Anh bạn tôi vốn là một nhà báo, nay công tác ở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết: “Chúng tôi đặc biệt coi trọng xây dựng thương hiệu Huế trên các sản phẩm lưu niệm. Ngoài nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn di tích, cảnh đẹp cố đô, họ rất cần một cái gì đó để tặng bạn bè, người thân lưu niệm chuyến đi. Bởi hàng lưu niệm là một yếu tố tăng thêm sự hấp dẫn, níu kéo khách du lịch đến với mình. Nó góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh con người, nền văn hóa của vùng, miền họ đã đặt chân đến và làm họ còn nhớ mãi chuyến đi lịch sử đó qua những kỷ vật mà họ mang về”.
Mùa hè - mùa du lịch đã bắt đầu. Những tháng ngày này lượng khách đổ về Hà Tĩnh không ít. Bởi chúng ta ngoài ba bãi biển du lịch chính như Thiên Cầm, Xuân Thành, Thạch Hải, còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa tầm quốc gia như các Khu Di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc; Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập; Đền Củi, Đền Bà Hải, Chùa Hương Tích… Thế nhưng điều đáng buồn là tất cả các điểm đến vùng này chưa để lại cho du khách một ấn tượng nào đáng kể về sản phẩm lưu niệm. Cu đơ Hà Tĩnh có thương hiệu khá lâu, song bao bì sản phẩm thì vẫn “muôn năm cũ” đơn điệu, thô ráp, không có gì mới mẻ. Đến Đồng Lộc, ngoài mấy cuốn thơ về Ngã Ba, mũ tai bèo, áo thanh niên xung phong, thêm mấy túi xách, kẹp tóc ở đâu cũng có, người ta chẳng biết mua cái gì mang đậm dấu ấn về Ngã Ba Đồng Lộc lịch sử để làm quà cho bè bạn. Đến Khu lưu niệm Nguyễn Du, khách càng thất vọng hơn bởi quay đi quay lại chỉ vài ba cuốn Truyện Kiều, mấy nậm rượu, chẳng có một vật lưu niệm gì nói lên vóc dáng của một vùng quê văn hiến đã sản sinh ra một danh nhân văn hóa thế giới, một pho Kiều kiệt tác của nhân loại.
Chị Hoàng Tú Xuyên, một du khách Hà Nội, có gốc quê ở Tùng Ảnh - Đức Thọ, trao đổi với chúng tôi những suy nghĩ của chị tại phòng chờ khách sạn Thiên Ý - Thiên Cầm: “ Ba năm, em có dịp trở lại đây nhưng chẳng thấy có gì mới trong hệ thống tổ chức văn hóa về du lịch của quê nhà. Hà Tĩnh ta có nhiều sản phẩm nổi tiếng không kém gì các địa phương khác như cà muối, củ kiệu dầm, rươi Nghi Xuân, nhút Hương Sơn, Vũ Quang, nước Dam (cua đồng) Vũ Quang, Đức Thọ, cu đơ Cầu Phủ, dưa bở Bãi Ngang, khoai lang Mộc Bài… Sao chúng ta không có một chiến lược dài hơi để những đặc sản này đến được với các khách sạn, nhà hàng ở các điểm tham quan, du lịch?”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng cũng là một người con Hà Tĩnh, hiện ông đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội, nói rất có lý: “Hà Tĩnh ta chưa coi trọng đúng mức văn hóa lưu niệm. Các sản phẩm lưu niệm ở ta rất manh mún, tản mạn, không có điểm nhấn, thiếu ấn tượng. Tất cả nói lên tính bột phát, nghĩ sao làm vậy của người dân mà chưa có sự vào cuộc một cách bài bản của ngành văn hóa - du lịch”.
Mong sao qua bài viết ngắn ngủi, mang suy nghĩ của cá nhân này sẽ có ích, gợi mở cho các nhà quản lý và các địa phương làm du lịch có thêm ý tưởng, đưa mặt hàng lưu niệm trở thành một sản phẩm không chỉ góp phần giới thiệu văn hóa - lịch sử - con người của Hà Tĩnh mà còn là một nguồn thu đáng kể cho quê hương.
Khắc Hiếu
Tin mới cập nhật
- Bế mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII ( 09/07)
- Bác Hồ sửa di chúc - Triết lý sửa mình của người cách mạng ( 09/07)
- Xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở nước ta hiện nay ( 09/07)
- Sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam ( 09/07)
- Sức sống trên công trường Formosa ( 09/07)
- Ban Nội chính Tỉnh uỷ - Từng bước khẳng định vai trò, vị thế ( 09/07)