Can Lộc – Lan toả những tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến đất mở đường
EmailPrintAa
15:54 09/07/2014

Trong những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở Can Lộc đã vào cuộc tích cực. Với nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động sáng tạo, cùng với hệ thống các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp, đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân cùng “chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Điểm nhấn ở Can Lộc trong những năm qua, phải kể đến phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) - một trong những tiêu chí được đánh giá là cơ bản và khó khăn trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân ở Can Lộc không chỉ ủng hộ về mặt chủ trương, mà còn tích cực, tự nguyện tham gia với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như hiến đất, hiến vườn, kể cả dời dọn nhà cửa hay hy sinh một phần đất hương hỏa bao đời của cha ông để góp phần xây dựng những con đường nông thôn mới.

Trở lại Khánh Lộc những ngày đầu tháng 6, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những con đường bê tông được làm mới, rộng thênh thang. Trong đó, điển hình là làng Quần Ngọc, như một làng dân cư kiểu mẫu mới hình thành, hầu như nhà nào cũng có tường bao quanh mới được xây lại theo đúng chuẩn trong tiêu chí về làm đường giao thông nông thôn.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là bác Mai Khắc Tam, làng Quần Ngọc. Không câu nệ, khách sáo, trải lòng mình rất tự nhiên bác, đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử, trở về với Khánh Lộc cách đây mấy chục năm về trước. Khi đó, đường sá ở Khánh Lộc và Vĩnh Lộc được xem là lầy lội nhất của huyện Can Lộc. Vào mùa mưa, học sinh đến trường phải sắn quần quá đầu gối, thậm chí cởi quần dài cắp nách phòng nước ngập; ra khỏi nhà là bì bõm đánh vật với nước và bùn… Đó chính là một trong những lý do mà người dân nơi đây thường dùng 2 từ ám chỉ “Khánh lầy” khi nói về Khánh Lộc. Bởi vậy khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, gia đình bác Tam là một trong hộ tiên phong đi đầu hiến đất, hiến vườn làm đường GTNT. Bác tâm sự: Đất nhà mình là đất hương hỏa của cha ông để lại, bác là đời thứ bảy, có trách nhiệm trông coi, thờ phụng ông bà, tổ tiên. Nhưng khi Đảng và Nhà nước có chủ trương, cấp ủy chi bộ bàn bạc thông suốt, bác thấy đây thực sự là cơ hội cho địa phương và cho người dân. Bác đã tự nguyện đập phá 50 m tường rào, lùi vào 1,5 m chiều rộng, tổng cộng khoảng gần 60 m2 để giải tỏa hành lang giao thông. Mặc dù trong điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng bác không đòi hỏi đền bù mà vay mượn hàng xóm láng giềng và người thân để xây lại tường bao, làm lại cổng, với số tiền lên tới gần 50 triệu đồng.

Tích cực, nhiệt tình, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào xây dựng nông thôn mới - đó là điều khi mọi người dân làng Quần Ngọc nói về Đại tá, cựu chiến binh Trần Kiên Cường. Trong phong trào hiến đất làm đường GTNT, ông là một trong những nhân tố tích cực, đi đầu trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Ông tâm sự: cha ông ta có câu “của đau, con xót”, mình phải hiểu được lòng dân. Tài sản “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mà họ có được, từ những công trình nhà ở, đền thờ, tường rào và cả những cây cổ thụ có tuổi thọ trên 60 năm, gắn với bao kỷ niệm vui, buồn của gia đình, dòng họ… không dễ gì họ đập phá, dời dọn hay dịch chuyển. Phải hiểu như vậy để làm công tác tuyên truyền, vận động, mưa dầm thấm lâu và phải có cách: mềm mỏng, kiên trì, cương quyết, khôn khéo; không nóng vội. Và điều cốt yếu, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã, xóm; những người có uy tín tiên phong đi đầu, gương mẫu thực hiện thì quần chúng nhân dân không có tư tưởng so bì tị nạnh, nhìn trước ngó sau, tất cả đều thực hiện thống nhất, tạo ra phong trào hành động cách mạng trong toàn dân.

Nhìn 25 m tường rào mới được xây dựng lại, dịch chuyển vào bên trong 1,3 m chiều rộng, chúng tôi hiểu phương châm hành động của vị đại tá, cựu chiến binh này là thống nhất giữa lời nói và việc làm. Ông đã tự nguyện dịch chuyển tường rào gia đình ở mức tối đa theo quy định của địa phương (từ 7,5 cm - 1,3 m), để thuận lợi cho việc quy hoạch đường trong tương lai. Như một hiệu ứng tích cực, những hộ liền kề cũng tự nguyện lùi vào bên trong theo mốc tối đa. Toàn bộ số kinh phí làm lại tường rào là gần 20 triệu đồng, trong đó xã hỗ trợ 1 tạ xi măng, còn nữa gia đình ông tự bỏ. Ông không tính cái mất, mà tính cái được, theo ông: cái được ở đây là được cả một phong trào, khẳng định tính đúng đắn của một chủ trương. Chung quy lại, khi ý Đảng đã hợp với lòng dân, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; cán bộ, đảng viên tiên phong gương mẫu đi đầu thì mọi việc dù khó khăn đến đâu cũng được nhân dân ủng hộ tích cực và đạt kết quả tốt đẹp.

Rời Khánh Lộc, chúng tôi đến gia đình chị Đặng Thị Xuân, xóm Đông Vinh, xã Tùng Lộc - một tấm gương điển hình của huyện trong phong trào hiến đất làm đường GTNT. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một căn nhà ngang với chiều dài 20 m, nằm dọc theo chiều dài con đường liên xóm đã bị đập đi gần hết một phần mái phía bên ngoài để tạo thành con đường rộng thênh thang. Chồng mất sớm, một mình nuôi 3 đứa con, chị phải vất vả ngược xuôi lo việc nhà, việc đồng áng để cho con ăn học. Cả gia tài nhà chị chỉ có một căn nhà ngang là giá trị nhất, bao năm qua, gia đình chị gắn bó với nhiều kỷ niệm vui buồn trong ngôi nhà này. Vậy mà, chị đã cố gắng để cắt đi một phần ngôi nhà (khoảng 30 m2) để làm đường giao thông liên xóm. Chị tâm sự với chúng tôi: Tùng Lộc đất chật, người đông, nhà cửa san sát không có đất để quy hoạch các công trình công cộng. Năm 2010 - 2011, khi xã phát động chủ trương làm đường GTNT, việc hiến đất làm đường còn là điều rất mới lạ và gặp rất nhiều khó khăn. Là cán bộ chi hội nông dân xóm, chị gương mẫu đi đầu, cho đập nhà ngang để xóm làm đường mới. Trước việc làm của chị, nhiều người nói rằng chị khờ. Nhưng với chị, chị thấy việc mình làm đó là đúng đắn, sáng suốt, bởi từ khi có con đường mới, mọi người trong xóm dường như yên tâm hơn, “trẻ con đi qua, người già đi lại” không phải lo xảy ra những rủi ro đáng tiếc như trước đây; hàng xóm láng giềng cũng năng đi lại thăm hỏi nhau hơn, tình làng nghĩa xóm được củng cố, tăng cường... Như vậy là dân được cả, đừng nói là làm đường cho cán bộ, cho Đảng, cho Nhà nước. Với những công lao và sự đóng góp của mình, năm 2012, chị đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp GTVT bởi đã có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển GTVT Việt Nam.

Còn nhiều hơn nữa những gia đình hiến đất làm đường GTNT ở Khánh Lộc, Tùng Lộc mà chúng tôi không có dịp đi hết. Nhưng mục sở thị những con đường mới mở, những chiếc cổng, tường rào mới xây còn thơm nồng mùi vôi, chúng tôi đã phần nào hiểu được sự hi hi, cống hiến của người dân nơi đây đối với phong trào xây dựng nông thôn mới; muôn người như một, đồng lòng thực hiện chủ trương chung, tạo nên sức mạnh vật chất và chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần, vì một nông thôn mới phát triến bền vững trong tương lai.

Phạm Bích Liên


    Ý kiến bạn đọc