Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở Hà Tĩnh luôn được quan tâm đúng mức
EmailPrintAa
07:37 03/07/2014

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp đã có nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi giải trí lành mạnh, được đảm bảo các quyền cơ bản và được sống trong môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh.

Vì một thế hệ tương lai

Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương về vấn đề chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã tạo cơ sở, động lực để các ngành, các cấp cụ thể hóa các nội dung, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả.

Thời gian qua, Chương trình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở Hà Tĩnh được quan tâm. Đa số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 6 loại vacxin cơ bản;100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh miễn phí; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 25% (2005) xuống 15,4% (2013). Môi trường học tập, rèn luyện của trẻ em ngày càng được cải thiện, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều đổi mới nâng cao chất lượng dạy học, triển khai cuộc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, tuyên truyền phổ biến luật giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa về phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ vào nhà trẻ, mẫu giáo, vào các cấp học, bậc học đều tăng, chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục bậc Trung học cơ sở đạt vững chắc. Hoạt động văn hoá, vui chơi giải trí và thực hiện quyền tham gia của trẻ em ngày càng được chú trọng, các hoạt động được tổ chức rộng khắp từ nông thôn đến thành thị, trở thành hoạt động thường xuyên, sôi nổi trên các địa bàn.

Nhiều chính sách hướng tới trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Bên cạnh việc quan tâm, chăm sóc cho trẻ em nói chung, một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hướng tới đó là chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Hiện nay, toàn tỉnh có 10.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 30.000 trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, từ năm 2009 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành nhiều chủ trương, tăng cường công tác quản lý nhà nước, phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình, mục tiêu, đảm bảo quyền cơ bản của trẻ em, nhất là chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Nhà nước thì trẻ em Hà Tĩnh luôn nhận được sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã huy động hàng chục tỷ đồng để thực hiện các chương trình chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Riêng Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, trong 3 năm qua đã hỗ trợ với số kinh phí trên 24 tỷ đồng cho 23.623 lượt trẻ em, trong đó hỗ trợ 537 em phẫu thuật và phục hồi chức năng; 141 em bị các bệnh về mắt; 218 em bị sứt môi, hở vòm miệng; 266 em bị bệnh tim và hàng ngàn trẻ em bị xơ hóa cơ delta; 1.648 em được cấp học bổng; 565 em được trao tặng xe đạp, xe lăn; hơn 10.000 em được tặng cặp phao, cặp sách và tặng quà; hỗ trợ xây dựng 16 mô hình thư viện thân thiện tại các trường tiểu học, 37 cụm vui chơi cho các trường mầm non... Trong những tháng đầu năm 2014, đã có trên 1.200 trẻ em được tư vấn, chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng và phẩu thuật dị tật vận động với số kinh phí gần 3 tỷ đồng.

Các hoạt động chăm sóc trẻ em khó khăn được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nguồn kinh phí được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng không chỉ mang lại hạnh phúc cho chính bản thân các em và gia đình mà còn là cơ sở tạo dựng niềm tin để sau mỗi năm những địa chỉ, số lượng tổ chức nhân đạo từ thiện tìm về với Hà Tĩnh ngày một nhiều hơn, nâng tỷ lệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc tăng từ 75% (2005) lên 95% (2013), góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu trong Chương trình hành động Vì trẻ em Hà Tĩnh. Song song với các chương trình nâng cao đời sống vật chất cho trẻ em thì những hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho trẻ em cũng đã được các cấp, các ngành thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động nhân Tháng hànhđộng vì trẻ em, Tết trung thu, các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao, diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ... đã tạo môi trường để các em tự tin, được nói lên những ước mơ của mình, thông qua các hoạt động đã trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình; trách bị xâm hại, ngược đãi; phòng, tránh tai nạn, thương tích, đuối nước... Ngoài ra, ở các địa bàn dân cư còn hình thành những câu lạc bộ như :“Quyền trẻ em”, “khi bố mẹ vắng nhà”, “phòng ngừa trẻ em lang thang” và các mô hình “trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa”, “phòng, chống đuối nước trẻ em”…đã và đang phát huy hiệu quả đã tạo một môi trường tốt nhất cho trẻ hoạt động, góp phần bồi dưỡng, hình thành và phát triển nhân cách.

Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân là những yếu tố để trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng khắc phục khó khăn vươn lên hòa nhập cộng đồng. Những món quà nhỏ bé nhưng mang nặng nghĩa tình là nguồn động viên để trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tạm quên đi hoàn cảnh để vượt lên chính mình, hòa nhập cùng bạn bè để tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước.

 
   

Gia đình và toàn xã hội đã và đang từng ngày chung sức, chăm lo để tạo dựng cho trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn có những câu chuyện đau lòng về vấn đề tai nạn thương tích, đuối nước, tình trạng xâm hại, bạo lực, bạo hành trẻ em; vẫn còn rất nhiều trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo cần được quan tâm giúp đỡ... Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề: “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”hướng tới phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, bóc lột để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được phát triển toàn diện. Đây là dịp để các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội thể hiện sự chung tay, góp sức và hãy bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hưởng ứng tích cực tháng hành động vì trẻ em với tinh thần “Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho sự phát triển bền vững”.

 

                                                                                                            Lê Thị Mai Hoa

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội


    Ý kiến bạn đọc