Chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống lụt, bão - giảm nhẹ thiên tai
EmailPrintAa
15:14 08/11/2012

Hà Tĩnh là địa phương có địa hình đa dạng và phức tạp; đồi núi chiếm 60% diện tích đất tự nhiên; sông suối nhiều và dốc từ Tây sang Đông, bị mạng lưới sông ngòi chia cắt thành từng vùng nhỏ. Hà Tĩnh thường được ví là “chảo lửa, túi mưa”, có đặc điểm thiên tai điển hình trong cả nước với bão tố, triều cường, nước dâng ven biển; lũ quét, lũ, lụt, ngập úng; sạt lở đất; dông sét, lốc xoáy; hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong 10 năm qua, Hà Tĩnh phải hứng chịu nhiều tác động khốc liệt của thiên tai. Đó là trận lũ quét kinh hoàng tháng 9 năm 2002 xẩy ra trên địa bàn huyện Hương sơn; năm 2007 xẩy ra trận lũ lịch sử trên lưu vực sông Ngàn Sâu làm ngập chìm hầu hết các xã thuộc huyện Hương Khê, Vũ Quang và đặc biệt trận lũ, chồng lên lũ xẩy ra trên diện rộng vào tháng 10 năm 2010 làm ngập chìm 182 xã/262 xã (hơn 70% số xã, phường, thị trấn) của 12 huyện, thành phố, thị xã, trong đó 40% xã bị cô lập hoàn toàn, ngập sâu có nơi từ 4m đến 5m, kéo dài nhiều ngày; lần đầu tiên hồ Kẻ Gỗ phải xả lũ với lưu lượng lớn nhất là 582m3/s gây ngập lụt nghiêm trọng vùng hạ du và cả thành phố Hà Tĩnh. Trận lũ này gây thiệt hại nặng nề về người và của, làm chết 51 người, 175 người bị thương; ước thiệt hại trên 6.300 tỷ đồng.
Năm 2012 thời tiết diễn biến bất thường, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện rất sớm ở phía Nam Biển Đông. Những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra rét đậm, rét hại (58 ngày có nhiệt độ thấp) làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan, khó lường, các địa phương, đơn vị đã và đang tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ thiên tai:
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm công tác PCLB&TKCN; Củng cố kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các công trình trọng điểm; thành lập 11 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác PCLB&TKCN ở các địa phương.
Về công tác phòng ngừa thiên tai: Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN đã tích cực triển khai công tác phòng ngừa thiên tai. Từ năm 2006 đến 2012 thực hiện Chương trình nâng cấp đê biển, đê sông đã thực hiện hoàn thành 17 dự án, nâng cấp được 63 km đê, với tổng kinh phí là 515 tỷ đồng; thực hiện nối tiếp 22 dự án với tổng chiều dài gần 160 km, với nguồn vốn đã được bố trí gần 1.100 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành vào năm 2015. Hệ thống đê điều đã được củng cố, nâng cấp đủ khả năng chống lũ, bão theo tiêu chuẩn thiết kế; tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Đầu tư nâng cấp 13 công trình hồ chứa nước với tổng kinh phí là 503 tỷ đồng, bao gồm các hồ: Thượng Tuy, Nhà Đường, Sông Rác, Mạc Khê, Cù Lây - Trường Lão...; Đặc biệt công trình thủy lợi Kẻ Gỗ với dung tích 345 triệu m3 đã được hiện đại hóa bằng nguồn vốn vay của WB, công trình đã được nâng cấp đồng bộ từ đầu mối đến hệ thống kênh mương, đảm bảo tưới cho 21.500 ha và đảm bảo an toàn phòng chống lũ theo tiêu chuẩn hồ chứa xếp hạng an toàn quốc gia. Dự án nâng cấp Tỉnh lộ 3 nối Quốc lộ 15A đi Hương Khê với chiều dài 33 km, có tổng mức đầu tư 680 tỷ đồng, là tuyến giao thông huyết mạch chi viện ứng cứu cho vùng lũ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá thực trạng công trình trước mùa bão lũ, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trích ngân sách 3 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương, các công ty thủy nông xử lý một số hồ chứa có nguy cơ sự cố như hồ Khe Xanh, huyện Kỳ Anh; Đập Họ, Đập Làng, Đập trạng thuộc huyện Hương Khê; Đập Đá thuộc huyện Hương Sơn...
Về công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai: Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã tổ chức phê duyệt phương án bảo vệ các công trình trọng điểm: đê La Giang, hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, hồ Sông Rác - Kim Sơn; các công trình thủy điện Hương Sơn, Hố Hô và phương án PCLB&TKCN của các Tiểu ban: Lực lượng đảm bảo giao thông - phương tiện, thông tin, liên lạc, Dự báo khí tượng - thủy văn... ; tiểu ban an toàn nghề cá phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, kiểm đếm số lượng tàu thuyền hoạt động trên biển với tổng số 3.820 phương tiện của 6 huyện ven biển, tăng cường công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền, hệ thống thông tin liên lạc, trang bị phao cứu sinh trước khi ra khơi. Các huyện ven biển và vùng núi, vùng ngập lụt chủ động xây dựng phương án chi tiết sơ tán dân theo từng cấp bão, lũ và vùng có nguy cơ cao lũ quét với phương châm lực lượng và phương tiện tại chỗ, sẵn sàng sơ tán khoảng 20.000 dân khu vực ven biển khi có bão đổ bộ và 35.000 dân khu vực vùng ngập lụt, có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất có thể xẩy ra. Huyện Nghi Xuân tổ chức diễn tập PCLB&TKCN năm 2012 theo kế hoạch chỉ đạo của cơ quan Quân sự tỉnh và Quân khu 4 trên cả bốn nội dung: vận hành cơ chế, sơ tán dân vùng Cửa Hội, thực binh xử lý sự cố đê điều và tìm kiếm cứu nạn, được Ban chỉ đạo diễn tập tỉnh đánh giá cao, góp phần thiết thực làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ và nhân dân về PCLB&TKCN. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức kiểm kê, rà soát các phương tiện cứu hộ, cứu nạn hiện có trên địa bàn tỉnh, trong đó: phương tiện cứu hộ, cứu nạn: tàu, xuồng 71 chiếc các loại (tàu 350CV 01 chiếc, xuồng 240CV 05 chiếc, xuồng <85CV 65 chiếc); máy đẩy 40HP 03 chiếc; nhà bạt các loại 139 bộ; áo phao 2.985 chiếc; phao tròn 2.296 chiếc; phao bè 13 chiếc; lực lượng Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng sẵn sàng phương án huy động lực lượng, trang thiết bị chi viện ứng cứu cho các  địa phương khi bão, lũ ác liệt xây ra.
Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh duy trì chế độ trực ban 24/24 giờ; chủ động phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Hà Tĩnh, Sở Tư pháp và các cơ quan truyền thông báo chí trên địa bàn cùng với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Quán triệt phương châm "4 tại chỗ", tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và kịp thời các biện pháp đối phó với bão, lũ tới tận cấp thôn, xã; dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm, chất đốt, nước sạch để có khả năng thích ứng khi có lũ lụt. Phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở gắn với vai trò của cộng đồng trong việc tự quản tại thôn,  xã khi có bão, lũ xẩy ra.
Hiện đang là trọng điểm của mùa bão, lũ, nhưng mưa lũ năm nay có dấu hiệu khác thường, khả năng diễn biến phức tạp vào những tháng cuối năm. Trước tình hình đó cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo và theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, sẵn sàng và chủ động các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững cho tỉnh nhà.

    Ý kiến bạn đọc