Thầy giáo trẻ say mê sáng tạo phần mềm hỗ trợ công tác giáo dục
EmailPrintAa
14:32 31/10/2014

Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết quyết 09-NQ/TU, ngày 06/9/2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) “về phát triển khoa học - công nghệ giai đoạn 2002 - 2005 và những năm tiếp theo” của các huyện, thành, thi, tôi đặc biệt ấn tượng với người thanh niên có tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng thành tích sáng tạo khoa học khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng dạy và học đáng được ghi nhận và biểu dương, đó là thầy giáo Dương Đình Danh - giáo viên Trường tiểu học Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh.
 

Thấy giáo Dương Đình Danh (ngoài cùng bên trái) nhận Bằng khen tại Hội thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh năm 2013. Ảnh: P.V

 

Tốt nghiệp hệ cao đẳng, trường ĐH SPKT Vinh, khoa sư phạm Tin học, Dương Đình Danh từng vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên tặng Bằng khen về phong trào tình nguyện “Phổ cập tin học - Nối mạng tri thức” viết đơn tình nguyện lên công tác ở vùng thượng Kỳ Anh với mong muốn đưa kiến thức công nghệ thông tin đến các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Làm công việc “cõng tin học lên non” vốn rất khó, nhưng khó hơn nữa khi đối tượng là học sinh tiểu học ở một vùng được xem nghèo khó nhất huyện, cái bút, quyển vở nhiều lúc còn thiếu trăm bề huống chi bàn phím, trỏ chuột. Hơn nữa, ở lứa tuổi này, nếu chỉ cung cấp kiến thức từ sách giáo khoa, thiếu sự linh hoạt trong phương pháp giảng dạy thì sẽ gây cho các em sự nhàm chán, mệt mỏi, hiệu quả học tập giảm sút. Trăn trở, đam mê và không muốn kiến thức lập trình đã được trang bị ở trường đại học bị mai một, thầy giáo trẻ Dương Đình Danh đã nuôi ý định viết các phần mềm kết hợp giữa các hình ảnh sinh động và cung cấp thông tin để hỗ trợ cho công tác giảng dạy.

Bắt tay vào công việc mới thấm thía nỗi vất vả, khó khăn của người làm khoa học kỹ thuật, không có thời gian, kinh nghiệm lại chưa nhiều, bản thân phải tự giải quyết hết tất cả các khâu để hoàn thiện một phần mềm. Thế nhưng, thầy giáo Dương Đình Danh bằng trí tuệ, sự cần mẫn và tâm huyết với nghề đã vượt lên tất cả.

Nhiều phần mềm khoa học kỹ thuật của thầy được đánh giá cao và ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn giáo dục. Phần mềm “Giảng dạy Lịch sử - Địa lý” sau khi Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật công nhận sáng tạo khoa học; Phòng Giáo dục & Đào tạo phê duyệt đã được ứng dụng đại trà vào công tác giảng dạy Lịch sử - Địa lý ở Trường tiểu học Kỳ Sơn và một số trường khác trên địa bàn huyện. Áp dụng phần mềm này, hiệu quả các tiết học tăng lên rõ rệt, học sinh tích cực và hứng thú hơn khi tìm hiểu về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, từ đó khắc sâu hơn nội dung bài học. Phần mềm “Trò chơi dân gian Việt Nam” được Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh cấp giấy chứng nhận và hầu hết các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện triển khai, áp dụng vào thực tiễn. Gần đây nhất, năm 2013, phần mềm “Giáo dục biển, đảo Việt Nam” của thầy được hội đồng khoa học của tỉnh đánh giá cao về ý tưởng; quy mô thông tin và hình ảnh; khả năng ứng dụng tốt vào công tác giảng dạy ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Chia sẻ động lực nghiên cứu phần mềm này, thầy giáo trẻ tâm sự: “Tôi muốn qua các tiết học về biển, đảo khơi dậy ở các em học sinh tình yêu và trách nhiệm bảo vệ biển, đảo quê hương bằng những việc làm gần gũi và thiết thực nhất”. Cũng theo thầy giáo đề tài này có khả năng mở rộng nhiều hướng khác như giáo dục môi trường biển đảo, diễn đàn tự giác xây dựng biển đảo của lớp trẻ... Giáo dục ý thức về biển, đảo Việt Nam là việc làm quan trọng và đặc biệt cần thiết trong thời điểm hiện nay, khi tình hình thế giới và khu vực có những biến động phức tạp, khó lường; khi Trung Quốc đang thực hiện mưu đồ độc quyền xâm chiếm Biển Đông trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.                                                                                                              

Những phần mềm tin học của thầy giáo Dương Đình Danh đã đạt giải cao ở các hội thi trong nhiều năm liền: giải Nhất ở Hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp huyện, giải Nhì cấp tỉnh và được tham gia vòng chung kết Hội thi sáng tạo Khoa học - kỹ thuật toàn quốc vào năm 2013. Năm 2014, anh vinh dự được UBND tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác giáo dục và sáng tạo khoa học - kỹ thuật. Có được thành tích trên ngoài trí tuệ và nỗ lực của bản thân thầy giáo Dương Đình Danh, phải kể đến sự hậu thuẫn, hỗ trợ, giúp đỡ tích cực từ tập thể Trường tiểu học Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh. Thành công của thầy giáo Dương Đình Danh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bồi đắp thêm bề dày thành tích chung của nhà trường. Năm 2013, Trường tiểu học Kỳ Sơn được UBND huyện Kỳ Anh tặng giấy khen là một trong hai tập thể xuất sắc về công tác sáng tạo khoa học - kỹ thuật trong toàn huyện;Năm học 2012 - 2013, trường vinh dự được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ II, đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh và đón nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn.

Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn liền cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức tự học và sáng tạo”, thầy giáo Dương Đình Danh đang có nhiều dự định sáng tạo mới nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác giáo dục, trong đó thầy đặc biệt ấp ủ xây dựng một đội tuyển lập trình viên từ học sinh để cho ra những sản phẩm phần mềm mang màu sắc của học sinh...

Chia tay thầy giáo Dương Đình Danh, lắng đọng trong tôi niềm trăn trở đầy trách nhiệm của một người giáo viên trẻ đầy tâm huyết, trách nhiệm với nghề: “Trong quá trình lao động, nghiên cứu sáng tạo khoa học - kỹ thuật, tôi không sợ vất vả, không sợ khó khăn, chỉ mong muốn sau khi các tổ chức, ban, ngành ghi nhận một sáng tạo khoa học - kỹ thuật nào đó thì nên có một lộ trình để ứng dụng các sản phẩm vào thực tiễn. Nếu được như vậy thì chắc chắn bản thân tôi cũng như nhiều tác giả khác sẽ có nhiều động lực hơn trong công việc và sáng tạo”. Mong muốn và tin tưởng trong thời gian tới, thầy giáo Dương Đình Danh sẽ gặt hái được nhiều thành công trong dạy học cũng như trong nghiên cứu khoa học – kỹ thuật để tạo ra nhiều công trình phần mềm mới, phục vụ hiệu quả cho thực tiễn công tác, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng của ngành giáo dục tỉnh nhà./.

Võ Hồng Thắm


    Ý kiến bạn đọc