330.687 người, tỷ lệ 24,5% so với dân số. Với những cố gắng nói trên, Hội Khuyến học Hà Tĩnh nhiều năm được tặng cờ và bằng khen của Trung ương Hội. Năm 2009 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Tuy vậy, hoạt động của Hội còn những hạn chế là phong trào chưa đều, chưa sâu rộng, chưa tương xứng với truyền thống đất học và yêu  cầu, khách quan công tác Khuyến học, Khuyến tài. Còn lúng túng trong việc phối hợp với ngành giáo dục và các tổ chức chính trị xã hội xây dựng xã hội học tập; nhất là việc củng cố, nâng cao  chất  lượng  hoạt  động các Trung tâm học tập cộng đồng. Nhiều trung tâm còn “hữu danh vô hình”, trong khi  người  dân  đang  “đói” về thông tin và những kiến thức cần thiết. Nguồn Quỹ Khuyến học các cấp còn thấp, điều kiện hoạt  động của tổ chức hội các cấp chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ được giao, nhất là về biên chế, kinh phí, trụ sở và phương tiện làm việc.

Hiện nay, Chính phủ đã có quyết định số 68 công nhận Hội Khuyến học Việt Nam là hội có tính chất đặc thù, Thủ  tướng  Chính  phủ có Quyết định số 30 về chế độ thù lao cho cán bộ Hội các cấp, song việc triển khai thiếu đồng bộ, chưa được cụ thể hoá cấp huyện cơ sở, đã có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công tác khuyến học. Nếu các cấp uỷ, chính quyền có nhận thức đầy đủ tinh thần Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị về công tác Khuyến học sẽ là yếu tố quan trọng để tổ chức Hội các cấp phát huy tốt vai trò, chức năng của mình. Chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và các tổ chức chính trị, xã hội tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo tinh thần nghị quyết 05 của BCH Tỉnh uỷ.

Trần Thanh Bình
 Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh

    Ý kiến bạn đọc