Năm 1991, Hội Văn nghệ Hà Tĩnh trở về tái thiết quê hương, khôi phục và xây dựng lại phong trào văn nghệ tỉnh nhà. Vào những ngày tháng đầu tiên ấy, việc quan trọng hàng đầu là sắp xếp đội ngũ,kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng đội ngũ, thúc đẩy phong trào sáng tác. Tổng số hội viên sau khi tách tỉnh chỉ chưa đầy 70 người, thời điểm tổ chức Đại hội lần thứ VIII năm 2010 đã lên tới 168 hội viên và hiện tại là 205 hội viên (trong đó có tới 54 hội viên các Hội chuyên ngành trung ương) thuộc các ban chuyên ngành văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian, sân khấu - biểu diễn, kiến trúc. Các Chi hội Văn học - Nghệ thuật cơ sở Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc, các Câu lạc bộ Nhiếp ảnh, thơ Đường luật lần lượt ra đời, hoạt động ngày càng có hiệu quả, tranh thủ được sự quan tâm đầu tư của cấp ủy chính quyền địa phương trong việc tập hợp lực lượng, tổ chức các sinh hoạt nghiệp vụ, xuất bản tập san văn nghệ. Các Chi hội chuyên ngành trung ương trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, làm nòng cốt cho phong trào sáng tác trong toàn tỉnh.
5 năm qua, Hội đã tập trung nguồn lực cho công tác bồi dưỡng, đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Nhiều cán bộ, hội viên được đào tạo mới hoặc đào tạo lại ở các trường chính trị và quản lý nhà nước. Bình quân mỗi năm có 50 hội viên đi thực tế, 30 hội viên dự các trại sáng tác, dự các lớp tập huấn nghiệp vụ ở trung ương và khu vực. Nhiều tài năng trẻ đã được phát hiện qua các cuộc thi viết vẽ tuổi học trò, các cuộc Triển lãm, Liên hoan nghệ thuật, các cuộc thi VHNT toàn quốc. Hội đã tổ chức thành công giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ V; hàng năm làm tốt công tác thi đua khen thưởng cho cán bộ, hội viên.
Đội ngũ văn nghệ sĩ Hà Tĩnh hiện nay khá đông đảo, có nhiều tiềm năng với đa phần hội viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng đam mê, khao khát sáng tạo. Nhiều hội viên có tài năng đã được nhận các giải thưởng VHNT quốc gia, giải thưởng khu vực, giải thưởng VHNT Nguyễn Du và giải thưởng các cuộc thi VHNT của các bộ, ngành TW, của tỉnh, được tặng các Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương, Bằng khen và các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cũng như Giấy khen của Hội vì những thành tích trong công tác và lao động sáng tạo nghệ thuật. Nhiều hội viên của Hội đã và đang giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của cấp tỉnh, huyện. Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, văn nghệ sỹ Hà Tĩnh với truyền thống đoàn kết, gắn bó với quê hương đất nước đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hoá mới và phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà.Cơ quan văn phòng Hội có biên chế 12 người, luôn giữ vững truyền thống đoàn kết, là trung tâm tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh, nhiều năm liền được UBND tỉnh xếp loại tốt, Chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.
Bằng việc tổ chức các hoạt động nghiệp vụ mang tính đặc thù như mở trại sáng tác, thâm nhập thực tế, tọa đàm, tập huấn, hội thảo, các cuộc thi, phát động sáng tác cùng với công tác hỗ trợ sáng tạo đã điều kiện thuận lợi, tác động tích cực đến phong trào sáng tác và phổ biến hàng trăm lượt công trình, tác phẩm. Công tác quảng bá, phổ biến tác phẩm thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tạp chí Hồng Lĩnh phát hành được 50 số với gần 100 ngàn bản, trang Website văn học nghệ thuật Hà Tĩnh vừa được xây dựng năm 2012 và gần đây là trang Diễn đàn VHNT trên sóng phát thanh - truyền hình đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, quảng bá tác phẩm của hội viên đến với rộng rãi công chúng bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Trong nhiệm kỳ có hơn 100 đầu sách, công trình của tập thể, hội viên và cộng tác viên được xuất bản. Ngoài ra, có hàng trăm tác phẩm được giới thiệu trên các báo chí Trung ương và địa phương. Trung tâm quảng bá, giới thiệu tác phẩm VHNT được gây dựng từ năm 2008 đã từng bước phát huy chức năng lưu giữ, phổ biến, quảng bá và góp phần quan trọng trong việc tạo thị trường tiêu thụ tác phẩm của hội viên, làm tiền đề cho việc hình thành Nhà truyền thống của Hội, tham gia Ngày sách Việt Nam hàng năm.
Tác phẩm VHNT của Hà Tĩnh thời gian qua cơ bản vẫn giữ được cảm hứng sáng tạo lành mạnh, trong sáng, đảm bảo đúng định hướng chính trị của Đảng, bám sát hiện thực đời sống, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, bồi dưỡng, giáo dục nhân cách, tâm hồn, trí tuệ của công chúng bạn đọc, làm giàu thêm truyền thống của một vùng đất văn vật, văn nhân. Nhiều công trình, tác phẩm có chất lượng cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật đã đạt các giải thưởng của trung ương, khu vực và trong tỉnh.
Có được những thành quả trên, trước hết là nhờ những quan điểm đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vì sự nghiệp phát triển VHNT tỉnh nhà. Bên cạnh đó, đời sống chính trị ổn định, kinh tế tiếp tục phát triển, an ninh quốc phòng được giữ vững là nhân tố tác động tích cực để VHNT phát triển. Công cuộc xây dựng nông thôn mới, việc triển khai có hiệu quả các dự án kinh tế trọng điểm như Khu kinh tế Vũng Áng, Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang… đã tạo nguồn cảm hứng lớn lao cho các văn nghệ sĩ. Sự đoàn kết, đồng thuận đầy cố gắng của Ban lãnh đạo Hội các cấp, sự phát triển nhanh của đội ngũ và nhiệt tình say mê, nỗ lực sáng tạo của toàn thể hội viên đã góp phần quan trọng vào những kết quả trên.
5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII, mặc dầu còn có những khó khăn thiếu sót, hạn chế nhưng hoạt động trên lĩnh vực VHNT của Hà Tĩnh đã giành được những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ, đẩy mạnh sáng tác và quảng bá tác phẩm. Với những thành tích đạt được, Hội đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua của UBND tỉnh, Uỷ ban Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và nhiều Bằng khen của Uỷ ban liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các Hội chuyên ngành TW. Năm 2012, Hội vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ tới là phải tích cực tham mưu về cơ chế chính sách đối với hoạt động văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ. Hội cần dành sự quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp hội viên mới đảm bảo chất lượng, cân đối giữa các chuyên ngành, các vùng miền trong tỉnh. Ưu tiên việc kết nạp hội viên nữ, trẻ, các nhân tố mới trong các cơ quan, địa phương, đơn vị. Thường xuyên làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ thực sự tâm huyết với nghề, gắn bó với quê hương, đất nước. Phấn đấu có thêm nhiều hội viên được kết nạp vào các hội chuyên ngành TW, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú...
45 năm đồng hành cùng quê hương dân tộc, đội ngũ văn nghệ sĩ Hà Tĩnh đã giành được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cùng với sự chuyển mình lớn mạnh của đất nước quê hương, văn nghệ Hà Tĩnh đang có thêm nhiều thời cơ vận hội để có thể đóng góp xứng đáng hơn nữa vào công cuộc đổi mới quê hương đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động 848 của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, nhiệm vụ đặt ra cho văn nghệ Hà Tĩnh trong chặng đường sắp tới hết sức vinh quang nhưng cũng rất nặng nề. Kế tục truyền thống mà bao thế hệ đi trước đã dày công tạo dựng, những người làm công tác VHNT Hà Tĩnh hôm nay mang trong mình niềm khát vọng sáng tạo để cống hiến nhiều hơn vào bước sự chuyển mình đi lên của quê hương, đất nước.
Phan Trung Hiếu
Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh
Tin mới cập nhật
- Để tiếp tục thực hiện việc phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đạt hiệu quả ( 06/07)
- Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trên quê hương Can Lộc anh hùng ( 06/07)
- TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN CỦA NGUYỄN DU TRONG DÒNG CHẢY TRUYỀN THỐNG NHÂN VĂN DÂN TỘC VIỆT NAM ( 06/07)
- Tăng cường quản lý lao động, đảm bảo an ninh trật tự tại Khu Kinh tế Vũng Áng ( 06/07)
- Phòng chống bạo lực gia đình - Trách nhiệm của toàn xã hội ( 06/07)