Thủy lợi và việc khai thác tiềm năng đất đồi núi
EmailPrintAa
09:10 31/08/2015

Xưa nay, ai cũng thấy được tầm quan trọng của nước đối với đời sống sinh hoạt, sản xuất. Đặc biệt vào những năm nắng hạn gay gắt như năm nay, chúng ta mới thấy hết giá trị của quá trình Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà phấn đấu không mệt mỏi để nguồn lực vô giá này ngày càng được tăng thêm. Có thể nói trên địa bàn cả nước, ít tỉnh có lượng nước được tích trữ trong các hồ đập lớn như Hà Tĩnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 800 triệu khối nước ở các hồ chứa, khi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, đập Rào Trổ hoàn thành sẽ có trên 1,6 tỷ m3 nước, chưa nói nước tự nhiên trên các ao hồ, sông suối. Việc bảo vệ, gìn giữ, khai thác nguồn lực to lớn đó cần có cả hệ thống giải pháp đồng bộ từ thượng nguồn, đầu mối đến kênh mương, tích nước, điều tiết lũ đến sử dụng tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm nước v.v… Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập vài suy nghĩ nhỏ trong hệ thống đó.

1. Nên chăng cần có đề án xây dựng kênh mương, dành một lượng nước tưới cho hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp, dược liệu… trên đất ven đồi núi.

Trước đây, do hoàn cảnh thiếu thốn về lương thực, mọi suy nghĩ từ chủ trương đến thiết kế kỹ thuật, chỉ đạo thi công, vận hành, thủy lợi chỉ để tưới cho cây lúa. Ngày nay cùng với nhiệm vụ đó, trước yêu cầu của cuộc sống cần đa dạng hóa và nâng cấp sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, thủy sản một cách hiệu quả nhất. Vấn đề đó đòi hỏi phải có điều kiện, mà trước hết là thủy lợi - đây là nguồn lực mà tỉnh ta rất có lợi thế. Hơn thế nữa, với khí hậu thời tiết ở tỉnh ta, cây trồng phát triển tốc độ nhanh là mùa hè thu “xuân sinh, hè trưởng, thu thâu”, nếu các loại cây hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả… được tưới nước trong những ngày khô hạn như cây lúa, chắc chắn năng suất, hiệu quả và giá trị sản phẩm sẽ tăng cao hơn nhiều. Với diện tích hàng ngàn ha đất đồi núi nằm dưới chân các công trình thủy lợi và hàng ngàn ha cây ăn quả, cây công nghiệp … đang phát triển tự nhiên trên địa bàn tỉnh, đang là tiềm năng lớn cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm bền vững cho hàng vạn lao động ngay trên chính mảnh đất của mình. Thực tế qua nhiều năm, việc tưới cho cây công nghiệp như cà phê, chè… ở các tỉnh Tây Nguyên; cây hành, tỏi ở đảo Lý Sơn; vụ hè thu lúa và một số cây hoa màu, cũng như mô hình trồng rau củ quả trên cát của Hà Tĩnh đã chứng minh điều đó.

Tất nhiên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kênh, mương và quy trình tưới cho cây công nghiệp, cây ăn quả… trên đất đồi núi là việc làm không dễ và đầu tư khá tốn kém. Nhưng trong điều kiện hiện nay, nhất là công nghệ mới, chúng ta có thể xây dựng hệ thống kênh mương tưới bằng kênh cứng, cũng có thể bằng kênh mềm, có thể bằng công nghệ tưới nhỏ dọt, tưới phun theo áp lực cốt nước tự chảy, cũng có thể tưới phun bằng áp lực của máy bơm. Và chúng ta có thể phát huy hình thức nhà nước và Nhân dân cùng làm. Trước hết, có lẽ nghiên cứu ngay công việc này ở những nơi có nguồn nước trong vùng cây ăn quả, cây công nghiệp đã trồng mà chưa có công trình tưới. Và, khu vực tưới của các công trình đang thi công như Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Rào Trổ.

2. Tiến hành đồng bộ các hạng mục công trình theo đúng thiết kế và tổng dự toán để khi công trình đưa vào sử dụng, người dân sở tại cũng đồng thời được hưởng lợi từ công trình đó mang lại.

Trước đây, chúng ta làm công trình thủy lợi lớn, thường chỉ tập trung vào mục tiêu cần đạt được như tưới cho vùng hạ lưu, cung cấp nước cho nhu cầu sản xuất công nghiệp, dân sinh…, mà chưa tính toán đầy đủ lợi ích của Nhân dân sở tại. Gần đây, lãnh đạo tỉnh đã xác định ngay từ đầu là “công trình đa mục tiêu” và đã được thể hiện trong thiết kế, trong tổng dự toán của công trình. Điều quan trọng nhất hiện nay là kiểm tra, giám sát việc thực hiện đúng và đầy đủ các hạng mục để khi công trình đưa vào sử dụng, thì đồng thời người dân ở đây cũng được hưởng lợi từ kết quả của công trình. Và cũng nên cân nhắc thêm nhiệm vụ tưới của hồ Rào Trổ cho Kỳ Thượng không dừng lại 500 - 600 ha, mà có thể hàng ngàn ha, vì như cầu tưới ở đây còn rất lớn.

Thực tế, điều kiện đất đai như ở Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Lâm - Kỳ Anh, từ thời đồng chí Trần Đình Đàn đang làm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND đã đưa tập đoàn NaKhon của Thái Lan khảo sát nghiên cứu, chọn vùng này để đầu tư trồng cam chất lượng cao, nhưng lúc đó chưa giải quyết được nguồn nước tưới. Hiện nay có nguồn nước tưới, nới đây sẽ là cơ hội để khai thác vùng đất đồi núi có độ phì tự nhiên cao, thành vùng cây ăn quả, cây dược liệu, cây công nghiệp có chất lượng tốt. Tương tự, công trình Ngàn Trươi - Cẩm Trang, trong quá trình tham gia khảo sát, thiết kế kỷ thuật, ông Nguyễn Hoàng Trạch - Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhiều lần nêu và theo đuổi ý tưởng lấy nước tưới cho vùng Bắc Hương Sơn, khai thác và sử dụng tiềm năng đất đai của vùng đó, nay cống lấy nước đã nằm trong dự án của đập, song việc lập dự án xây dựng hệ thống kênh dẫn đang là vấn đề rất lớn, cần sự đầu tư nhiều cả về công sức và kinh phí.Bởi để có được một công trình thủy lợi, đặc biệt là những công trình lớn như Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Rào Trổ, người dân ở đó phải chấp nhận việc di dời nhà cửa, nhường đất cho công trình, cho hồ chứa, mất điều kiện làm ăn lâu dài, chịu đựng mọi sự ô nhiễm môi trường trong quá trình xây dựng và có nơi phải chịu đựng các rủi ro khi có sự cố. Chúng ta phải bằng việc làm thực tế đến mức cao nhất có thể, như xây dựng hệ thống kênh mương, cung cấp nguồn nước tưới, để dân mở mang thêm diện tích, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, tạo thêm việc làm, bù đắp phần nào sự mất mát về diện tích, về môi sinh cho việc xây dựng công trình. Qua đó, người dân mới thấy được xây dựng công trình không chỉ vì lợi ích quốc gia, mà chính là để mang lại lợi ích cho mỗi người dân sở tại. Từ đó, Nhân dân tại chỗ thực sự là lực lượng thường xuyên, thế hệ này đến thế hệ khác bảo vệ rừng đầu nguồn, chống bồi lắng, sạt lở, góp phần gìn giữ, bảo về sự bền vững và khai thác có hiệu quả của công trình.

Những vấn đề nêu trên quả là việc làm khó, phức tạp, song để phát huy tối đa nguồn lực to lớn cho yêu cầu cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, vì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh nhà, mong muốn được sự chia sẻ và nêu ý kiến để các cấp, các ngành cùng suy ngẫm.

Nguyễn Ký 

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh


    Ý kiến bạn đọc