Tổ chức Hội giáo IS - cuộc chiến của Mỹ và đồng minh
EmailPrintAa
14:30 31/10/2014

Lịch sử ra đời của Tổ chức Hồi giáo IS

Sau sự sụp đổ của tổng thống Saddam Hussein vào năm 2003, đất nước Iraq trở nên hỗn loạn. Người Mỹ đã xây dựng một chính quyền mới với chủ trương loại bỏ đảng Bat của Tổng thống Saddam Hussein với đa số do bộ tộc người Sunni, đưa bộ tộc người Shia lên nắm quyền. Việc để lại các nhà nước hỗn loạn, sự loại bỏ một cách cực đoan đối với bộ tộc người Sunni, các chính sách của Mỹ và phương Tây không phù hợp với văn hóa, quyền lợi của khu vực đã đẩy nước Mỹ đối mặt với chủ nghĩa cực đoan và cơn thịnh nộ của thế giới Hồi giáo - khuynh hướng một phần được tạo nên từ chính những hành động của Mỹ. Các thanh niên Hồi giáo không việc làm, không hy vọng, những người đang trở nên phẫn nộ với chính phủ của họ và ngày càng coi Mỹ là một kẻ thù của đạo Hồi.

Đó là lý do chính khiến Iraq trở thành một mảnh đất của các tổ chức thánh chiến và Hồi giáo tập trung về đây hoạt động. Trong thời gian này đã hình thành tổ chức Tauhip của người Sunni (tiền thân của nhà nước hồi giáo tự xưng IS), do nhân vật người Gióc-đa-ni là Anzakauy lãnh đạo, lực lượng chủ yếu là các chiến binh nước ngoài với mục tiêu tấn công vào quyền lợi của Mỹ và tổ chức những người thuộc dòng ShiaIraq.

Tổ chức Tauhip trong thời gian đầu chưa gây được tiếng vang, vì đây là một tổ chức của người nước ngoài và chưa bám rễ được vào cộng đồng người Sunni… Tuy nhiên cùng với thời gian, tổ chức Tauhip đã chiêu mộ được những phần tử tại Iraq và người Iraq dần nắm được quyền kiểm soát tổ chức này. Đến 2007, chính thức đặt tên là nhà nước Hồi giáo Iraq(ISI), nhưng vẫn không gây được tiếng vang do còn có sự hiện diện mạnh mẽ của người Mỹ. Năm 2010, tổ chức này xuất hiện thủ lĩnh mới tên là Anbratdi (Anbratdi sinh 1971 tại Samara, miền trung Iraq trong 1 dòng họ, gia đình truyền thống về thuyết giáo, là một người có bằng tiến sỹ về đạo Hồi, rất thông hiểu về lịch sử và thơ ca, có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về đạo Hồi… là người uyên thâm về tôn giáo. Bên cạnh đó thì Anbratdi còn được biết đến là người có tầm nhìn chiến lược, có óc tổ chức và có sức thu phục rất lớn, là người có phương châm hành động rất tàn bạo… từng bị Mỹ bắt và cầm tù từ 2005 - 2009). Khi thành lập nhà nước Hồi giáo, thì Anbratdi tự phong mình là CALIPHE (vua - lãnh tụ) với mục tiêu là mở rộng lãnh thổ đến tất cả các nước có người Hồi giáo sinh sống. Năm 2012 tổ chức này đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Vùng cận Đông và cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda. Đến tháng 6/2014 họ đã đẩy mạnh đánh chiếm các thành phố có đông dân người Sunni sinh sống tại Iraq, đồng thời mở rộng hoạt động sang lãnh thổ Syria. Sau khi chuyển sang hoạt động tại Syria, người ta cho rằng tổ chức này được Mỹ hậu thuẫn tích cực về tổ chức, trang bị vũ khí và huấn luyện nhằm lật đổ chế độ của tổng thống Ba-xa An Át-sát. Đến 09/6/2014 họ lại đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo IS và đặt thủ đô tại thành phố Rac-Qua thuộc phía bắc Syria.

Sự ra đời của IS và Al-Qaeda có sự giống nhau kỳ lạ: Một là, nếu “An Kê-đa” đã từng là đồng minh chiến lược của Mỹ trên mặt trận chống Quân đội Liên Xô ở Áp-ga-ni-xtanvà sau đó trở thành “kẻ thù số 1” của Mỹ, thì ISIL cũng đã từng thuộc thành phần các lực lượng đối lập và từng được các nước phương Tây coi là “các chiến sĩ đấu tranh cho tự do và dân chủ” ở Syria để loại bỏ Tổng thống Ba-xa An Át-sát và ngay sau đó cũng trở thành “tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới”. Hai là, nếu chế độ cầm quyền Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan bị ném bom rải thảm sau sự kiện 11/9 chỉ vì không chấp nhận đề nghị của Mỹ thực hiện đề án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Trung Á đi qua lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan, thì Tổng thống Ba-xa An Át-sát cũng bị các nước phương Tây coi là “kẻ chuyên chế độc tài”, là “tên khủng bố khát máu” và là “Hít-le của thế kỷ XXI” cần bị loại bỏ chỉ vì ông ta không chấp nhận cộng tác với họ xây dựng tuyền đường ống dẫn khí đốt từ Trung Đông đi qua lãnh thổ Syria tới thị trường châu Âu.

Sau khi lên cầm quyền, Anbratdi tuyên bố tính hợp pháp của các tổ chức tôn giáo, nhà nước khác đều trở nên vô nghĩa khi quân của ông tiến vào, phủ nhận vai trò của các tôn giáo khác, kể cả các nhà nước Hồi giáo hiện nay và đưa ra 3 quyết định quan trọng: Một là, mở rộng lãnh thổ toàn Iraq và Syria; Hai là, đoạn tuyệt với tổ chức Al-Qaeda và tự cho mình đứng trên tổ chức này; Ba là, không ngừng chiêu mộ, tuyển quân trên khắp thế giới.

Về thực lực của IS?

Đến nay IS đã kiểm sóat 1/3 lãnh thổ Syria, 1/4 lãnh thổ Iraq (phía bắc Syria và phía tây bắc Iraq), nâng diện tích mà IS hiện kiểm soát trên 130.000 km2 , sở hữu trên 60 giếng dầu, 4 nhà máy điện. Nắm quyền kiểm soát 45% trữ lượng dầu thô của Syria. Quân của IS hiện có 20 ngàn đến 30 ngàn chiến binh (còn theo thông tin mới nhất của giới truyền thông từ Iraq thì IS có khoảng 30 nghìn quân hoạt động trên lãnh thổ Iraq và 50 nghìn quân hoạt động trên lãnh thổ Syria. Quân đội của IS được tuyển mộ khắp thế giới, hiện tại có khoảng 200 công dân Philippin, 200 công dân Inđônêxia, 100 công dân Malaixia, 100 công dân Trung Quốc, 100 công dân Mỹ, trên 500 công dân Anh và gần 1000 công dân Pháp đã đi theo IS, chưa kể những phần tử ngấm ngầm ủng hộ IS.

Nguồn tài chính IS thu được từ hoạt động bắt cóc tống tiền, từ bảo kê cho các gia tộc hồi giáo buôn bán, từ hoạt động tự nguyện quyên góp của các cá nhân và tổ chức… và lớn nhất là từ việc bán dầu thô. Số tiền bán dầu chảy vào túi IS mỗi ngày lên đến 2 - 3 triệu USD. Mỗi ngày IS bán được tới 30.000 thùng dầu với giá dao động quanh 25 - 65 USD/thùng, còn trên thị trường là 100 USD/thùng. Dầu được vận chuyển ra ngoài địa hạt của IS bằng các trung gian mối lái người Kurd, bán lại cho các khách hàng ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và cho chính quyền Assad của Syria. (Al-Qaeda chỉ cần 30 triệu USD mỗi năm để vận hành bộ máy khủng bố và 1 triệu USD để chi cho cuộc tấn công tòa Tháp đôi)

Phương thức hoạt động của IS

Trong thời gian gần đây, IS đã tiến hành tổ chức nhiều chiến dịch quân sự và khủng bố quy mô lớn tại Iraq và Syria, trong đó có cả việc sử dụng vũ khí hóa học. IS là thủ phạm của vụ thảm sát 700 người Bộ tộc Shia ở Syria, 500 người ở bộ tộc Iát Iji ở Iraq vào tháng 8/2014, thảm sát trên 700 binh sĩ Iraq vào tháng 9/2014, hành quyết 4 người phương Tây... Đầu tháng 8, trong cuộc thảm sát sắc dân Yazedi ở vùng núi Sinjar (Iraq), quân IS thực hiện triệt hạ “nòi giống” Yazedi mà họ coi là ngoại đạo bằng cách giết hại tất cả đàn ông Yazedi không kịp chạy thoát. Đàn bà và trẻ con đều bị bắt làm “chiến lợi phẩm”. Ngày 12/8 ở trung tâm thành phố Mosul, IS tổ chức bán đấu giá công khai hơn 700 cô gái Yazedi, với giá trung bình 150 USD/người. Còn nhiều phụ nữ Yazedi khác bị đưa sang Syria để “làm vợ” các chiến binh của IS.

Với Thiên Chúa giáo, chiến dịch xóa bỏ tôn giáo này tại thành phố Mosul là một ví dụ điển hình. Ngày 19/7/2014, sau hơn một tháng chiếm đóng Mosul, IS ra tối hậu thư cho tất cả tín đồ Thiên Chúa giáo còn lại ở thành phố này phải lựa chọn một trong ba con đường: hoặc chịu cải sang đạo Hồi, hoặc phải bỏ xứ mà đi, nếu cứ ở lại thì phải nộp lệ phí giữ đạo. Theo “tối hậu thư” này, nếu quá thời hạn 12 giờ hôm ấy mà tín đồ Thiên Chúa giáo nào không chấp nhận một trong ba phương án trên thì “chỉ còn cách đối mặt với lưỡi kiếm”.

Hậu quả là từ một trung tâm lâu đời của Thiên Chúa giáo tại Iraq, có hơn 5.000 tín đồ Thiên Chúa giáo, thành phố Mosul lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm của mình, gần như không còn người theo đạo Thiên Chúa. Hơn 30 nhà thờ Thiên Chúa giáo trong thành phố bị triệt hạ hoàn toàn, trong đó có nhà thờ đã trải qua 1.836 năm tồn tại…

Bên cạnh đó, IS cũng đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng và các hoạt động cực đoan trên các trang mạng xã hội, thông qua các tổ chức, cá nhân có xu hướng cực đoan trên thế giới để tuyển dụng, chiêu mộ các phần tử Hồi giáo, đặc biệt là giới thanh niên để tham gia vào tổ chức IS.

Qua những thông tin trên có thể cho thấy tổ chức IS là sự phát triển cực đoan nhất của Hồi giáo chính trị, tuy thời gian ra đời và phát triển ngắn (từ đầu 2010 đến nay) nhưng IS đã vượt qua Al-Qaeda để lập nên một số cái nhất: mạnh nhất về quân sự; giàu nhất về tài chính; tàn bạo nhất về tổ chức và hoạt động; tham vọng nhất về mục tiêu… Điều nguy hại nữa là nó có sức hút đối với các phần tử Hồi giáo cực đoan, nhất là trong các giới trẻ.

Mô hình IS đang trở thành một hình mẫu đấu tranh của các phần tử Hồi giáo cực đoan hiện tồn tại trong lòng xã hội rất nhiều nước có cộng đồng Hồi giáo sinh sống. Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tình nguyện đi theo IS hoặc giúp IS không chỉ tuyển dụng các chiến binh ở Trung Đông, mà còn từ các nước Mỹ, Phương tây, Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia... Chính vì vậy IS không chỉ đe dọa đến an ninh, tính mạng của người dân Iraq, Syria và các nước trong khu vực, mà còn là mối nguy hại thường trực cho toàn thế giới.

Hành động của Quốc tế, Mỹ và các nước đồng minh chống lại IS

Trước các hành động tàn bạo của IS, các tổ chức quốc tế đều thống nhất IS là một tổ chức khủng bố cực đoan và cần phải sớm bị loại trừ, Liên hợp quốc cáo buộc IS vi phạm các tội ác chiến tranh và thanh trừng sắc tộc ở miền bắc Iraq và Syria, đồng thời Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc cũng đã cử các phái đoàn đi điều tra, làm rõ những tội ác này. Hiện tại Mỹ là nước đi đầu trong chống IS với chiến lược chia làm 3 hướng: Một là, ngăn chặn tiến tới đẩy lùi đà tấn công của IS bằng các cuộc không kích; Hai là, thúc đẩy tiến trình hòa giải chính trị ở Iraq nhằm triệt tiêu những cơ sở của IS trong cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni; Ba là, phá hủy nền kinh tế của IS thông qua ngăn chặn tài chính và các họat động buôn lậu tìm kiếm ngân sách và ngăn chặn các nguồn tài trợ bên ngoài của IS.

Cụ thể, từ 8/8/2014 đến nay, Mỹ đã tiến hành các chiến dịch không kích IS ở miền Bắc Iraq. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO - Mỹ (5/9/2014) đã hình thành được liên minh nòng cốt gồm 10 quốc gia Mỹ - Anh - Pháp - Đức - Canđa - Thổ Nhĩ Kỳ - Úc - Ý - Ba Lan - Bỉ, tuyên bố kế hoạch sẵn sàng chống IS.

Ngày 11/9/2014, Mỹ công bố kế hoạch 4 điểm trong thời gian tới: Một là, tăng cường không kích vào IS với phạm vi không chỉ giới hạn ở Iraq và Syria; Hai là, tăng cường huấn luyện và cung cấp các trang thiết bị vũ khí cho người Cuốc cũng như các lực lượng vũ trang đối lập thân phương tây tại Iaq và Syria; Ba là, ngăn chặn các nguồn tài chính, tăng cường tình báo ngăn chặn các chiến binh nước ngoài tham gia vào IS; Bốn là, tiếp tục viện trợ nhân đạo cho những người dân vô tội do ảnh hưởng từ các hoạt động của IS. Mỹ cũng đã cử 500 cố vấn quân sự sang Iraq và nâng tổng số quân của Mỹ tại Iraq lên 1.700 người, đồng thời tăng thêm một số khoản viện trợ cho Iraq. Đến nay, có 40 quốc gia tuyên bố tham gia liên minh chống IS với nhiều mức độ khác nhau.

Theo nhận định của các chuyên gia quân sự thì đây là một cuộc chiến hết sức khó khăn, khó giành được chiến thắng tuyệt đối và sẽ diễn ra trong 1 thời gian dài vì các lý do sau: Một là, Mỹ mới chỉ không kích, nếu không triển khai lực lượng bộ binh thì khó giành được chiến thắng trên chiến trường; Hai là, hoạt động của IS chủ yếu ở Iraq và Syria, trong lúc đó lực lượng ở 2 nước này rất yếu, còn IS thì có 1 lực lượng rất thiện chiến và rất cuồng tín; Ba là, mâu thuẫn nội tại giữa cộng đồng Sunni với Shia thì vẫn tạo được chỗ đứng cho IS trên lãnh thổ Iraq; Bốn là, kế hoạch của Obama công bố vẫn còn bộc lộ một số điểm hạn chế: Syria không được mời tham gia liên minh chống IS, phần nào Mỹ còn ủng hộ lực lượng đối lập chống chính quyền Syria. Trên thực tế lực lượng có thể chống lại IS là quân đội Syria và lực lượng Ankeda, các lực lượng còn lại là không khả thi… nên cuộc chiến chống IS kém hiệu quả; Năm là, chi phí không kích của Mỹ chống IS 1 tháng là 1 tỷ đô la, tốn kém nhưng không hiệu quả.

Theo các nhà phân tích, thì việc Mỹ và các nước phương Tây không kích chỉ có thể ngăn chặn không cho IS mở rộng lãnh thổ, còn việc tiêu diệt IS như một số tổ chức khủng bố khác thì đây còn là một vấn đề lâu dài, một bài toán nan giải đòi hỏi Mỹ và Phương Tây cần tính toán các bước đi sát hơn./.

Nguyễn Viết Trường - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc