Kỷ niệm không bao giờ quên ...
EmailPrintAa
09:43 31/08/2015

Có duyên nợ với nghề, tháng 4/2010, tôi được điều động về làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, phụ trách công tác lý luận chính trị và lịch sử Đảng. Tính đến tuổi nghỉ hưu chỉ còn hai năm sáu tháng, đây là khoảng thời gian nhiều người thường tâm sự đi làm cho vui, “chuẩn bị dời đô”, “hăng” làm gì cho mệt…

Đối với tôi không có cảm giác ấy, tôi háo hức với nghề mới, công việc mới, đồng nghiệp mới. Sau thời gian tiếp cận với công việc được phân công, kể ra cũng không quá khó với tôi, dù sao mình cũng có bằng đại học sư phạm, kinh nghiệm 20 năm đứng trên bục giảng của trường THPT và Trường cao đẳng sư phạm, hơn 4 năm là chủ tịch công đoàn viên chức, 5 năm là Phó Bí thư Đảng ủy khối, giúp tôi nhanh chóng tiếp cận với công việc được giao là phụ trách công tác lý luận chính trị.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã cố gắng xây dựng, củng cố hệ thống TTBDCT trong toàn tỉnh. Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn, củng cố bộ máy, đầu tư trang bị cơ sở vật chất nâng cao hiệu quả hoạt động của nhiều TTBDCT cấp huyện. Đội ngũ cán bộ của nhiều Trung tâm được kiện toàn, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Từ đó, đã có hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức sự nghiệp cấp xã của tỉnh được bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ và LLCT tại các TTBDCT cấp huyện. Vị trí, tầm quan trọng như vậy, nhưng thực tế thì sao? Để đánh giá hiệu quả hoạt động của TTBDCT cấp huyện ngoài kết quả đạt được nêu trên, còn nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết các trung tâm chưa thật sự ngang tầm nhiệm vụ. Trước hết là cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, học tập của giảng viên và học viên còn nghèo nàn. Có trung tâm không chỉ thiếu máy tính, máy in, tủ đựng sách, mà thiếu cả chiếc micrô không dây phục vụ dạy và học. Nhiều trung tâm thiếu tài liệu để cán bộ, giáo viên nghiên cứu, tham khảo phục vụ công tác giảng dạy. Về nội dung chương trình, tài liệu giáo dục của TTBDCT cấp huyện cũng đang nhiều bất cập. Ví như nội dung không được bổ sung, kịp thời cập nhật theo nội dung các kỳ Đại hội, Hội nghị Trung ương Đảng... chưa có tài liệu dành riêng cho các đối tượng học tập đặc thù cụ thể...

 Trước thực tế đó, tôi đã trăn trở, tìm hiểu kỹ lưỡng để kịp thời tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các chính sách nhằm xây dựng, củng cố TTBDCT cấp huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đầu tiên, tôi tổ chức họp phòng Lý luận chính trị, lên kế hoạch nâng cao chất lượng Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, tiến tới xây dựng trung tâm đạt chuẩn, sau đó trình lãnh đạo Ban Tuyên giáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 Thiết nghĩ, nếu so sánh với các bậc học từ mầm non đến đại học đều xây dựng trường chuẩn, thì không lý gì các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện - nơi tổ chức học tập LLCT, nâng cao trình độ của đội ngũ đảng viên, cán bộ chủ chốt ở cơ sở là nhân tố quyết định nâng cao hiệu lực lãnh đạo, quản lý ở địa phương, lại không đạt chuẩn. Vì lẽ đó, tôi đã đề xuất phương án tổ chức cho Phòng Lý luận chính trị của Ban cùng lãnh đạo các trung tâm gồm giám đốc, phó giám đốc đi tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình và Thái Bình về xây dựng mô hình Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đạt chuẩn.

 Sau chuyến tham quan học tập kinh nghiệm, tập hợp ý kiến, đề xuất từ các trung tâm, tiến hành khảo sát thực trạng của các TTBDCT đề xuất đề án xây dựng Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đạt chuẩn. Ban Tuyên giáo chủ trì hội thảo, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đề án được thông qua. Việc cấp nguồn kinh phí từ tỉnh đến huyện giúp các Trung tâm từng bước thực hiện đề án có hiệu quả.

 Tôi còn nhớ, tại Hội nghị giao ban về công tác lý luận chính trị toàn quốc, với tư cách trưởng đoàn Hà Tĩnh, tôi đã có ý kiến phát biểu, với mở đầu là người chuẩn bị nghỉ hưu bàn về công việc, cả hội trường cười vang vì câu nói của tôi, nhưng với những ý kiến tham gia từ thực trạng của các trung tâm BDCTCH hiện nay, cũng như những việc cần bàn, cần làm đã thu hút sự lắng nghe của mọi người và nhận được những tràng pháo tay giòn giã đồng tình của cả hội trường. Với đề xuất cần xây dựng tiêu chí Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đạt chuẩn và tổ chức Hội thi giảng viên chính trị giỏi toàn quốc đã được Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và thực hiện. Điều đó đã mang lại cho tôi niềm vui sướng và tự hào, bởi dù chỉ công tác trong ngành Tuyên giáo trong thời gian ngắn nhưng tôi đã góp một phần nhỏ để nâng cao chất lượng TTBDCT nói riêng và cho ngành Ngành Tuyên giáo tỉnh nhà nói chung. 

 Với hơn 31 năm có lẻ, ra trường với sự nghiệp trồng người và làm công tác đảng, đoàn thể, tôi đã được vinh dự nhận phần thưởng cao quý là Bằng khen Thủ tướng chính phủ, Huân chương lao động hạng Ba và nhiều huy chương, kỷ niệm chương các Ban của Đảng…, quan trọng hơn là tình cảm anh em đồng nghiệp dành cho mình trong buổi chia tay. Đây chính là món quà vô giá giúp tôi sống vui, sống khỏe, sống có ích, để tiếp tục cống hiến khi tôi đã nghỉ hưu.

   Trịnh Thị Hải Châu

                                                        Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc