Kinh nghiệm xây dựng mô hình điển hình "dân vận khéo" ở Đức Thọ
EmailPrintAa
15:51 09/07/2014

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, trong những năm qua, cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể huyện Đức Thọ đã thường xuyên quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” (DVK).

Toàn huyện Đức Thọ  có 1.239 mô hình từ cơ sở đăng ký và được cấp trên giao chỉ tiêu thực hiện. Trong đó mô hình trên lĩnh vực kinh tế có 340 mô hình, lĩnh vực văn hóa- xã hội có 376 mô hình, lĩnh vực quốc phòng- an ninh có 143 mô hình, lĩnh vực xây dựng nông thôn mới 174 mô hình, lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có 206 mô hình.

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, nên số mô hình thành công đạt tỷ lệ khá cao. Khối xã, thị trấn có 741 mô hình chỉ đạo thành công, đạt 71,2%; khối cơ quan, trường học có 162 mô hình chỉ đạo thành công, đạt 81,8%. Có 07 tập thể, 14 cá nhân được tặng giấy khen của BCH Đảng bộ huyện, 60 tập thể và cá nhân đạt mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu năm 2008 – 2013, BTV huyện ủy biểu dương, vinh danh.

Có rất nhiều mô hình đạt hiệu quả rõ nét, có sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều mô hình đã thể hiện rõ vai trò khéo vận động, tuyên truyền, cổ vũ của các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị như: việc khéo vận động các gia đình ở phía trong, phía sau ủng hộ các gia đình ở phía trước xây dựng lại tường rào, làm lại cổng mới do tự nguyện giải tỏa, giải phóng mặt bằng mở rộng đường giao thông nông thôn, để phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; khéo vận động linh mục, chức sắc, chức việc trên địa bàn huyện tham gia các hoạt động xã hội của UB MTTQ huyện; khéo tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ vận động nhân dân quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, góp phần bảo đảm sự bình yên trên địa bàn huyện của Đội xây dựng cơ sở, Công an huyện ; khéo nêu gương, thuyết phục, vận động nhân dân của đồng chí Nguyễn Văn Trúc - Bí thư chi bộ thôn công giáo toàn tòng để xây dựng khu dân cư vùng giáo an toàn, không có người vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội đạt khu dân cư kiểu mẫu…

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của huyện Đức Thọ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã 02 lần tặng Bằng khen cho Đảng bộ huyện Đức Thọ vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo”.

Có được thành tích trên trước hết xuất phát từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị huyện nhà. Hàng năm Ban chỉ đạo phong trào thi đua “DVK” đều tiến hành họp, đánh giá, tổng kết công tác năm, triển khai nhiệm vụ năm tới và thời gian tới ; kịp thời kiện toàn, bổ sung BCĐ nếu có thay đổi về nhân sự; phân công nhiệm vụ các thành viên BCĐ cho đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở, các ngành triển khai thực hiện một cách cụ thể, thiết thực, nhất là hướng dẫn các cơ sở đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, tổ chức duyệt đăng ký của các đơn vị, đồng thời giao chỉ tiêu cho mỗi xã, thị trấn xây dựng tối thiểu 5 mô hình, điển hình; mỗi cơ quan, trường học tối thiếu 2 mô hình, điển hình. Mô hình được giao bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, đáp ứng yêu cầu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hướng trọng tâm là đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đi đôi với việc đăng ký thực hiện từ cơ sở, giao chỉ tiêu là tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Cụ thể: sau khi có Quyết định của Ban thường vụ Huyện uỷ, Ban Dân vận Huyện uỷ kịp thời tham mưu cho Thường trực Huyện uỷ ban hành văn bản phân công cán bộ Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện, đồng thời báo cáo tiến độ, thuận lợi, khó khăn trong quá tình thực hiện đối với từng mô hình cụ thể để có giải pháp bổ cứu kịp thời. Các cán bộ được phân công đã tích cực khâu nối, gắn kết với cơ sở, vừa động viên, vừa gợi mở giúp cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất với các cấp, các ngành liên quan lồng ghép các chính sách để tạo điều kiện cho các mô hình được hình thành, phát triển và lan toả ra diện rộng. Thông qua đi cơ sở, bám nắm cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của công tác Dân vận, về ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng của việc thực hiện phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “DVK” đặc biệt là tác dụng, lan toả của những mô hình tiêu biểu.

Khen thưởng và động viên kịp thời đã có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua. Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 32- CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh uỷ, cùng với việc khen thưởng, thường xuyên hàng năm nhân dịp Hội nghị tổng kết hoạt động năm, Ban thường vụ Huyện uỷ đã 02 lần tổ chức hội nghị vinh danh mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, lần thứ nhất vinh danh 50 mô hình tiêu biểu vào tháng 11/2010, lần thứ 02 vinh danh 60 mô hình tiêu biểu vào tháng 9/2013.

Trong thời gian tới huyện Đức Thọ xem việc tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” là một nhiệm vụ, một giải pháp trọng tâm. Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy nhiệm vụ chính trị. Với nhiều giải pháp đồng bộ như: Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của công tác Dân vận, về “Dân vận khéo”, xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khoá XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Dân vận trong tình hình mới”, Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ huyện khoá (XXVIII) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Dân vận giai đoạn 2013- 2020 và những năm tiếp theo” ; Xác định việc xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng – an ninh , xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt xem đây là một trong những giải pháp căn  bản để thúc đẩy nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ; Chỉ đạo xây dựng được nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: Thi đua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, hiến đất, hiến tài sản, thực hiện Chỉ thị 05, Chỉ thị 20 của ban thường vụ Tỉnh uỷ, Quyết định 33 của UBND tỉnh, tăng cường cải cách hành chính, xây dựng cơ quan, đơn vị, công sở văn minh; Xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện Nghị quyết TW4 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Các cơ quan thông tin tuyên tủyền thường xuyên, kịp thời tuyên truyền các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu để phát động phong trào nêu gương, học tập, làm theo ; Đề cao vai trò trách nhiệm của BCĐ các cấp gắn với trách nhiệm triển khai thực hiện của MTTQ và các đoàn thể nhân dân từ huyện đến cơ sở, làm cho phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trở thành phong trào hành động cách mạng thường xuyên, sâu rộng trong nhân dân.

                                                                                                                               Đặng Đình Kỳ

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy


    Ý kiến bạn đọc