Phòng chống bạo lực gia đình - Trách nhiệm của toàn xã hội
EmailPrintAa
15:02 06/07/2015

Gia đình là tế bào của xã hội, là chỗ dựa về tinh thần và vật chất cho mỗi thành viên, là nơi để mọi người được thể hiện, bày tỏ tình yêu thương, sự chia sẻ dành cho nhau; gia đình còn là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước. Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thứ thách… được hình thành, phát triển và gìn giữ vun đắp trong mỗi gia đình. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh, trước hết từng gia đình phải phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, một thực trạng rất đáng báo động đó là bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và tiềm ẩn trong các gia đình ở Việt Nam nói chung và ở Hà Tĩnh nói riêng.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2014, tổng số vụ bạo lực gia đình là 230 vụ (chủ yếu là bạo lực tinh thần và thân thể); đối tượng của bạo lực gia đình gồm trẻ em, người già, phụ nữ. Tuy nhiên đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là phụ nữ. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng bạo lực gia đình, đó là do ảnh hưởng của tư duy phong kiến, bất bình đẳng giới, trọng nam, khinh nữ, thái độ gia trưởng ở một số nam giới; do thiếu kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, thiếu hiểu biết về quy định của pháp luật như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Giáo dục và chăm sóc trẻ em. Các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, ngoại tình,… đã trực tiếp dẫn đến bạo lực gia đình. Một nguyên nhân quan trọng khác nữa đó là sự cam chịu, không dám công khai, báo cáo về hành vi bạo lực gia đình của các nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình gây ra nhiều hệ lụy và tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội, đặc biệt là các nạn nhân bị bạo lực gia đình trực tiếp, họ sẽ bị tổn thương về thể xác, nhẹ thì bầm tím, trầy xước đau đớn, nặng thì thương tật, làm giảm hoặc mất khả năng lao động, thậm chí tàn tật và dẫn đến tử vong, hoặc bị tổn thương tâm lý trầm trọng gây ra những rối loạn tâm lý như trầm uất, hoang tưởng. Bạo lực gia đình còn ảnh hưởng tới quá trình phát triển của các trẻ em sống trong gia đình có bạo lực. Theo khảo sát nghiên cứu của Trung tâm Thanh Thiếu niên Miền Nam, khi trẻ vị thành niên chứng kiến bố mẹ có hành vi bạo lực, 85,4% trong số đó có biểu hiện chán nản, lo lắng; 20% trẻ cảm thấy sợ hãi; 12,7% mất đi sự tôn trọng đối với bố mẹ, thậm chí 5,5% còn lại muốn bỏ nhà ra đi. Bạo lực gia đình ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con, làm cho gia đình tan vỡ không hạnh phúc, thậm chí dẫn đến ly hôn, từ đó giảm trách nhiệm quan tâm chăm sóc con cái. Hậu quả con cái sẽ xa rời gia đình, dễ tiếp thu những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội hoặc trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội. Bạo lực gia đình còn gây ra những thiệt hại về kinh tế: Tài sản của gia đình bị giảm sút do sự đập phá, tiêu tán bởi hành vi bạo lực gia đình; thu nhập của gia đình và đóng góp cho xã hội giảm bởi khả năng lao động của nạn nhân bị hạn chế. Vì vậy, việc nhận diện đúng, đủ về tệ nạn bạo lực gia đình để mọi người ý thức chấp hành tốt luật bình đẳng giới luôn là việc cần thiết cho từng mái ấm gia đình, cộng đồng và xã hội.

Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thời gian qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác tham mưu, phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác gia đình trên địa bàn toàn tỉnh.

Hằng năm, Ngành đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tốt công tác tuyên truyền và thực hiện tốt các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Phối hợp tổ chức nhiều nội dung tuyên truyền nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ 25/11,… Chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, như: "Yêu thương và chia sẻ", "Gia đình - tế bào của xã hội", "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" được đông đảo người dân hướng ứng.

Công tác tập huấn cũng được quan tâm. Giai đoạn 2009 - 2014, toàn tỉnh đã tổ chức 19 lớp tập huấn cho gần 1.800 lượt cán bộ làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở; mở 965 lớp tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho trên 73 nghìn lượt người; tổ chức 159 buổi tư vấn, nói chuyện về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình. Triển khai hiệu quả các phong trào, mô hình, câu lạc bộ như: phong trào “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”; mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình”; câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”...

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.744 tổ hòa giải, 9 mô hình điểm về công tác gia đình, trong đó 4 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại phường Đức Thuận (thị xã Hồng Lĩnh), xã Thái Yên (huyện Đức Thọ), xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), xã Phú Phong (huyện Hương Khê); 3 mô hình gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà), xã Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên), xã Khánh Lộc (huyện Can Lộc); 2 mô hình tuyên truyền đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam tại xã Phù Việt (huyện Thạch Hà), xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân). Xây dựng được 674 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng thu hút khá đông số nạn nhân bị bạo lực gia đình đến địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, có 142 cơ sở khám chữa bệnh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình trong toàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống bạo lực gia đình còn những hạn chế cần khắc phục. Đó là công tác thống kê số liệu về bạo lực gia đình còn gặp nhiều trở ngại do chưa có đội ngũ cộng tác viên thôn, tổ dân phố và thiếu kinh phí cho điều tra thu thập số liệu. Các cơ quan chức năng xử lý bạo lực gia đình còn chậm, chưa bám vào các quy định, sự phối kết hợp của các cơ quan chưa đồng bộ. Năng lực hòa giải của tổ tư vấn còn hạn chế, vai trò của câu lạc bộ ở địa phương chưa được phát huy triệt để và hầu hết kinh phí hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu; bản thân người bị bạo hành chưa dũng cảm lên án các hành vi bạo lực...

Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình ngày càng đạt hiệu quả, trước hết các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần phải: Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình. Giáo dục bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội để định hình nhận thức. Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình; vai trò của họ hàng, dòng họ. Ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình. Đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; quan tâm xây dựng gia đình văn hoá, làng, khối phố văn hoá trong đó đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma tuý để công nhận gia đình văn hóa.Thực hiện việc lồng ghép chương trình phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường và nâng cao trách nhiệm của Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp; Triển khai hiệu quả chính sách ưu tiên hỗ trợ đối với gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, chiến lược, văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của tỉnh. Tổ chức nhiều cuộc tập huấn và mở rộng đối tượng tập huấn ở cơ sở; hỗ trợ tài liệu, kinh phí cho các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Nâng cao chất lượng các mô hình điểm và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản pháp luật có liên quan thông qua các phương tiện truyền thông, chú trọng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt về gia đình.

Hy vọng với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, sự vào cuộc một cách tích cực của các cấp, các ngành, tình trạng bạo lực gia đình sẽ ngày càng giảm, xây dựng được nhiều gia đình hạnh phúc, ấm no, bình đẳng làm nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của xã hội.

LÊ THỊ LOAN

PGĐ Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch


    Ý kiến bạn đọc