Mấy vấn đề về đạo đức nghề báo trong cơ chế thị trường
EmailPrintAa
07:43 03/07/2014

Trong quá trình đổi mới, báo chí Việt Nam có sự vươn lên và phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, báo chí nước ta cũng đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, nhược điểm. Một trong những hạn chế, nhược điểm đó là tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo.

Những thành công nổi bật của báo chí 

Thời gian qua, báo chí nước ta đã phát huy được thế mạnh của mình là thông tin nhanh nhạy, kịp thời. Lượng thông tin trên báo chí ngày càng đa dạng, phong phú. Báo chí với vai trò người tuyên truyền, cổ động và tổ chức đã khởi phát nhiều phong trào mang ý nghĩa nhân văn, khơi dậy truyền thống, niềm tự hào dân tộc trong mỗi cá nhân, tập thể và cả xã hội. Ðặc biệt, báo chí đã góp phần làm cho việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thấm sâu trong toàn Ðảng, toàn dân và gần đây là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Xét về phương diện đạo đức nghề báo, nhìn chung, thời gian qua, đa số các cơ quan báo chí, các nhà báo đã thể hiện được lòng trung thành với lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống lại những cái xấu, biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội; có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ngày càng xuất hiện nhiều nhà báo yêu nghề, gắn bó với cơ sở, với nhân dân, với công chúng báo chí, có những tác phẩm tốt, hiệu quả chính trị - xã hội cao… Những đóng góp đó của báo chí đã góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; tạo động lực quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. 

Một số biểu hiện vi phạm, xuống cấp đạo đức nghề báo

Thời gian qua, trong thực tiễn hoạt động báo chí ở nước ta cũng đã xuất hiện và tồn tại nhiều khuyết điểm, yếu kém rất đáng lo ngại, nhất là tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Có thể nêu một số biểu hiện sau:

Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, chức năng tham gia quản lý, giám sát xã hội, có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Hậu quả của tình trạng này là không ít cơ quan báo chí, nhà báo đã có những bài viết mang nội dung thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác, phản ánh một chiều thông tin về mặt trái của xã hội - phản ánh quá nhiều những vụ việc tiêu cực, tệ nạn xã hội, gây dư luận xã hội bất an; chưa quan tâm phát hiện, biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước.

Do sa vào khuynh hướng “thương mại hóa” báo chí, nhiều đã đăng tải các nội dung chưa thiết thực, chạy theo thị hiếu tầm thường của một số ít độc giả; trong thông tin còn sơ hở, thiếu sót, tạo điều kiện cho các thế lực xấu lợi dụng, khai thác, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trong khi đó, công tác đấu tranh, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, thù địch chưa được chú trọng, chưa thật sự sắc bén, thiếu tính thuyết phục... 

Một số nhà báo lợi dụng cái gọi là “quyền lực thông tin”, mà thực chất là lợi dụng sức mạnh của công chúng, sức mạnh của dư luận xã hội, vi phạm tính khách quan, chân thật của báo chí, “bẻ cong ngòi bút” để mưu lợi riêng. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất đã từng xảy ra thời gian qua là một số nhà báo dùng danh nghĩa “chống tiêu cực” để thực hiện hành vi tiêu cực: dựa trên những bằng chứng thu thập được qua điều tra để hù dọa, tống tiền các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, hoặc yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân phải thực hiện những việc làm có lợi cho riêng cá nhân nhà báo. 

Một số cơ quan báo chí, nhà báo không (hoặc ít) chú trọng tính chân thật trong thông tin quảng cáo các sản phẩm, quảng bá thương hiệu trên đài, báo; đăng phát ca ngợi, tâng bốc một chiều, vì lợi ích kinh tế cục bộ của cơ quan báo chí hoặc vì lợi riêng của nhà báo, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tiền bạc… của người tiêu dùng, gây tác hại không nhỏ cho lợi ích của một bộ phận công chúng.

Nhiều nhà báo không chịu khó đi thực tế mà thường ngồi bàn giấy, quán cà phê, quán nhậu…, dựa vào mạng internet và các mạng xã hội để kiếm thông tin, dựa vào thông tin đồng nghiệp “chia sẻ” qua email để viết bài, đưa tin, tùy tiện, bịa đặt hư cấu thêm thông tin, chi tiết trong tác phẩm. Không ít tờ báo, nhất là báo mạng, đưa nhiều tin, bài không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam, thông tin thiên về bạo lực, tình dục, vụ án, đời tư người nổi tiếng, mê tín dị đoan,… để câu khách một cách rẻ tiền.

Một số báo, nhất là báo mạng, chạy theo xu thế thông tin nhanh, soi mói những chi tiết phản cảm, phi văn hóa để cạnh tranh với báo khác mà không chú trọng kiểm chứng nguồn tin, kiểm tra tính xác thực của thông tin; thông tin hời hợt, không rõ tính mục đích, tính định hướng của thông tin; không phân định được ranh giới giữa quyền của báo chí và sự xâm phạm đời tư, nhân phẩm con người. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện trên những trang báo mạng điện tử mới ra đời mà có ở cả một số tờ báo mạng điện tử, báo in đã có chỗ đứng, khẳng định được vị trí của mình trong lòng độc giả.

Không ít cơ quan báo chí chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai xin lỗi, cải chính đối với những thông tin sai lệch, không chính xác, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cá nhân, đơn vị. Thể hiện rõ nhất là tình trạng cơ quan báo chí cố tình lờ đi không đăng tin cải chính; cải chính không kịp thời; đăng tin cải chính chỉ vài dòng chữ nhỏ ở nơi khó nhìn thấy trên các trang báo; hoặc chỉ đăng là “Nói lại cho rõ”, “Tin thêm về vụ…”… để hòng khỏa lắp, làm nhẹ sai trái của nhà báo, của cơ quan báo chí.

Một số nhà báo ít đưa tin, viết bài theo nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm xã hội với Đảng, Nhà nước và nhân dân mà chỉ chú trọng đưa tin, viết bài theo mức độ “nặng” hay “nhẹ” của “phong bì” nhận được từ cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp mời họ đến tham dự các sự kiện với tư cách người đưa tin. Tệ hại hơn, trong trường hợp không có “phong bì” có nhà báo đã cố tình khai thác những chi tiết bất lợi, thông tin tiêu cực từ các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đưa lên báo để dằn mặt, trả đũa.

Sự cạnh tranh khốc liệt trong cơ chế thị trường dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp dùng mọi thủ đoạn để hạ uy tín doanh nghiệp đối thủ. Một trong những thủ đoạn đó là tranh thủ lôi kéo giới truyền thông - báo chí viết khen ngợi doanh nghiệp mình và viết bôi nhọ, hạ bệ doanh nghiệp đối phương khi có điều kiện. Trong bối cảnh đó, một số nhà báo vô tình hay cố ý đã trở thành công cụ cho một số doanh nghiệp.
Tóm lại, bên cạnh những ưu điểm, những mặt tích cực là cơ bản, mang tính chủ đạo thì những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề báo ở nước ta hiện nay cũng là một thực trạng rất đáng lo ngại.

Nguyên nhân tình trạng vi phạm, xuống cấp đạo đức nghề báo 

Tình trạng vi phạm, xuống cấp đạo đức nghề báo, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan.

Nguyên nhân khách quan:

Khi hoạt động trong cơ chế thị trường, nhiều tờ báo luôn chịu áp lực là phải tăng lượng phát hành, tăng nguồn thu quảng cáo để tăng doanh thu, lợi nhuận. Những sai phạm về đạo đức nghề báo thời gian qua phần nhiều do người làm báo không chịu được áp lực cạnh tranh thông tin, chạy theo doanh thu, làm tất cả (thậm chí bất chấp những quy định của pháp luật, đạo đức nghề nghiệp) để đưa thông tin nhanh, xem nhẹ tính chân thật, tính nhân văn, tính văn hóa trong hoạt động báo chí.
Nhiều quy định của pháp luật (cụ thể nhất là Luật Báo chí) chưa theo kịp với thực tiễn của hoạt động báo chí. Dễ thấy nhất là những quy định liên quan đến bản quyền tác phẩm báo chí, xử phạt các vi phạm trong hoạt động báo chí... còn nhiều bất cập. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, định hướng của cơ quan quản lý báo chí các cấp đối với các cơ quan báo chí trong nhiều trường hợp còn lúng túng, chưa sâu sát, chưa kịp thời… 

Quy trình làm báo đang thay đổi nhanh theo hướng gia tăng thông tin, thông tin nhanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều, đa dạng của nhiều đối tượng bạn đọc… Do đó, nhiều cơ quan báo chí - nhất là báo điện tử - coi trọng việc chạy đua thông tin để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của nhóm đối tượng công chúng nhất định và đặc trưng của mình, dẫn đến tình trạng quản lý thông tin thiếu chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát thông tin…, dẫn đến sai phạm.

Nguyên nhân chủ quan:

Công tác lãnh đạo quản lý báo chí từng lúc, từng nơi bị buông lỏng. Thời gian qua, nhiều cơ quan quản lý, lãnh đạo báo chí, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo một số cơ quan báo chí đã không chú trọng việc thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, Nhà nước; lòng tự trọng, sự khiêm tốn, tính thận trọng,… cho những người làm báo. Vì thế, nhiều nhà báo hành nghề nhưng thiếu ý thức nghề nghiệp, chưa nhận thức được trách nhiệm xã hội cao quý của người làm báo chân chính nên dễ dàng bị sa ngã, suy giảm đạo đức nghề nghiệp.

Cơ quan quản lý báo chí “quản” chưa chặt, chưa xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm tôn chỉ, mục đích và nguyên tắc tính nhân văn của báo chí. Trên thực tế, có nhiều báo ra đời gần đây nhưng không hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích khi xin giấy phép mà lại đăng nhiều tin tức giật gân, mang tính “lá cải”, hoặc tìm mọi cách câu móc, đe dọa, xin xỏ để có quảng cáo mà tồn tại. Đó là kẽ hở cho nhiều nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Nhiều cơ quan báo chí trong quá trình tự hạch toán trong cơ chế thị trường, để tăng sức cạnh tranh và tồn tại, phát triển trên thị trường báo chí đã mở ra các văn phòng đại diện, thu nhận thêm phóng viên thường trú, cộng tác viên… Tuy nhiên, trong quá trình tuyển dụng, do chưa quan tâm đến khâu kiểm tra, thẩm định về tư cách đạo đức, năng lực nghề nghiệp, quá trình công tác, thực tiễn tác nghiệp… nên đã dẫn đến nhiều trường hợp sử dụng người không bảo đảm về tư cách đạo đức để đưa tin, viết bài.

Không ít nhà báo chưa chú trọng việc tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi, nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, hiểu biết pháp luật,… Hậu quả là không ít người đã thiếu tỉnh táo, thiếu tính chuyên nghiệp trong quá trình tác nghiệp, dẫn đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật..., làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với giới báo chí.

Một số nguyên tắc, giải pháp nâng cao đạo đức nghề báo

Nguyên tắc cơ bản cần nắm vững

Trong bối cảnh báo chí nước ta đang phát triển mạnh mẽ nhưng kèm theo đó, đạo đức nghề báo lại đang có những biểu hiện xuống cấp đáng lo ngại, vấn đề đặt ra hiện nay là những người làm báo, các cơ quan lãnh đạo và quản lý báo chí cần nắm vững và thực hiện tốt những nguyên tắc cơ bản của báo chí cách mạng Việt Nam và Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Đó là:

Báo chí phải phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Người làm báo hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, tôn trọng quyền con người, bảo vệ bí mật quốc gia, thực hiện quyền tự do báo chí, tự do hành nghề trong khuôn khổ pháp luật. Nhà báo là người sống lành mạnh, giữ gìn phẩm chất trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, xúc phạm nhân phẩm và lợi ích của người khác.

Người làm báo chân chính và có đạo đức nghề nghiệp là người phải luôn trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với lý tưởng cách mạng của Đảng, với mục tiêu “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đó là người trung thực với chính mình, với người thân trong gia đình, với bạn bè, đồng nghiệp, với lãnh đạo cơ quan báo chí, với nghề báo.

Người làm báo phải có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng; không ngừng học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp, tri thức, văn hóa và phải xem những điều đó là nguyên tắc quan trọng hàng đầu, là một chuẩn mực đạo đức cơ bản của nghề báo. 

Người làm báo chân chính phải luôn đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên lợi ích của bản thân; luôn gần gũi, sâu sát với đời sống của nhân dân để tác phẩm làm ra hướng tới nhân dân, phản ánh được đúng đắn những tâm tư, tình cảm, nhu cầu, lợi ích của nhân dân. Đồng thời, phải hướng dẫn, thuyết phục, tổ chức, giáo dục nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. 

Thường xuyên học tập, trau dồi để nâng cao kiến thức, trình độ học vấn, chuyên môn và văn hóa. Chỉ có thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn và phông văn hóa thì nhà báo mới có thể để đáp ứng được yêu cầu của công việc, nhiệm vụ của người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, mới có thể vượt qua những cám dỗ vật chất tầm thường, hạn chế tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp. 

Một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao đạo đức nghề báo 

- Đối với các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí

Sớm xem xét, sửa đổi Luật Báo chí cho phù hợp với thực tiễn hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa truyền thông đại chúng hiện nay. Trong đó cần quan tâm xem xét, bổ sung các định chế để quản lý báo in, báo hình, báo nói và đặc biệt là báo điện tử; các quy định liên quan đến bản quyền tác phẩm báo chí, xử phạt các vi phạm trong hoạt động báo chí; vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành, các đoàn thể và xã hội đối với báo chí...

Xem xét, sửa đổi “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” thành “Quy tắc đạo đức nhà báo” với những quy định cụ thể hơn, chẳng hạn như: “Không xâm phạm bí mật đời tư”, “Không sao chép bài viết người khác thành của mình”; “Không tự ý bịa đặt, hư cấu chi tiết trong tác phẩm báo chí”; “Không cải chính, xin lỗi qua loa”…

Xử phạt nghiêm, đúng pháp luật những trường hợp cơ quan báo chí, nhà báo cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần những quy định của pháp luật về báo chí như: thông tin bịa đặt, sai sự thật, thông tin những vấn đề “nhạy cảm” trong đối ngoại, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh mà không kiểm chứng; cố tình tạo ra sự giật gân, giả tạo trong thông tin để bán báo, “câu” bạn đọc…

Các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí cần thường xuyên rà soát lại nhân sự, chú trọng công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí cũng như cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan báo chí; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ với bố trí, bổ nhiệm, đề bạt và sử dụng cán bộ báo chí hợp lý sau khi được đào tạo một cách đúng đắn, hiệu quả. 

Tăng cường công tác giáo dục - đào tạo nâng cao dân trí để hạn chế tình trạng người dân vì thiếu thông tin mà bị những nhà báo thiếu đạo đức huyễn hoặc, gây bất an trong xã hội. Trình độ dân trí được nâng lên cũng có nghĩa tính giám sát, chọn lọc, nhận định thông tin của công chúng, của dư luận xã hội được nâng lên, nhờ đó giảm đi “đất sống” của cách làm báo giật gân, thông tin bịa đặt, câu khách.

- Đối với cơ quan báo chí:

Tăng cường và thường xuyên tiến hành công tác bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Bên cạnh những khóa bồi dưỡng chính quy, lãnh đạo cơ quan báo chí cần tạo điều kiện cho các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chi hội Nhà báo… thường xuyên giáo dục cho đoàn viên, hội viên của mình về đạo đức nghề báo và nâng cao vai trò giám sát, kiểm tra của các tổ chức này về đạo đức nghề báo ngay trong cơ quan báo chí.

Người đứng đầu cơ quan báo chí phải là tấm gương tiêu biểu trong việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên trong cơ quan vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa bảo đảm đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm “thấu lý đạt tình” những trường hợp cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên sai phạm về đạo đức nghề báo để phòng ngừa, răn đe những trường hợp vi phạm khác có thể xảy ra. 

Lãnh đạo cơ quan báo chí cần thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh hoạt động của biên tập viên, phóng viên theo đúng pháp luật, đúng quy định về đạo đức nghề báo, đúng các nguyên tắc tác nghiệp đã đề ra của cơ quan. Ban Biên tập, các biên tập viên phải luôn tỉnh táo trong việc chọn lựa bài viết, thẩm định chủ đề tư tưởng, phát hiện ra sai sót, những nội dung “có vấn đề” trong từng tác phẩm báo chí để xử lý kịp thời. 

Tùy điều kiện, cơ quan báo chí có thể tổ chức “đường dây nóng” để thu nhận ý kiến phản hồi của công chúng báo chí về nhiều vấn đề. Trong đó có những vấn đề liên quan đến đạo đức nhà báo trong quá trình tác nghiệp, trong quá trình giao tiếp xã hội… Qua đó có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xấu, tiêu cực của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên trong cơ quan, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

- Đối với nhà báo:

Mỗi nhà báo phải xác định rõ mình là một chiến sĩ xung kích trên mặt tư tưởng - văn hóa của Đảng. Vì thế, phải không ngừng học tập phong cách, đạo đức làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối. Đối tượng phục vụ chính của báo chí là nhân dân. Mỗi nhà báo phải luôn xác định hoạt động của mình là nhằm góp phần cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ để người dân hiểu được quyền và trách nhiệm của người chủ đất nước mà tích cực góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. Làm được như thế tức là nhà báo đã thể hiện được điều cốt lõi nhất trong đạo đức nghề báo. 

Mỗi người làm báo không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ, phông văn hóa, tạo cơ sở để nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp của mình. Đây là yếu tố trọng tâm giúp các nhà báo có thể “chắc tay bút” trong quá trình tác nghiệp. Thực tế cho thấy, một khi nhà báo có uy tín, có đạo đức nghề nghiệp sẽ được công chúng tin cậy. Đó chính là điều kiện thuận lợi để nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Mỗi nhà báo chân chính, chuyên nghiệp khi sáng tạo tác phẩm báo chí, bên cạnh những yêu cầu về năng lực chuyên môn phải luôn gắn với những chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp. Cụ thể mỗi nhà báo trước khi viết cần phải trả lời các các câu hỏi: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì?”, “Viết như thế nào?”. Có như vậy, tác phẩm báo chí mới đem lại những giá trị đích thực cho công chúng, xã hội. 

Ngày nay, việc giáo dục đạo đức báo chí không chỉ bó hẹp trong phạm vi các cơ sở đào tạo báo chí, trong các cơ quan báo chí, trong đội ngũ những người làm báo, mà cần được phổ biến và nhân rộng trong xã hội. Trong thời đại công nghệ số, báo chí đang phát triển nhanh chóng thì không chỉ những người làm báo chính quy mà cả những người thường xuyên viết báo với tư cách là “nhà báo công dân” cũng phải biết và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề báo để hành xử đúng chuẩn mực đạo đức báo chí, để không xâm hại đến lợi ích của đất nước, của cộng đồng, của người khác.

 

Nguyễn Thanh Sơn

Tạp chí Cộng sản

 


    Ý kiến bạn đọc