Mặt trận Tổ quốc hướng mạnh về cơ sở
EmailPrintAa
16:18 09/07/2014

Trong nhiệm kỳ qua, thực hiện Kết luận 62-KL/TW của Bộ Chính trị Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp ở Hà Tĩnh đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở với phương châm sâu sát cơ sở, gần dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân hiểu và làm cho dân tin. Nhờ vậy, đã tập hợp, quy tụ được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
 

Việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ngày càng đi vào chiều sâu, sát với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn MTTQ các cấp triển khai thực hiện với những nội dung và giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn khu dân cư gắn với xây dựng nông tôn mới, đô thị văn minh.

Hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, MTTQ các cấp đã tích cực phối hợp tuyên truyền, làm chuyển biến về nhận thức và nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân; vận động nhân dân, các doanh nghiệp, huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới 3 năm qua ước đạt 23.000 tỷ đồng. Từ 2010 đến nay, MTTQ các cấp phối hợp vận động được 45.353 hộ dân tự nguyện hiến 4.116.935 m2 đất, huy đông nội lực 1.172,7 tỷ đồng, đóng góp 4.172.429 ngày công để cứng hóa 3.120,6 km đường GTNT, kiên cố hóa 274,5 km kênh mương nội đồng; xây dựng mới 54 nhà văn hóa cấp xã, 315 nhà văn hóa cấp thôn; nâng cấp, sữa chữa 189 trường học; làm mới, nâng cấp 30 chợ; 235/235 xã có trạm y tế, trong đó 97,7% trạm y tế được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, 88,1% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; đóng góp hàng trăm ngàn ngày công lao động giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng và các hỗ trợ khác quy ra tiền giá trị trên 1.737 tỷ đồng chiếm 7,5%. Đến nay, toàn tỉnh đã có 84 đơn vị đỡ đầu 106 xã; 225 đơn vị, tổ chức, cá nhân tài trợ cho 96 xã với tổng kinh phí hỗ trợ cho các xã trên 329 tỷ đồng. Phong trào đó đã góp phần xoá đói, giảm nghèo (riêng năm 2013 giảm 3,45%), nâng cao đời sống của nhân, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị.

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, MTTQ các cấp đã phối hợp đẩy mạnh phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, gia đình “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Đến nay, toàn tỉnh có 34% làng, 85% khối phố văn hoá; 72,7% gia đình văn hóa,18,6% gia đình thể thao; làng văn hóa đạt 34%, tổ dân phố văn hóa đạt 85%; tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia 2 mức độ đạt 97%, trong đó mức độ 2 đạt 40,8%. Phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ngày càng được quan tâm; các điểm vui chơi, hội họp ở khu dân cư từng bước đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, 99,2% khu dân cư có nhà văn hóa đảm bảo yêu cầu theo quy định. Các câu lạc bộ văn nghệ được thành lập ở khu dân cư với nhiều hình thức khác nhau và hoạt động có hiệu quả. Hàng năm MTTQ các cấp phối hợp tổ chức Liên hoan, Hội diễn văn nghệ, góp phần tạo không khí thi đua thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở các khu dân cư.

Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tậpđược cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp quan tâm, chỉ đạo và phát triển mạnh ở nhiều địa phương, cơ sở và dòng họ. 5 năm qua đã huy động được 87 tỷ đồng, trao tặng hơn 320 ngàn lượt giáo viên và học sinh vươn lên học tốt và dạy tốt.

Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế cộng đồng ngày càng được chú trọng. Công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt; tỷ lệ hộ cận nghèo tham gia BHYT đạt 100%, tỷ lệ BHYT toàn dân đạt 65%. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được MTTQ các cấp quan tâm phối hợp thực hiện có tiến bộ. Toàn tỉnh đã thành lập được 314 mô hình “CLB không sinh con thứ 3”, 1.014 khu dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên.

MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, phong trào “Xây dựng khu dân cư 3 không”; xây dựng và duy trì các mô hình “khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, hoạt động các tổ tự quản vệ sinh môi trường tại các khu dân cư; nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Đến nay 846 thôn có Tổ tự quản vệ sinh môi trường, 1.174 thôn có điểm tập kết, bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh; xây dựng được 4.182 hầm khí sinh học Biogas xử lý chất thải chăn nuôi, 1.903 Tổ tự quản đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần giữ gìn vệ sinh trên địa bàn khu dân cư.

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội tiếp tục được MTTQ các cấp phối hợp thực hiện có hiệu quả. Trong 5 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp vận động đượctrên 171 tỷ đồng; đã kịp thời hỗ trợ hộ nghèo xây dựng, sửa chữa 17.407 nhà “Đại đoàn kết” với số tiền trên 121 tỷ đồng, thăm tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi, người nghèo khám, chữa bệnh, hỗ trợ phát triển sản xuất… với số tiền trên 19 tỷ đồng. MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên quan tâm, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách; động viên các gia đình phát huy truyền thống yêu nước, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của địa phương. Phối hợp vận động, quyên góp ủng hộ các loại quỹ từ thiện, nhân đạo được gần 119 tỷ đồng, tặng 837.091 suất quà, hỗ trợ làm 3.258 nhà ở; giúp đỡ người già, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

"Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" (18/11) gắn với kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam ở khu dân cư được tập trung chỉ đạo và thực hiện hiệu quả. Hàng năm, 100% các khu dân cư đã tổ chức "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc"; nhiều khu dân cư đã duy trì tổ chức được bữa cơm “Đại đoàn kết”. Nội dung "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ngày càng phong phú, chất lượng tổ chức Ngày hội được nâng cao qua từng năm. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp đã tham mưu cấp uỷ phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện cùng về dự, tăng cường gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” thật sự trở thành ngày hội của toàn dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khai thác tiềm năng sức mạnh của cả cộng đồng; là dịp để biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tôn vinh các gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá", "Khu dân cư văn hóa". Đồng thời, là dịp để cán bộ, công chức, những người con quê hương công tác trong và ngoài tỉnh về dự sinh hoạt với nhân dân, tạo thêm sự gắn kết trong cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm với quê hương.

Chú trọng chỉ đạo Ban Thanh tran nhân dân (TTND) xã, phường, thị trấn­ tham gia công tác giám sát ở cơ sở; tập trung giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; quản lý đất đai, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; thực hiện chính sách xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Các Ban TTND đã tham gia giám sát 5.729 cuộc; kiến nghị chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 6.331 vụ việc, đã có 4.297 vụ việc được các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý; kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước hàng tỷ đồng. Tiếp nhận 117 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết những đơn thư khiếu nại - tố cáo ngay từ cơ sở. Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được thực hiện tốt, từ 2009 - 2013 trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận hòa giải 15.324 vụ việc, trong đó: số vụ việc hòa giải thành 12.586 vụ đạt 82,1%. Toàn tỉnh có 2.173 tổ hòa giải hoạt động có hiệu quả. Công tác vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương pháp luật, thực hiện dân chủ ở cơ sở được thực hiện tốt. Đến nay, đã có 100% KDC xây dựng hương ước, quy ước. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở KDC được chú trọng; Tổ tự quản ở khu dân cư bước đầu hoạt động đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục và vận động nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở các khu dân cư còn hạn chế. Việc nắm bắt tình hình nhân dân có lúc, có việc chưa kịp thời. Hiệu quả phối hợp chương trình hành động với các tổ chức thành viên, các sở, ngành trong việc tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, xây dựng nông thôn mới chưa cao. Chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" ở một số địa phương còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ hòa giải cơ sở một số nơi còn hạn chế. Công tác giám sát của MTTQ và các thành viên các cấp ở một số khu dân cư còn hạn chế.

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh xác định phương hướng, nhiệm vụ, chương trình hành động của MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2009 - 2014 là tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp theo phương châm hướng mạnh về cơ sở. Tăng cường củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy khu dân cư làm trung tâm triển khai, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Thực hiện tốt hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân và hiệu quả giám sát, phản biện xã hội góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Không ngừng xây dựng và củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới. Tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò của MTTQ Việt Nam, vượt qua khó khăn thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới vì sự phát triển bền vững của tỉnh Hà Tĩnh.

                                                                                              Từ Văn Diện - Ủy viên BTV Tỉnh ủy

                                                                                                   Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh


    Ý kiến bạn đọc