Quan hệ Nhật - Trung: Xung quanh vấn đề biển đảo
EmailPrintAa
15:07 03/10/2012

Nhật Bản - Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nằm ở phía đông Trung Quốc và phía tây nam của tỉnh cực nam Nhật Bản Okinawa. Tranh chấp bắt đầu nóng lại từ khoảng tháng 4, khi thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara công khai ý định mua lại chuỗi đảo không người này từ chủ sở hữu tư nhân là một gia đình người Nhật. Sau thủ đô Tokyo, chính phủ Nhật Bản cũng công bố kế hoạch mua đứt chuỗi đảo.

Kể từ khi chính phủ Nhật công bố ý định quốc hữu hóa các đảo trên quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư hồi tháng 7, các quan chức và người dân Trung Quốc lần lượt bày tỏ thái độ phản đối với Nhật Bản. Nhật Bản cũng kiên định lập trường của mình bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Ngày 9/9, phát biểu trong cuộc họp ngắn với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngay trước cuộc họp của Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC)  tại  Vladivostok, Nga,  Chủ  tịch  Trung  Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu “bất kỳ hành động nào của phía Nhật nhằm mua bán lại đảo Senkaku/ Điếu Ngư đều là vô hiệu và Trung Quốc sẽ không công nhận việc mua bán dưới bất cứ hình thức nào”.

Nhật Bản cần nhận thức được sự nghiêm trọng của tình hình và không đưa ra quyết định sai lầm”, Chủ tịch Trung Quốc  nói.  Ngoài  cuộc  gặp ngắn kể trên, hai bên Trung - Nhật đã hoãn cuộc họp chính thức bên lề hội nghị APEC vì căng thẳng xung quanh chuỗi đảo.

Ngày 11/9, chính phủ Nhật Bản phê duyệt kế hoạch với khoản tiền gần 26 triệu USD để mua ba trong số 5 hòn đảo. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Osamu Fujimura, khẳng định chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa các đảo để tạo ra môi trường ổn định và an toàn, chứ không muốn chọc giận Trung Quốc.

Ngay sau thông báo của chính phủ Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ không ngồi nhìn lãnh thổ của họ bị xâm phạm. “Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản dừng ngay lập tức hành động xâm  phạm  chủ  quyền  lãnh thổ của Trung Quốc và quay trở lại bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp. Nếu Nhật Bản vẫn tiếp tục hành động, họ sẽ phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã triệu tập đại sứ Nhật để phản đối quyết định mua đảo của nước này.

Tiếp theo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 11/9 cũng tuyên bố “theo dõi chặt chẽ các diễn biến của tình hình và có quyền đưa ra hành động đáp trả”. Bắc Kinh đã điều hai tàu hải giám đến vùng nước gần Senkaku/Điếu Ngư. Nguồn tin từ Hải giám Trung Quốc cho hay cơ quan này đã lên một kế hoạch hành động, đồng thời sẽ có những việc làm cụ thể tùy thuộc vào diễn biến tình hình tại đây. Trước sự cứng rắn của Nhật, Trung Quốc quyết định điều thêm 6 tàu gồm Hải giám 50, 15, 26, 27, 51 66 tới khu vực quần  đảo  không  người.  Hai tàu hải giám Trung Quốc tới vùng nước gần các đảo tranh chấp lúc 6h18 sáng 14/9 theo giờ địa phương. Khoảng 7h00, thêm một nhóm 4 tàu khác xuất hiện trong vùng nước mà Nhật tuyên bố chủ quyền. Hai tàu hải giám đầu tiên sau đó rời khỏi khu vực này vào khoảng 7h48. Sau khoảng một ngày, các tàu Trung Quốc đã rút khỏi khu vực xung quanh quần đảo khi cả hai bên phát đi những lời cảnh báo xua đuổi nhau tại vùng nước tranh chấp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Trung  Quốc  Hồng  Lỗi phát biểu rằng “chuyến tuần tra việc thực thi pháp luật thường niên là hoàn toàn chính đáng”. Hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc Xinhua nói chuyến đi của các tàu hải giám “giáng một đòn mạnh mẽ đối với thái độ kiêu căng của Nhật”. Nhật Bản  đã  thành  lập  lực  lượng khẩn cấp đặc biệt đồng thời triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để phản đối và gọi hành động của Trung Quốc “rất đáng tiếc” và “chưa từng có”. Thủ  tướng  Nhật  Yoshihiko Noda cũng khẳng định “sẽ duy trì sự cảnh giác cao nhất và áp dụng tất cả các biện pháp thể nhằm đảm bảo an ninh” ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Thứ  trưởng  Thương  mại Trung Quốc Khương Tăng Vĩ (Jiang Zengwei) cũng cảnh báo tranh chấp về biển đảo có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại   giao   Nhật   Koichiro Gemba kêu gọi đôi bên hãy bình tĩnh. Tokyo tuyên bố muốn làm sâu sắc thêm quan hệ chiến lược với Bắc Kinh trong thời điểm kỷ niệm 40 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Trong diễn biến mới nhất, chính phủ Nhật tuyên bố đã trao lại quyền kiểm soát các đảo mới mua được, cùng chìa khóa ngọn hải đăng trên đảo cho  lực  lượng  tuần  duyên. Hành  động  này  được  cho nhằm thể hiện ý định củ chính phủ Nhật không phát triển các công trình gì trên đảo. Các ngư dân Nhật Bản bày tỏ lo ngại nếu tình hình leo thang căng thẳng ảnh hưởng đến ngư trường, và hy vọng tình thế sẽ trở lại êm ả. Ngoài những phản đối từ phía chính phủ, làn sóng biểu tình chống Nhật trong dân chúng nổi lên ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc. Người biểu tình tuyên bố sẽ tẩy chay hàng Nhật, không đi du lịch đến Nhật, gây ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp như điện thoại, máy tính và ngành du lịch của Nhật Bản. Xe ô tô của đại sứ Nhật Bản ở Bắc Kinh từng bị cướp cờ và hơn 20 cuộc biểu tình chống Nhật đã diễn ra ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc trong hơn một tháng qua. Đặc biệt, ước tính có hàng chục nghìn người tham gia biểu tình tại hàng chục thành phố trên khắp Trung Quốc trong hai ngày 15-16/9. Những người này giận dữ tấn công các nhà hàng, trung tâm thương mại Nhật Bản và ô tô của Nhật sản xuất. Tại Bắc Kinh, khoảng 2.000 người tập trung bên ngoài đại sứ quán Nhật, một số người ném đá, chai nhựa và muốn xông vào vào đại sứ quán khiến cảnh sát  Trung  Quốc  phải  dùng dùi cui và khiên chắn để can thiệp. Cảnh sát phong tỏa nhiều con đường dẫn đến đại sứ  quán  Nhật  và  điều  một trực thăng tới quan sát từ trên cao. Những cửa hàng Nhật Bản phải đóng cửa để đảm bảo an toàn. Tại Thượng Hải, cảnh sát cũng lập thành hàng rào bảo vệ bên ngoài lãnh sự quán Nhật và thu những khẩu hiệu quá khích của người biểu tình. Trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc xuất hiện nhiều bức ảnh người biểu tình ở các thành phố phía nam như Trùng Khánh, Côn Minh, thành phố phía bắc như Thái Nguyên và các thành phố phía đông gồm Nam Kinh, Tây An đi biểu tình.

Trước tình hình những cuộc biểu tình chống Nhật ngày càng nhiều, Nhật Bản đã yêu cầu cơ quan an ninh Trung Quốc đảm bảo an toàn cho công dân Nhật trên lãnh thổ Trung Quốc. Cơ quan đại diện của Nhật ở Thượng Hải cũng phát đi lời cảnh báo công dân nước mình nên cảnh giác và tìm cách giữ gìn an toàn, sau khi có các báo cáo về những vụ tấn công lẻ tẻ nhằm vào công dân Nhật.

Trong bối cảnh căng thẳng lên cao, truyền thông Trung Quốc đăng nhiều bài viết và ý kiến với lời lẽ mạnh mẽ phản đối Nhật Bản. Báo chí Trung Quốc  cũng  liên  tục  đưa  tin về các cuộc tập trận của các quân khu nước này như cuộc diễn tập bắn đạn thật đổ bộ đảo, bay diễn tập của các phi cơ chiến đấu J-10, và nhiều phương tiện khác cũng được quảng bá rầm rộ.

Từ  Washington,  người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland ngày 10/9 cũng lên tiếng quan ngại vì căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản và nói rằng mối quan hệ ổn định giữa hai nước là rất quan trọng đối với toàn khu vực và với Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta sắp có chuyến công du đến Nhật  Bản  và  Trung  Quốc. Dự kiến tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku sẽ là một trong các chủ đề bàn thảo giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại hai nước Đông Bắc Á này.

T.H


    Ý kiến bạn đọc