Nguyễn Du (1765 - 1820)
EmailPrintAa
14:22 31/10/2014

Lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX liên tiếp là những xáo động đầy tính kịch, chứa chất bao nhiêu dâu bể. Đất nước chia cắt, Đàng ngoài nhà Lê, Đàng trong họ Nguyễn. Vua Lê từng có tiếng ân lộc lâu đời, thay trời trị dân, nhưng tất cả quyền hành nằm trong tay Chúa Trịnh. Một tầng lớp khá đông nho sĩ, mang tư tưởng Khổng Mạnh, phải bạc tóc, rạc người vì câu hỏi: Trung với vua hay với chúa? Tầng lớp quyết định sự thịnh suy của thời đại là nhân dân thì đói khổ, sức lực kiệt quệ vì xã hội rối ren, chế độ mục nát, lại vì thiên tai liên tiếp; bão lụt, hạn hán, côn trùng. Thương mại manh nha bắt đầu phát triển trên cái nền kinh tế ọp ẹp ấy nhưng cũng tạo nên được những trung tâm khá lớn: Thăng Long, Phố Hiến (phía Bắc), Hội An (phía Nam). Thương mại phát triển tác động tới các lĩnh vực khác, nhưng bên cạnh đó nó kéo theo những bi kịch do đồng tiền gây nên mà nạn nhân là tầng lớp nông dân, kẻ sĩ...
 
   

Tình trạng khủng hoảng trầm trọng ấy dẫn đến nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiếp xẩy ra, mà đỉnh cao là phong trào Tây Sơn. Quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ - Quang Trung, đã đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, tiêu diệt hai tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn. Quang Trung bắt đầu sự nghiệp phục hưng đất nước. Nhưng bao nhiêu dự định chưa được thực thi thì ông chết đột ngột, kéo theo sự sụp đổ của triều đại Tây Sơn. Đất nước về tay nhà Nguyễn, có phần ổn định, nhưng vẫn tiếp diễn cảnh khốn khổ của nhân dân.

Cuộc đời Nguyễn Du vắt qua các mốc lịch sử kể trên.

Ông sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu (theo gia phả) tức 3/01/1866 nhưng ta vẫn quen chép ông sinh năm 1765, ở Thăng Long trong một gia đình quý tộc lớn. Thân sinh ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775), làm quan đến Tham tụng (Tể tướng) tước xuân quận công triều Lê. Mẹ ông là Trần Thị Tần, quê ở xứ Kinh Bắc. Các anh ông đều đỗ đạt, làm quan to: Người anh cả (khác mẹ) là Tiến sĩ Nguyễn Khản (1734 - 1786) làm đến Thượng thư, Thiếu bảo, tước Toản quận công được chúa Trịnh Sâm rất yêu. Nguyễn Khản là tay phong lưu, giỏi thơ ca, âm luật. Môi trường trực tiếp ảnh hưởng đến tài năng của Nguyễn Du, ấy là cha, chú, anh, em đều tinh thông văn chương. Họ Nguyễn Tiên Điền thời bấy giờ không chỉ nổi tiếng về cao khoa hiển hoạn, mà còn nổi tiếng về văn học... Nguyễn Du và cháu gọi ông bằng chú ruột, Nguyễn Hành (1771 - 1824) là hai trong năm danh sĩ nổi tiếng đương thời.

Năm mươi năm ở đời, Nguyễn Du có mười năm sống trong nhung lụa. Xét về mặt thời gian vật chất, mười năm chẳng là bao. Còn thời gian tâm lý thì mười năm ấy so với bốn mươi năm còn lại thật dài.

Lên 10 tuổi mồ côi cha, 13 lại mồ côi mẹ, Nguyễn Du ở với người anh cả là Nguyễn Khản.

Năm Quý Mão (1783) ông thi hương đỗ Tam trường (tú tài) được tập ấm Chức Hoằng tín đại phu, Trung thành môn vệ úy, tước Du nhạc bá, rồi nối chức của người cha nuôi họ Hà, làm chánh thủ hiệu - một chức quan võ nhỏ ở Thái Nguyên.

Năm Kỷ Dậu (1789) - quân Tây Sơn tiến ra bắc diệt quân Thanh. Lê Chiêu Thống chạy sang Yên Kinh. Ba anh em Nguyễn Nễ, Nguyễn Du, Nguyễn Ức không kịp theo Chiêu Thống, ly tán mỗi người một ngả. Nguyễn Du về Thái Bình  ở nhờ (lần thứ hai ở nhờ) nhà người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn... Từ đó, thật ra là từ ba năm trước, 1786 khi quân Tây Sơn ra Bắc lần đầu - Nguyễn Du đã phải sống cuộc đời lưu lạc mà ông gọi là "Thập tải phong trần" mười năm gió bụi.

Bảy năm sau, 1796, Nguyễn Du trở về Tiên Điền. Chí phục thù sau bao năm nung nấu vẫn chưa nguôi. Mùa đông năm đó ông định vào Gia Định giúp Nguyễn Ánh, nhưng bị tướng Tây Sơn bắt giam. Sau nhờ trấn thủ Nghệ An có quen biết Nguyễn Nễ, anh cùng mẹ với Nguyễn Du nên ông mới được tha.

Vua Gia Long lên ngôi năm 1802, Nguyễn Du nằm trong danh sách cựu thần nhà Lê được triệu ra làm việc. Ông được bổ tri huyện Phù Dung, chỉ mấy tháng sau được thăng tri phủ Thường Tín. Nhưng năm 1804, ông cáo bệnh xin về. Cháu ông có làm bài thơ tặng, khen ông là "Dũng thối" (dũng cảm rút lui). Một tháng sau, ông lại bị triệu về kinh, rồi năm sau 1805 được thăng hàm Đông các học sĩ, tước du đức hầu. Năm 1807, sau khi được cử làm giám khảo trường thi hương ở Hải Dương, ông được bổ chức Cai bạ Quảng Bình. Năm 1813, sau một đợt nghỉ mấy tháng ở quê, ông lại bị triệu về kinh, thăng hàm Cần chánh điện học sĩ, và được cử làm Chánh sứ tuế cống triều Thanh (Trung Hoa). Đi sứ về, ông được phong Hữu tham tri bộ Lễ.

Năm 1820, vua Minh Mệnh lên ngôi, ông lại được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh cầu phong. Nhưng chưa kịp lên đường thì ông bị bệnh, mất ngày 10/8 năm Canh Thìn (16/9/1820).

Sự thăng tiến trên đường làm quan của Nguyễn Du khá thông đạt. Nhưng ông không mấy để tâm đến công danh. Sách "Chính biên liệt truyện" cho hay: Ông làm quan hay bị người trên chèn ép, không được thỏa chí, cho nên thường buồn rầu, đối với vua thì khi vào chầu ra về sợ sệt như không biết nói năng gì... Thật ra, không phải vậy. Nhà Lê mất, kéo theo sự sụp đổ, tan tác vọng tộc Nguyễn Tiên Điền. Người nho sĩ tài hoa Nguyễn Du như thấy trước mắt mình là một khoảng trống, tình cảm, tư tưởng của ông chao đảo, day dứt, nhức nhối trước tình cảnh của mình, trước lẽ sống và thời đại. Trái tim ông chua xót, buồn thương, phẫn nộ trước "những điều trông thấy" khi sống lưu lạc, gần gũi với dân đen, và giữa chốn quan trường. Ông dốc tâm sự - dốc cả máu tim mình vào văn chương, thi ca.

Thơ ông là tiếng nói của chính trái tim mình. Đấy là tình cảm sâu sắc của ông đối với những kiếp người lầm lũi, cơ hàn, là thái độ bất bình rõ ràng của ông đối với các thế lực phản con người.

Xuất thân trong gia đình quý tộc, sống trong không khí văn chương bác học, nhưng ông có cách nói riêng, cách nói bình dân, ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, thấm đẫm chất dân ca xứ Nghệ. Phẩm chất con người ông, nhờ chất thi sĩ trong ông được hình thành những năm ly tán, sống với nhân dân, gần gũi với nhân dân, hòa điệu với thiên nhiên. "Nếu không có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời, thì làm sao có được bút lực ấy" (Mộng liên đường chủ nhân).

Về văn thơ Nôm, thì Truyện Kiều nay chưa thể khẳng định được ông viết vào thời gian nào, ở đâu. Các sáng tác còn lại có thể chia làm ba giai đoạn. Thời gian sống ở Tiên Điền - Nghi Xuân cho đến năm 1802, ông viết Thác lời trai phường nón... Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu. Hai tác phẩm văn Nôm này là hai bản tình ca, thể hiện rất rõ tâm tính của ông, sự hòa điệu tâm hồn của ông với thiên nhiên, với con người.

Ba tập thơ chữ Hán thì Thanh Hiên thi tập gồm 78 bài, viết lúc ở Quỳnh Côi và những năm mới về Tiên Điền, là lời than thở về cuộc sống long đong, là tâm sự, là thái độ nhà thơ trước cảnh đời loạn lạc. Người đọc gặp sự chán chường của ông, sự chao đảo trong niềm tin của ông, sự đau xót của ông, sự bế tắc của ông. Ông muốn ở ẩn, ông muốn trốn vào tôn giáo, muốn hành lạc... Trái tin nhân nghĩa, rộng lớn đầy khao khát của ông đã đồng cảm sâu sắc với tình cảm của nhân dân và được nhân dân đồng cảm.

Sau năm 1809, những sáng tác thơ của ông tập hợp trong tập Nam trung tạp ngâm gồm 40 bài. Cảm hứng sáng tác của ông, tâm sự, nỗi niềm của ông vẫn là cảm hứng, tâm sự, nỗi niềm trong Thanh hiên thi tập. Có điều, trong Nam trung tạp ngâm, tiếng thở dài trước hiện thực dài hơn, tâm sự u uất hơn, bế tắc hơn.

"Trên lối cũ gió lạnh dồn vào một người

Đêm tối mù mịt không biết bây giờ là bao giờ"

Đến Long Thành cầm giả ca, Bắc hành tạp lục, viết trên đường đi sứ Trung Hoa, thực chất tư tưởng của Nguyễn Du mới rõ dần. Ngoài nỗi xót thương, ngậm ngùi nghĩ đến cuộc đời bể dâu, nhớ kim, thương cổ người ta nghĩ đến thái độ của ông đối với Tây Sơn, đối với nhà Lê.

Tư liệu hiện thực, nguyên liệu xã hội trong Bắc hành tạp lục, hầu hết của Trung Quốc, cũng như Truyện Kiều, Bắc hành tạp lục là văn chương mượn chuyện người nói chuyện mình. Ông thương những kẻ bất hạnh, từ em bé mồ côi, cô gái mại dậm, kẻ ăn xin, người dân quê tần tảo, người lính chiến chinh... Ông ghét bọn vua quan, tướng lĩnh tham lam, phản trắc, ghét bọn trọc phú hợm hĩnh, ghét bọn bán nước như Tần Cối, bọn cướp nước như Trương Khiên, Mã Viện, Minh Thành tổ. Ông kính phục những người trung nghĩa, những bậc tài đức như Khuất Nguyên, Bùi Độ, Tỷ Can, Nhạc phi...

Nguyễn Du là nhà thơ sống hết mình, chan chứa nhân ái, hiểu mình, hiểu đời, nóng bỏng khát khao cuộc sống hình yên cho dân tộc, cho nhân dân. Truyện Kiều, tác phẩm ông viết bằng tất cả tư tưởng và tình cảm của ông với một bản lĩnh siêu việt đã đặt ông vào vị trí bậc thầy về nhân thế, về tình yêu, về ngôn ngữ mà gần hai trăm năm qua chưa một ai sánh được. Tiếp nhận các tác phẩm của Nguyễn Du là một vấn đề mở và Truyện Kiều mãi mãi vẫn là một sự không cùng.

Đã hơn một trăm chín mươi năm, nhà thơ tài năng lỗi lạc của bao thế hệ người Việt yên nghỉ trong lòng đất Tiên Điền, Nghi Xuân. Hơn một trăm chín mươi năm, không lúc nào vắng bóng người đến với ông, không khi nào hương khói nguội lạnh trên nấm mộ ông, không khi nào thiếu vắng sự tôn vinh, yêu quý, tìm hiểu về sự nghiệp và tác phẩm của ông.

Ngày nay Khu lưu niệm Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là Di tích Quốc gia đặc biệt của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đức Ban


    Ý kiến bạn đọc