Người thổi lửa cho tình yêu bám biển…
EmailPrintAa
15:31 08/12/2014

Về Xuân Hội, chúng tôi may mắn được gặp một ngư dân bám biển, mà cả cuộc đời ông gắn liền với sóng và nước biển khơi. Ngư phủ ấy đã trải lòng với chúng tôi rằng: Sóng có thể xóa nhòa dấu chân, thời gian có thể xóa đi tuổi trẻ, nhưng tình yêu biển đối với ông chẳng bao giờ vơi cạn. Ông là Lê Hồng Ngọ, ở làng Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh…
 

Ông Lê Hồng Ngọ trên con tàu của gia đình mình

 

Làm giàu từ lộc biển…

Sinh ra và lớn lên ở làng Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tuổi thơ của ông Lê Hồng Ngọ quen với nắng, với gió của biển khơi. Thấm đẫm hương vị mặn mòi của biển, sự cần cù, chịu thương, chịu khó đã tạo nên nét riêng của con người ông. Năm 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường tham gia bảo vệ Tổ quốc, đóng quân tại tiểu đoàn 21, Trung đoàn 223, Quân khu 4. Trực tiếp chiến đấu tại nhiều mặt trận từ tỉnh Quảng Bình đến Nghệ An. Đất nước hòa bình, thống nhất, ông trở về quê hương tiếp tục làm nghề chài lưới và gắn mình với biển khơi. Ông kể rằng: “Hồi còn nhỏ đã đam mê nghề biển. Thường trốn cha dưới hầm thuyền để được đi biển. Nhiều lần bị cha bắt gặp, nhưng được bạn can ngăn nên không bị đòn. Đến năm 18 tuổi thì đi bộ đội. Sau đó về quê lại tiếp tục đi biển. Bây giờ bom đạn ở khu vực biển miền Trung ở chỗ nào biết hết”.

Nghe tiếng biển từ thửa lọt lòng, bám biển từ thửa đôi mươi, theo năm tháng, con nước thủy triều đã bồi đắp cho ông những bài học quý về nghiệp biển. Tự lúc nào ông đã trở thành một thuyền trưởng lão luyện dẫn dắt 2 người con trai, 5 người con rể cùng nhiều lao động vượt sóng ra khơi, đem lộc biển về cho cuộc sống đủ đầy. Hiện nay, gia đình ông đang sở hữu 2 cặp thuyền có công suất lớn, mỗi thuyền trị giá trên 2 tỷ đồng. Với phương tiện, máy móc hiện đại và những  kinh nghiệm đúc rút được trong hàng chục năm làm nghề biển những chuyến đánh bắt ở ngư trường truyền thống là Vịnh Bắc bộ đã cho ông và hàng chục lao động trên tàu có nguồn thu nhập khá. Trừ chi phí, tháng cao nhất mỗi lao động có thu nhập từ 15-20 triệu đồng, ông Ngọ có 150- 200 triệu đồng từ biển.

Theo những những người dân ở vùng biển này thì ông Ngọ không những làm ăn kinh tế giỏi mà còn có biệt tài sửa máy thuyền rất giỏi, chọn chân vịt phù hợp với từng ghe, từng thuyền. Mặc dù, không được đào tạo bài bản qua một trường lớp kỹ thuật nào, nhưng xuất phát từ tình yêu bám biển, khát vọng vươn xa để tự tìm tòi cho mình những gì liên quan đến nghề, dù là nhỏ nhất.

Người thổi lửa cho tình yêu bám biển

Là người có uy tín, trách nhiệm cao, ông Lê Hồng Ngọ được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tín nhiệm giao nhiệm vụ là Phó Ban Tự quản An ninh trật tự (ANTT) trên biển của xã kiêm tổ trưởng tổ An ninh. Đây là mô hình được Công an huyện Nghi Xuân chọn làm điểm về “đội tự quản ANTT trên biển”. Mô hình ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi để người đi biển giúp nhau trong đánh bắt thủy sản trên biển, yên tâm hơn khi ra khơi bám biển, nhất là trong điều kiện tình hình ANTT, tranh chấp trên biển diễn biến phức tạp. Trước đây mạnh ai nấy làm, đơn độc một mình trên biển nhưng khi thành lập đội tự quản ANTT trên biển thì khi nào cũng có 2 - 3 tàu cùng đi và hỗ trợ nhau. Hiện nay xã Xuân Hội có 27 chiếc tàu, công suất từ 320CV trở lên, được chia làm 13 đội thường xuyên ra khơi, bám biển. Với cương vị là Phó Ban Tự quản ANTT trên biển của xã kiêm Tổ trưởng tổ An ninh, ông đã góp phần thổi lên ngọn lửa yêu nghề, bám biển ở Xuân Hội, là chỗ dựa vững chắc cho nhiều ngư dân vùng biển này. Bà Nguyễn Thanh Hoa, cùng ở xóm Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân có chồng đi biển, một lần gặp gió to, sóng cả, trong cơn thập tử nhất sinh chồng bà may mắn được ông Ngọ cứu, thoát chết trở về. Vợ chồng bà Hoa luôn xem ông Ngọ như là một ân nhân của gia đình. Bà chia sẻ rằng: “Nhiều khi đi biển gió to, tôi rất sợ. Nhưng mà cái nghiệp rồi không bỏ được. May có bác Ngọ đây nhiệt tình, giúp đỡ. Không riêng gì vợ chồng tôi mà cả xóm này đều yên tâm hơn khi có bác, có khó khăn gì là bác giúp đỡ”. Bởi đối với người đi biển, mỗi lần xa khơi được xem như là một lần đặt cược số phận mình trước bão táp, phong ba. Bên cạnh nỗi lo cơm áo thường nhật thì họ còn lo về thời tiết mưa bão, luồng cá, thậm chí là sự uy hiếp của tàu lạ và phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nhưng với tình yêu và kinh nghiệm nghề biển, ông đã dẫn dắt các ngư dân cùng thuyền vượt lên tất cả. Ngoài ra, ông Ngọ còn cứu, vớt được nhiều người bị trôi dạt giữa biển cả mênh mông. Với họ, ông không chỉ là một ngư dân quả cảm, mà còn là một người hàng xóm tốt bụng, mẫu mực cả trên biển cũng như khi ở đất liền.

Từ những chuyến ra khơi, ông đã nhiều lần thông tin cho các lực lượng chức năng như: Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển về sự xuất hiện của các tàu thuyền nước ngoài, tàu lạ hoạt động trên vùng biển của Việt Nam, hoặc các thi thể bị chết trôi dạt trên biển,… để kịp thời xử lý. Ngoài ra, ông còn trực tiếp tổ chức hòa giải những xích mích, mâu thuẫn nảy sinh giữa các thành viên trong tổ, giữa tổ này với tổ khác khi khai thác trên biển hay khi neo đậu; kịp thời nắm bắt những trường hợp vi phạm pháp luật như: nghiện ma túy, trộm cắp, sử dụng mìn khai thác trái phép hải sản… Những việc làm của ông đã góp phần đảm bảo bình yên cho vùng biển quê hương mình. Ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, Nghi Xuân cho biết: Với lợi thế của địa phương trong đánh bắt thủy hải sản và chính sách ưu đãi trong đánh bắt xa bờ, hiện nay xã Xuân Hội có đoàn tàu 28 chiếc thường xuyên ra khơi đánh bắt cá. Tiêu biểu có ông Lê Hồng Ngọ, thường xuyên ra khơi bám biển, không những tăng thu nhập cho gia đình, địa phương mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Khát vọng của những ngư phủ…

Đối với người đi biển, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển trở về cùng những khoang cá đầy ắp là ước mơ là kết quả của những ngày lao động vất vả. Dẫu biết, mỗi chuyến xa khơi là một hành trình gian khổ, những hiểm nguy luôn rình rập, nhưng cũng như nhiều ngư dân vùng biển này, ông Lê Hồng Ngọ vẫn ngày đêm bám biển, bởi biển là cuộc sống của gia đình ông và hàng ngàn hộ gia đình khác. Hơn thế, bám biển, ra khơi đánh bắt thủy sản cũng nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bà Nguyễn Thị Trường - Vợ ông Lê Hồng Ngọ chia sẻ: “Lấy ông đã mấy chục năm, nghiệp của ông là đi biển. Trước đây thì đánh bắt gần bờ. Bây giờ đi xa bờ. Thu nhập của gia đình là nhờ biển. Mỗi lần ông đi biển mà trời yên biển lặng thì đỡ lo. Còn những lúc sóng to, gió lớn, thời tiết thay đổi thì lo lắng lắm”.

Chia tay ông Lê Hồng Ngọ vẫn còn đọng mãi trong mỗi chúng tôi bởi tâm sự từ đáy lòng người ngư phủ ấy: Chúng tôi đi biển thì mong ước được đánh bắt trên vùng biển của nước mình. Vừa rồi Trung Quốc đưa giàn khoan hoạt động trái phép trên vùng biển nước ta, ngư dân vùng biển chúng tôi cũng căm phẫn lắm, nhưng chúng tôi không hề nhụt chí mà quyết tâm xung phong bám biển để giữ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc”.

Chúng tôi hiểu, được tự do đánh bắt thủy sản, bảo vệ ngư trường, bảo vệ biển, đảo mà cha ông để lại là ước vọng lớn nhất của ngư dân dân bám biển như ông Lê Hồng Ngọ. Dẫu chỉ đầu trần, chân đất nhưng họ không bị khuất phục trước bão táp, phong ba. Đó là ý chí, là lòng yêu nước luôn ngời sáng trong mỗi ngư dân đất Việt. Bởi: Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất,

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi…

Bài và ảnh: Hoàng Xuân Lý


    Ý kiến bạn đọc