Vấn đề nợ đọng bảo hiểm và giải pháp tháo gỡ
EmailPrintAa
15:54 08/12/2014

Trong những năm gần đây, tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các đơn vị sử dụng lao động trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng có chiều hướng gia tăng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tìm giải pháp khắc phục tình trạng này đã và đang là trăn trở của các cấp, các ngành chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh.

Thực trạng vấn đề nợ đọng bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh hiện đang quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN của 3.608 đơn vị, với 75.193 lao động, số thu BHXH, BHYT, BHTN hàng năm hơn 1.500 tỷ đồng, việc thu đúng, thu đủ, kịp thời BHXH, BHYT, BHTN là cơ sở để giải quyết chế độ cho người lao động. Tuy nhiên tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động của ngành cũng như quyền lợi của người tham gia. Tính đến 31/10/2014, toàn tỉnh có 770 đơn vị nợ BHXH với số tiền trên 47,5 tỷ đồng. Trong đó có 115 đơn vị nợ trên 12 tháng với số tiền nợ  17 tỷ đồng, 242 đơn vị nợ trên 6 tháng với số tiền nợ 10 tỷ đồng. Không chỉ có các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh mà các cơ quan hành chính nhà nước hưởng lương từ ngân sách, các đơn vị sự nghiệp cũng nợ tiền đóng BHXH. Trong đó có 35 đơn vị hành chính sự nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền là 2,6 tỷ đồng.

Việc nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, nhất là khi họ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ; một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ hưu trí, khiến cuộc sống của họ luôn bấp bênh trước những áp lực của cuộc sống. Cùng với tình trạng trốn đóng BHXH, một vấn đề nan giải khác cũng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động đang bị các doanh nghiệp lợi dụng, đó là tình trạng doanh nghiệp lách luật để giảm bớt mức đóng BHXH. Tại cuộc làm việc với các ban, ngành cấp tỉnh vào cuối quý III/2014, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã nhắc nhở, chấn chỉnh các doanh nghiệp nợ thuế, nợ BHXH cần được xem xét trách nhiệm đối với xã hội và quyền lợi đối với người lao động.

Có thể thấy rằng, ngoài nguyên nhân do tác động của suy thoái kinh tế trong nước cũng như khu vực đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, việc làm và thu nhập của người lao động không ổn định dẫn đến không có khả năng đóng BHXH đúng hạn thì vẫn còn không ít doanh nghiệp có biểu hiện cố tình chây ỳ để chiếm dụng tiền đóng BHXH. Qua kiểm tra thực tế cho thấy có những doanh nghiệp khi trả lương cho người lao động hàng tháng đã khấu trừ phần trách nhiệm phải đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động nhưng doanh nghiệp vẫn không nộp đúng hạn cho cơ quan BHXH mà cố tình dây dưa lợi dụng vốn để phục vụ cho mục đích khác bởi lãi suất chậm nộp BHXH thấp hơn so với lãi suất vay của ngân hàng mà không phải mất công làm thủ tục vay do vậy họ chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH. Trong khi đó chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập và chưa đủ sức răn đe khiến cho tình trạng nợ đọng BHXH vẫn tồn tại và kéo dài với xu hướng ngày càng phức tạp. Theo quy định hiện hành mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH là rất thấp, thủ tục xử phạt lại phức tạp, không quy định xử lý hình sự khi chủ sử dụng lao động chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động do vậy không răn đe được các chủ sử dụng lao động. Lực lượng thanh tra lao động mỏng, không thể kiểm tra hết các đơn vị, cơ quan BHXH lại không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt nên mặc dù thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhưng hiệu quả không cao. Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, mặc dù nguồn kinh phí trích nộp BHXH, BHYT, BHTN đã được bố trí đủ trong kinh phí thường xuyên nhưng đơn vị sử dụng lao động đã không thực hiện theo quy định của pháp luật.

Giải pháp để tháo gỡ...

Để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH hiện nay, ngành Bảo hiểm xã hội đã đề ra nhiều biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ công tác thu, xử lý thu hồi giảm nợ đọng như:

Thứ nhất, phân công cán bộ chuyên quản thường xuyên kiểm tra, đối chiếu đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp trích nộp đầy đủ, kịp thời theo quy định của luật BHXH; hàng tháng thông báo kịp thời tiến độ thu nộp BHXH, BHYT, BHTN của đơn vị để chủ sử dụng lao động nắm rõ tình hình và có kế hoạch trong việc đóng nộp đúng quy định.

Thứ hai, thành lập tổ công tác thu nợ, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động; phối hợp với Thanh tra Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh và Công an tỉnh tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, xử lý đúng theo quy định của pháp luật các đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Thứ ba, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh và Sở Lao động, Thương binh & Xã hội ký kết Quy chế phối hợp thực hiện trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và lãi phát sinh theo quy định tại thông tư số 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN ngày 18/02/2008 của Liên bộ Lao động, Thương binh & Xã hội - Tài chính - Ngân hàng nhà nước về việc hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động và nhận thức của người lao động về BHXH, BHYT.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các hồ sơ thủ tục, tiến tới sử dụng giao dịch điện tử giữa cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chính sách và giải quyết chế độ BHXH, BHYT.

Cùng với các giải pháp nêu trên được Bảo hiểm xã hội tỉnh đề ra, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI, các đại biểu đã tập trung thảo luận và thông qua dự thảo Luật BHXH sửa đổi, trong đó có các nội dung như: Giao chức năng thanh tra cho tổ chức BHXH, vì BHXH Việt Nam là cơ quan đặc thù, vừa có chức năng quản lý nhà nước, vừa có chức năng sự nghiệp là trực tiếp quản lý, thực hiện chi trả và quản lý quỹ tài chính của Nhà nước và của người lao động nên việc bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành sẽ tạo thuận lợi để khắc phục triệt để hơn những tồn tại hiện nay trong việc chấp hành pháp luật BHXH của các đơn vị sử dụng lao động. Tăng mức xử phạt do vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH để tạo sức răn đe đối với doanh nghiệp; tăng tỷ lệ tiền phạt lãi chậm đóng BHXH cao hơn mức lãi suất vay ngân hàng để hạn chế việc doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng BHXH. Về phía các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và Luật BHXH, Luật BHYT nói riêng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp; tăng cường sự phối hợp triển khai các cuộc kiểm tra, thanh tra theo chuyên đề, thanh tra diện rộng để có được đánh giá chính xác, toàn diện những khó khăn của doanh nghiệp trong vấn đề đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, từ đó đưa ra những giải pháp để tháo gỡ cùng doanh nghiệp. Về phía chính quyền địa phương: cần có sự phối hợp của các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện tăng tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 3770/QĐ-UBND ngày 27/11/2013, đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và tăng cường vai trò quản lý nhà nước về BHXH, BHYT.

Tin tưởng rằng, với những giải pháp tích cực trên, đồng thời với việc hoàn thiện Luật BHXH sửaa đổi, thời gian tới sẽ khắc phục được tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, góp phần thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT cho người lao động theo quy định của pháp luật và đảm bảo an sinh xã hội.

Trương Thị Tuyết - Bảo hiểm xã hội tỉnh


    Ý kiến bạn đọc