Vài suy nghĩ về văn hóa trong Đảng
EmailPrintAa
15:44 07/10/2014

Kế thừa và phát huy tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ chín (khóa XI) một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh quan trọng cho công cuộc phát triển đất nước bền vững. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa”.

Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, trong xây dựng văn hóa, phải lấy xây dựng và phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống lành mạnh làm trọng tâm. Xây dựng môi trường văn hóa xã hội làm cốt lõi. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nền văn hóa mà ta xây dựng với đặc trưng tiêu biểu là dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học. Với nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập, dân tộc và CNXH dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh hoa văn hóa nhân loại, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, tất cả vì tự do, hạnh phúc và sự phát triển phong phú, toàn diện cho mỗi con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và tự nhiên”. Muốn đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải chủ động đấu tranh phòng chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đối chiếu với Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) và lời dạy của Người, chúng ta tự xem xét, nhìn nhận một cách nghiêm túc trong mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên về quan điểm đường lối, tư tưởng và việc làm của mình, nhằm phát huy những tư tưởng tiến bộ, những mặt tích cực, “do dân, vì dân” và khắc phục những khuyết điểm, sai lầm trái với “đạo đức”, “văn minh” của Đảng.

Trước hết nói về đường lối, quan điểm, mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước lên tầm cao mới thì phải nói Đảng ta đã và đang đi tiền phong, đã làm nổi bật tinh thần nhân văn rõ rệt. Điều đó được thể hiện: trong Nghị quyết của Đảng và trong Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân đều được nhấn mạnh. Thực tiễn trong đời sống, có không ít những cán bộ, đảng viên, những tổ chức đảng đã nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu, biết hi sinh lợi ích của cá nhân mình, đóng gópmột phần công sức để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh... Nổi bật nhất là trong việc thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng NTM, thời gian qua đã có nhiều tấm gương tiêu biểu của cán bộ, đảng viên đi đầu trong việc hiến đất đai, công trình, vườn tược của mình cho việc mở đường, xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội ở khắp các địa phương. Đó là một trong những nét đẹp văn hóa trong Đảng cần phải được phát huy.

Tuy vậy, nhìn tổng thể về các tổ chức đảng, về cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu trong hệ thống chính trị các cấp thì việc làm, hành vi, tác phong, thái độ, nhất là về bản lĩnh chính trị, kỷ cương, phép nước của một số người chưa thực sự là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo, trái lại họ còn gây ra không ít phiền hà, gây dư luận không tốt, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Không ít cán bộ, đảng viên đã làm những việc trái thuần phong mỹ tục, trái chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Ví như: vẫn còn hiện tượng cán bộ, đảng viên chưa đề cao được vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; ý thức kỷ luật lao động kém; vi phạm các quy định về sử dụng thời giờ làm việc, như: đi muộn, về sớm, đi quán uống cà phê, ăn sáng, uống rượu, bia,… trong giờ làm việc, đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác và uy tín của cơ quan, đơn vị. Thậm chí có một số cán bộ, đảng viên còn tham gia đánh bạc, không thực hiện nghiêm túc các quy định, quy ước, hương ước của địa phương nơi cư trú, tác phong thiếu nghiêm túc, hành vi ứng xử và phát ngôn thiếu văn hoá, không tôn trọng nhân dân, doanh nghiệp… làm cho nhân dân bất bình. Vẫn còn tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong xã hội... Trước thực trạng đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết TW4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Qua học tập, thực hiện tuy đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng chưa thực sự bền vững. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, biến chất về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Trong sinh hoạt chi bộ, vấn đề tự phê bình và phê bình chưa được coi trọng để củng cố xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nhất là về tự phê bình và phê bình với tinh thần xây dựng, thương yêu đồng chí thực sự, đoàn kết thực sự vẫn còn là vấn đề hình thức. Thực trạng khi một người vi phạm khuyết điểm, sai lầm chưa ai tự giác báo cáo với tổ chức, mà phải qua tổ chức phân tích, đấu tranh nhiều lần họ mới chịu nhận khuyết điểm; bệnh quan liêu, chủ nghĩa cá nhân chưa được phê phán đúng mức. Thực trạng nhân viên chưa bao giờ giám phê bình thủ trưởng, dẫu rằng thủ trưởng làm những việc trái với quan điểm, đường lối của Đảng. Do đó việc sinh hoạt chi bộ còn mang nặng tính hình thức, sa vào sự vụ hành chính, chưa đi sâu vào công tác chính trị, tư tưởng, nhất là tinh thần tự phê bình và phê bình hầu hết chưa được phát huy. Trong thời gian tới, nếu không làm được điều đó thì vấn đề nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và sức chiến đấu của tổ chức Đảng không thể đạt hiệu quả. Hiện tượng đó trái với yêu cầu xây dựng văn hóa trong Đảng.

Hiên nay, chúng ta đang thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với chủ đề năm 2014 là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” đây chính là nét đẹp văn hóa trong Đảng. Vì văn hóa trong Đảng là sự thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân, nói cách khác là tinh thần vì Đảng, vì dân, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nào cũng nhận thức sâu sắc và quyết tâm thực hiện nội dung đó thì chắc chắn vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ được tăng cường, sức chiến đấu của tổ chức đảng sẽ được nâng cao. Làm tốt nội dung trên thì lòng tin của nhân dân đối với Đảng sẽ được củng cố vững chắc. Đó chính là biểu thị nét đẹp văn hóa của Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”.

Dương Xuân Thâu


    Ý kiến bạn đọc