Phản biện không phải là nói ngược
EmailPrintAa
14:31 31/10/2014

Phản biện, theo nghĩa hẹp là lật ngược lại vấn đề để bàn bạc trao đổi, đánh giá, suy xét ở nhiều góc cạnh, nhiều phương diện để xem vấn đề có đáp ứng được yêu cầu, mục đích đã đề ra. Hiểu theo nghĩa rộng, phản biện khoa học phải đáp ứng được tối thiểu những yêu cầu sau:

- Đánh giá ý nghĩa khoa học của vấn đề (thỏa mãn tính cấp thiết, tính chiến lược, tính thời sự, tính thực tiễn).

- Đánh giá những đóng góp mới, những mặt thành công của vấn đề.

- Đánh giá những mặt hạn chế, thiếu sót, bất cập...

- Chỉ ra những triển vọng tích cực của vấn đề...

- Chỉ ra cách khắc phục những hạn chế, thiếu sót...

- Nhận xét chung về hiệu quả của vấn đề (hiệu quả khoa học, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội).

Hiểu theo nghĩa rộng này chúng ta cần thống nhất rằng, để phản biện một vấn đề khoa học là công việc của các chuyên gia am hiểu sâu sắc về lĩnh vực mà họ được mời phản biện. Dĩ nhiên khoa học không là của riêng ai nên rất cần sự phản biện của toàn xã hội. Nhưng những căn cứ chính để đánh giá vấn đề khoa học đó phải là ý kiến của các chuyên gia, còn các ý kiến khác chỉ là để tham khảo.

Đánh giá cao vai trò của phản biện, phản biện xã hội nên Đảng ta rất quan tâm khuyến khích, tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học cũng như của toàn dân trong mọi vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Đây là một trong những minh chứng thể hiện tính dân chủ, tính khoa học trong sự lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa đường lối của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ghi rõ: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội” (tr.87). “Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội” (tr.242).

Tiếc rằng hiện nay có những ý kiến trên báo chí, mạng internet và dư luận chỉ cố tình hiểu phản biện theo nghĩa hẹp, thậm chí thu hẹp nội hàm khái niệm để nói ngược lại vấn đề. Điều này dễ gây ra dư luận không tốt, có khi làm “nhiễu” thông tin, đặc biệt là dễ bị kẻ xấu lợi dụng để thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc bản chất của vấn đề. Các vấn đề về đường lối đối ngoại, kế sách giữ nước, mở rộng dân chủ… của Đảng và Nhà nước ta nhận được nhiều ý kiến phản biện, đóng góp, bày tỏ tâm huyết với những vấn đề quốc gia đại sự. Chúng ta không nghi ngờ tâm huyết của những ý kiến đóng góp với đất nước, nhưng xét về góc độ khoa học thì không phải ý kiến đóng góp nào cũng có giá trị. Đơn giản, nhiều ý kiến đã quá suy diễn, “lo xa” không có căn cứ, móc nối chuyện cũ chuyện mới, chuyện lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Bên cạnh đó có cả các ý kiến thiếu tính xây dựng, chỉ muốn nói ngược, phủ nhận sạch trơn, phi khoa học, gây nhiễu loạn thông tin, khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Đánh giá một vấn đề có tính chiến lược bao giờ cũng phải dựa trên mô hình tổng thể, phản biện một khía cạnh nào đó của vấn đề cũng phải đặt vào hệ thống vĩ mô. Nếu các ý kiến mang danh phản biện mà không tôn trọng khoa học phản biện thì sẽ rơi vào tình trạng “Thầy bói xem voi”, không có lợi cho ổn định xã hội. Điều mà Đảng ta cần, dân ta cần là ở mỗi kế sách lớn, mỗi dự án lớn, mỗi “mặt trận” của đời sống có được một vị tổng chỉ huy, một người “nhạc trưởng” có tâm, có tầm, có tài, có uy tín xã hội. Người đó không những có năng lực phân loại, tiếp thu phản biện mà còn phải có trình độ phản biện lại các phản biện, chỉ rõ tính phi lý, thiếu thiện tâm của một vài ý kiến mang danh phản biện.

Phản biện không nên (và không thể) phủ nhận sạch trơn, vì bất kỳ một vấn đề khoa học nào cũng đã được Hội đồng khoa học thông qua để đưa ra xin ý kiến phản biện của toàn xã hội và nó đều có hạt nhân hợp lý, có cơ sở tồn tại. Ở lĩnh vực khoa học nào cũng vậy, để lập, rồi thông qua dự án khoa học đã là sự tổng hợp, điều chỉnh của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong ngành, không phải là sự ngẫu hứng của một vài người không có trách nhiệm. Vì vậy, phản biện bên cạnh tính khoa học, tính thực tiễn còn rất cần văn hóa phản biện, không nên mỉa mai, miệt thị nhau.

Động cơ của phản biện bao giờ cũng phải là tình yêu và trách nhiệm. Yêu cầu của phản biện bao giờ cũng là sự kết hợp giữa tâm huyết, tình cảm trong sáng với sự tỉnh táo, minh triết của trí tuệ mới có những phản biện đáng giá./.

Nguyễn Hải Thanh


    Ý kiến bạn đọc