Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đảm bảo chính xác, công bằng
EmailPrintAa
15:19 07/10/2014

Hà Tĩnh là mảnh đất địa linh nhân kiệt, là hậu phương tiền tuyến lớn; người dân Hà Tĩnh vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Hà Tĩnh đã có hàng vạn người con lên đường nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc. Để ghi nhận công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
 

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, Hà Tĩnh triển khai tích cực, kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công, tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến; huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ về nhà ở, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, thăm hỏi, trợ cấp khó khăn, học tập cho thân nhân người có công, gia đình chính sách… Qua đó, tạo điều kiện động viên những thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong tỉnh nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Đến nay, tỉnh đã xác nhận, giải quyết chế độ chính sách cho 297.243 hồ sơ đối tượng người có công với cách mạng gồm: 2.185 hồ sơ Người hoạt động kháng chiến trước ngày 01/01/1945; 890 hồ sơ người hoạt động kháng chiến từ ngày 01/01/1945 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945; 787 hồ sơ đối tượng được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 28.460 hồ sơ liệt sĩ; 37.199 hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 9.964 hồ sơ bệnh binh, 7.151 hồ sơ người nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, 590 hồ sơ người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày; 209.987 hồ sơ người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương (số liệu có đến tháng 9 năm 2014). Hằng năm, chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trên 50.000 đối tượng với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.

Tích cực triển khai Tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công

Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công với cách mạng một cách đồng bộ, nhanh gọn, khách quan, chính xác thu hút sự quan tâm hưởng ứng và đồng tình của nhân dân và các đối tượng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU, ngày 17/3/2014 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 126/KH-UBND ngày 07/4/2014 về triển khai Tổng rà soát và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Quyết định số 836/QĐ-UBND ngày 28/3/2014 thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc; Công văn số 41/UBND-BCĐ ngày 02/7/2014 về việc tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc Tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công; Uỷ ban MTTQ tỉnh, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Tỉnh đoàn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng nhiệm vụ đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc và phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo, phối hợp thực hiện. Tại cơ sở, sau hội nghị triển khai tập huấn của Trung ương, của tỉnh, Phòng Lao động, Thương binh - Xã hội và Uỷ ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền ban hành kế hoạch, chỉ thị; tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện; 262 xã, phường, thị trấn thành lập Ban rà soát, có 2.157 thôn, xóm, tổ dân phố thành lập tổ rà soát.

Ban Chỉ đạo tỉnh phát hành gần 3.000 cuốn sổ tay tài liệu tóm tắt một số nội dung cơ bản về chính sách người có công để phục vụ công tác tổng rà soát; triển khai tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ tổng rà soát với 49 cuộc, 14.000 lượt người tham gia; thành lập các đoàn trực tiếp xuống tận thôn, xóm, xã, phường, thị trấn giám sát, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch tổng rà soát; đến nay cơ bản rà soát xong ở cấp xã, các huyện, thành phố, thị xã đang tổng hợp báo cáo và chuẩn bị tổ chức sơ kết và công bố kết quả cấp huyện, trong đó huyện Thạch Hà đã rà soát xong và sơ kết công bố kết quả;

Nhìn chung các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã bám sát chủ trương, nội dung tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể bài bản, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Tuyên truyền mục đích, yêu cầu, nội dung, kế hoạch tổng rà soát trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài phát thanh, đài truyền hình của huyện; phối hợp Ban Tuyên giáo huyện ủy tuyên truyền, hướng dẫn cho đội ngũ báo cáo viên cấp huyện. Đặc biệt, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh các xã, phường, thị trấn và khu dân cư thường xuyên phát 02 buổi/ngày trong thời gian rà soát để đối tượng, nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng, tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia, tạo điều kiện cho việc thực hiện.

Thông qua công tác tổng rà soát thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công với cách mạng; thể hiện tinh thần đoàn kết, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc cùng chăm lo cho người có công. Từ đó nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, nhận thức của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị xã hội trong chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đồng thời thông qua đợt rà soát nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, công tác quả lý, chi trả trợ cấp ưu đãi và khắc phục những hạn chế, thiếu sót, bất cập trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng để kiến nghị, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách người có công.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc Tổng rà soát vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; Một bộ phận cán bộ, đảng viên, một số thành viên tổ rà soát và người dân chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa việc tổng rà soát; Công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo đôn đốc của một số thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã còn nhiều hạn chế, trách nhiệm chưa cao, chưa thường xuyên bám sát cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, chưa vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt, cá biệt một số đơn vị chủ yếu phó mặc cho Ban công tác Mặt trận thôn, cán bộ chính sách cấp xã và cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; danh sách những người tham gia cách mạng không còn giấy tờ các đơn vị đưa vào xem xét giải quyết chính sách với số lượng lớn, Ban rà soát cấp huyện chưa thẩm định kỹ, chưa căn cứ vào điều kiện tiêu chuẩn theo quy định tại các văn bản quy định hiện hành để xem xét đưa vào danh sánh đề nghị.

Tiếp tục thực hiện Tổng rà soát đảm bảo tiến độ, chính xác, công bằng

Để thực hiện tốt các chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thực hiện Tổng rà soát đảm bảo tiến độ, đạt kết quả chính xác, chất lượng, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Kế hoạch tổng rà soát, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng.

Thứ hai, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thẩm định kết quả rà soát; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng, đặc biệt là hoàn thiện hồ sơ phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể các chế độ, chính sách sau tổng rà soát, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng được tiếp cận và thụ hưởng chính sách kịp thời.

Thứ ba, các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, các đơn vị được phân công theo kế hoạch, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã để thẩm định kết quả, tổng hợp báo cáo kết quả Tổng rà soát và tổ chức sơ kết công bố kết quả đảm bảo thời gian theo kế hoạch đề ra. Đồng thời phối hợp kiểm tra, xác minh những đối tượng hưởng sai chế độ, những người tham gia cách mạng nhưng chưa được hưởng chính sách được phát hiện qua rà soát để kiến nghị, tham mưu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, UBND tỉnh có phương án giải quyết sau rà soát; báo cáo kết quả rà soát và sau rà soát theo quy định.

Thứ tư, tham mưu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, các ngành được phân công theo chức năng nhiệm vụ có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo thực hiện Tổng rà soát. Tăng cường công tác thẩm định, tổng hợp số liệu chính xác, đảm bảo đúng quy trình, tiến độ, đúng đối tượng để sơ kết công bố kết quả rà soát theo kế hoạch.

Thứ năm, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục phối kết hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Tổng rà soát và thực hiện chính sách ưu đãi người có công tại cơ sở.

Triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần thực hiện tốt các chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Võ Xuân Linh - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH


    Ý kiến bạn đọc