Để tiếp tục thực hiện việc phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đạt hiệu quả
EmailPrintAa
15:33 06/07/2015

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã nói “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Trải qua 67 năm, kể từ ngày Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2015), Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo, hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng, trong đó xác định việc lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng, truy tặng và vinh danh Mẹ Việt Nam Anh hùng là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; ngành Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội đóng vai trò nòng cốt tham mưu thực hiện.

Hà Tĩnh là địa bàn xung yếu mà địch tập trung đánh phá ác liệt, đồng thời là một trong những nơi phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất do hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để lại. Hiện Hà Tĩnh có 28.455 liệt sỹ; 47.643 thương, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; 7.151 người bị nhiễm chất độc màu da cam. Đặc biệt, chúng ta có 1.603 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nằm trong lộ trình thực hiện công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa những người có công với cách mạng, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo kịp thời việc phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

 Sau khi có Nghị định số 56/2013/NĐ-CP, ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND, ngày 31/7/2014 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị định số 56/2013/NĐ-CP; đồng thời chỉ đạo ban hành nhiều văn bản, kế họach, tổ chức chỉ đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, khảo sát thực tế, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Trong số 1.630 mẹ, đã có 1.158 mẹ được phong tặng, truy tặng.

Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức 4 đợt lễ tặng, truy tặng “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” một cách nghiêm túc, thành kính, có tính giáo dục truyền thống sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn - Ăn quả nhớ người trồng cây”, góp phần giáo dục động viên các tầng lớp nhân dân giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thi đua góp sức mình vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Để tiếp tục lập hồ sơ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” theo Nghị định 56/2013/NĐ-CP đảm bảo kịp thời, chính xác, không để sót đối tượng, không làm sai chính sách và hoàn thành trong năm 2015, các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh cần chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân dân, các gia đình chính sách về nội dung của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP, Thông tư Liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH, ngày 10/10/2014 của Liên Bộ Nội vụ - Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP, ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Trong đó, cần làm rõ các tiêu chí cụ thể để lập hồ sơ Mẹ Việt Nam Anh hùng như: Mẹ có 02 con trở lên là liệt sỹ; Mẹ chỉ có 02 con mà 01 con là liệt sỹ và 01 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Mẹ chỉ có 01 con mà người con đó là liệt sỹ; Mẹ có 01 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ; Mẹ có 1 con là liệt sỹ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên. Các trường hợp liệt sỹ là con nuôi, mẹ liệt sỹ tái giá và các trường hợp khác thực hiện theo Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH, ngày 10/10/2014.

Hai là, tiến hành khảo sát cụ thể đối tượng “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” theo các tiêu chí nêu trên ở các xã, phường, thị trấn, tổng hợp số lượng theo từng huyện, thành phố, thị xã. Trên cơ sở đó để chỉ đạo, hướng dẫn gia đình, người thân theo ủy quyền lập hồ sơ. Hồ sơ lập xong, gia đình, người thân chuyển về cho UBND xã phường, thị trấn nơi cư trú; UBND cấp xã tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, thẩm định nếu đủ điều kiện tổng hợp hồ sơ chuyển về UBND huyện, thành phố, thị xã (qua Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội). Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Nội vụ và các phòng, ban liên quan kiểm tra, xác minh, thẩm định tham mưu UBND cấp huyện trình lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đối chiếu, thẩm định trình UBND tỉnh (qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh). Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh thẩm định hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh trình Trung ương (Thời gian xử lý hồ sơ ở mỗi cấp thực hiện theo thủ tục hành chính đã quy định).

Ba là, phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách Mẹ Việt Nam Anh hùng xuống các xã, phường, thị trấn và từng hộ gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tiền thưởng, các chế độ Mẹ Việt Nam Anh hùng được thực hiện theo các quy định sau: Tiền thưởng thực hiện theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP, ngày 15/4/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng. Các chế độ khác thực hiện theo Nghị định số 20/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 của Chính phủ về quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Việc lập hồ sơ phong tặng, truy tặng và tổ chức vinh danh “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp huyện, các xã, phường, thị trấn có vai trò rất quan trọng, là người hướng dẫn lập hồ sơ cụ thể và chịu trách nhiệm trước nhà nước về tính chính xác của hồ sơ được lập.

Tin tưởng rằng, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn - Ăn quả nhớ người trồng cây”, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cấp ủy và chính quyền địa phương, việc lập hồ sơ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” theo tinh thần Nghị định số 56/2013/NĐ-CP sẽ hoàn thành tốt trong năm 2015.

                                                                                          NGUYỄN VĂN TUẦN

                                                                                          Phó Giám đốc Sở Nội vụ,

                                                                          Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh


    Ý kiến bạn đọc