Quy hoạch hệ thống trường học - Một chủ trương đúng cần được nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn
EmailPrintAa
15:25 08/11/2012

Hoàn thiện quy hoạch hệ thống trường học và cơ sở giáo dục - đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân” là một trong các giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo được nêu trong Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khoá XI). Theo đó, các trường mầm non công lập, trường tiểu học được bố trí mỗi xã một trường; trường THCS được xây dựng liên xã, có quy mô từ 16 lớp trở lên; không thành lập thêm trường THPT công lập, sáp nhập các trường quy mô dưới 18 lớp.

Thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án quy hoạch hệ thống các trường mầm non và phổ thông đến năm 2020 phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo tính dự báo, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, tạo điều kiện tốt cho việc nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà. Những chủ trương và định hướng đúng nhanh chóng đi vào cuộc sống, được cấp uỷ, chính quyền các cấp và Ngành Giáo dục - Đào tạo tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhân dân đồng thuận nên việc sáp nhập các trường có quy mô nhỏ diễn ra thuận lợi. Đến nay toàn tỉnh đã sáp nhập 05 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 07 trường THCS. Một số xã ở huyện Hương Sơn, Kỳ Anh, Hương Khê rất khó khăn trong quy hoạch, sáp nhập trường THCS liên xã do dân cư sống phân tán, diện tích tự nhiên lớn nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khắc phục được những khó khăn đặc thù của địa phương nên đã hoàn thành việc sáp nhập trường trước ngày khai giảng năm học mới 2012 - 2013.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập trường ở một số địa phương còn gặp khó khăn, chưa có sự quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng việc sáp nhập trường gây lãng phí về cơ sở vật chất, con em đi học xa không đảm bảo an toàn, lo phải đóng góp nhiều tiền để xây dựng trường học mới, thậm chí có tư tưởng cục bộ địa phương, yêu cầu trường phải được đóng trên địa bàn xã… Nhận thức như vậy là chưa thực sự sâu sắc và toàn diện. Yêu cầu cao nhất đối với giáo dục và đào tạo là chất lượng giáo dục. Thực tế hiện nay, trong công tác quản lý, quy hoạch, đầu tư cho giáo dục còn có những bất cập, chưa phù hợp xu thế phát triển nên việc sắp xếp lại hệ thống trường lớp để có điều kiện nâng cao chất lượng chuyên môn là việc tất yếu phải làm. Đại đa số cha mẹ học sinh không thể yên tâm khi con em mình học trong những ngôi trường mà giáo viên phải dạy những môn không được đào tạo, quản lý và sinh hoạt chuyên môn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn.

Ở cấp THCS, các môn vật lý, hoá học, giáo dục công dân, âm nhạc bình quân chỉ có 1 tiết/tuần/lớp, nếu trường có 16 lớp thì những môn này chỉ có 16 tiết/tuần - không đủ định mức cho một giáo viên (theo quy định là 19 tiết/tuần). Các trường THCS dưới 16 lớp việc bố trí giáo viên sẽ không đồng bộ, một số giáo viên phải dạy những môn mà mình không được đào tạo; giáo viên các môn học này phải dạy tất cả các khối lớp, không có thời gian đầu tư nghiên cứu sâu bài giảng. Trong sinh hoạt chuyên môn, môn học chỉ có 1 - 2 giáo viên thì việc dự giờ, thao giảng, học tập kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong chuyên môn là việc làm khó khăn và không hiệu quả, dẫn đến chất lượng dạy học thấp.

Ngày nay việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp cho công tác quản lý ở các nhà trường hiệu quả hơn, các trường có quy mô nhỏ diễn ra tình trạng lãng phí sức lao động, không khuyến khích được đội ngũ cán bộ quản lý năng động, hăng say công việc. Đối với giáo viên, khi làm việc không đủ định mức sẽ được phân công các nhiệm vụ khác trái chuyên môn, dẫn đến không công bằng trong đánh giá năng lực cán bộ v.v.. Việc sáp nhập các trường THCS có quy mô dưới 16 lớp sẽ tạo môi trường làm việc, học tập tốt hơn cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập ở các nhà trường.

Trong điều kiện ngân sách của tỉnh, việc đầu tư công được thắt chặt nên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tính toán để tránh dàn trải, lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp. Các trường có quy mô nhỏ đòi hỏi phải có nhiều trường, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại sẽ gặp khó khăn, lãng phí. Việc sáp nhập các trường có quy mô nhỏ sẽ góp phần tiết kiệm một khoản lớn từ ngân sách nhà nước và sự đóng góp của nhân dân.

Khi mà giáo viên không đồng bộ, điều kiện sinh hoạt chuyên môn khó khăn, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học không đầy đủ thì không thể nâng cao chất lượng dạy và học. Quy mô trường lớp được xem là nền tảng chất lượng của các cơ sở giáo dục. Vì vậy việc lãnh đạo, chỉ đạo sáp nhập các trường có quy mô nhỏ theo quy hoạch của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm của cấp uỷ, chính quyền và Ngành Giáo dục trong những năm tới. Trước hết cần làm tốt công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập các trường; thực hiện đúng quy trình, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; ổn định tổ chức, nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường sau sáp nhập; có kế hoạch sử dụng hợp lý cơ sở vật chất các trường sáp nhập sang địa điểm khác v.v.

Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng được thực hiện trên điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ nhà giáo. Việc quy hoạch, xây dựng các trường MN và trung học theo tinh thần Nghị quyết 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng, làm cơ sở để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, Ngành Giáo dục và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhận thức sâu sắc, đúng đắn và toàn diện được những vấn đề trên sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của toàn ngành giáo dục trong thời gian tới.


    Ý kiến bạn đọc