Trách nhiệm và niềm tin
EmailPrintAa
08:36 01/09/2015

Là một cán bộ chuyên về công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhưng đến Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh khoá XII (năm 1986) tôi được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và phân công làm Trưởng ban Tuyên giáo. Với một cán bộ trẻ dẫu đã kinh qua làm chủ trì ở huyện và học lý luận ở Liên Xô về, song thật ngỡ ngàng trước công việc mới. Vào thời điểm đó, đất nước ta và tỉnh Nghệ Tĩnh gặp vô vàn khó khăn của thời bao cấp, đến Đại hội VI của Đảng (1986) đã có đường lối đổi mới nhưng còn quá mới mẻ và chưa có tiền lệ. Tình hình quốc tế diễn ra rất phức tạp, phe XHCN khủng hoảng tác động vào Việt Nam, trong nước thì khủng hoảng kinh tế, lạm phát “phi mã”. Xu thế hoài nghi chế độ XHCN, đòi đa nguyên, đa đảng lan truyền trong nội bộ Đảng và lan toả ra ngoài xã hội. Trước tình hình đó, với trọng trách mới tôi hết sức lo lắng và trăn trở.

Về nhận công tác ở Ban, tôi bàn với anh em dành thời gian đi cơ sở ở những nơi có phong trào tốt cũng như những nơi còn gặp khó khăn. Sau một thời gian đi về huyện và cơ sở, nắm bắt tình hình, Ban Tuyên giáo xin làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ tham mưu chủ trương phát động phong trào thi đua trong toàn tỉnh với nội dung lập thành tích hướng về 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trọng tâm về mặt chính trị tư tưởng là: “Kiên định con đường Bác Hồ và Đảng ta đã chọn”. Quê hương Bác Hồ, quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh phải vững vàng trước mọi khó khăn thử thách. Đó là định hướng về công tác tư tưởng mà tôi cho là cần được quán triệt sâu sắc trong Đảng bộ. Vào thời điểm đó có nhiều kỷ niệm hay xin nêu lên mấy câu chuyện nhỏ.

Gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Nghĩ đến cần có công cụ làm công tác tư tưởng, tôi đã chỉ đạo cho xuất bản hai bản tin quan trọng: “Thông tin nội bộ”(1) và “Điểm sáng quê ta”. Các bản tin này hàng tháng gửi xuống tận các chi bộ. Với số lượng gửi cho 26 huyện, thành và các cơ quan khá lớn nên Ban xin Thường trực Tỉnh uỷ cho kinh phí in ấn. Bài viết và tổ chức in phát hành đều do các anh chị em trong Ban đảm nhận, về sau có mời thêm một số cộng tác viên. Hai ấn phẩm này được cơ sở rất hoan nghênh. Trong chuyến thăm tỉnh Nghệ Tĩnh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (năm 1988), Ban Tuyên giáo có gửi cho đồng chí hai ấn phẩm này. Tôi không ngờ được đồng chí Nguyễn Văn Linh gọi lên gặp sau khi đọc. Đồng chí gặp tôi vào buổi tối, tại phòng riêng ở Nhà khách của tỉnh. Khi thư ký mở cửa mời tôi vào, đồng chí Tổng Bí thư đã chờ sẵn. Đồng chí bắt tay thân mật và nhìn vào tôi rồi nói: Làm tuyên giáo thời nào cũng vất vả, cũng cần có bản lĩnh, lúc này cũng lắm chuyện phức tạp phải không đồng chí, đồng chí làm Trưởng ban đã lâu chưa? Tôi trả lời, dạ được 2 năm, công việc vất vả nhưng vui, ở Trung ương có anh Trần Trọng Tân, Trưởng ban giúp đỡ, ở tỉnh thì các anh lãnh đạo quan tâm, anh chị em trong Ban đoàn kết, cùng bảo ban làm việc nên cũng yên tâm. Đồng chí hỏi thăm chuyện gia đình, một số diễn biến về tình hình tư tưởng hiện nay ở trong tỉnh, rồi bất ngờ thấy khen và nói, hai bản tin: “Thông tin nội bộ” và “Điểm sáng quê ta” tôi đã đọc, tốt lắm. Để tạo sự thống nhất về tư tưởng hiện nay công tác tuyên truyền phải có nhiều cách làm sáng tạo và phong phú, tuy đã có báo, đài, đã có báo cáo viên nhưng tài liệu các đồng chí viết ngắn gọn, định hướng tư tưởng gửi xuống cơ sở có tác dụng củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên kịp thời rất tốt. Ngay ở Trung ương cũng không đơn giản, việc Trần Xuân Bách(2) nói và viết lung tung, tuyên truyền cho dân chủ đa nguyên, đã có thông báo nội bộ các đồng chí đã biết. Đồng chí nói tiếp: Cần phải tuyên truyền từ những điển hình, những gương sáng trong thực tiễn để thuyết phục. Các đồng chí có bản tin “Điểm sáng quê ta” nói về người thật việc thật, có địa chỉ, nói đi đôi với làm. Rồi đồng chí hỏi tôi: Anh em ở cơ sở thấy những bài viết về gương sáng điển hình, về chống tiêu cực của NVL(3) trên báo Nhân dân thế nào?. Tôi trả lời thực tâm: Những bài viết ấy có tác dụng rất tốt, chúng tôi đang học cách viết đó để đưa vào viết “Điểm sáng quê ta”. Đồng chí căn dặn: Công tác tuyên truyền lúc này phải kịp thời, phải chính xác, phải vững vàng và tin vào Trung ương, vào Bộ Chính trị. Điển hình cũng vậy, phải nói đúng sự thật, có địa chỉ, có việc, có người cụ thể, tránh phô trương, hình thức, tô vẽ lên… Những lời động viên cũng như căn dặn của đồng chí Nguyễn Văn Linh tôi nhớ mãi trong quá trình công tác.

Với vở kịch “Biển xôn xao một con thuyền”

Anh Tất Đạt nhà viết kịch có tiếng đã ấp ủ và công phu viết được một kịch bản về Bác Hồ nhằm để dàn dựng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Vở kịch có nhan đề: “Biển xôn xao một con thuyền”. Sau khi đã đưa cho anh Trần Nhật Tiến, Giám đốc Sở Văn hoá đọc, anh Tất Đạt đến gặp tôi nói: anh Tiến khen hay nhưng vẫn còn băn khoăn và khuyên sang gặp Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Thấy có kịch bản viết về Bác Hồ mà lại của nhà viết kịch Tất Đạt, tôi rất mừng và dành thời gian để đọc kỹ. Nội dung vở kịch nói đến tình yêu của Bác Hồ nảy nở với cô y tá chăm sóc sức khoẻ cho Người. Quá trình diễn biến và đấu tranh tư tưởng của hai người cho đến khi tình yêu đến với nhau lúc nào không biết, khi tỉnh ngộ Bác thấy hơi quá đà, nên chủ động đề nghị với tổ chức bố trí cho cô y tá và một đồng chí trong cơ quan của Văn phòng Chủ tịch nước đi vào miền Nam công tác. Khi biết tin Bác Hồ mất, hai người đang hoạt động ở nội thành Sài Gòn đã đến Bến Nhà Rồng thả xuống đó một vòng hoa nguyệt quế để tưởng nhớ Bác. Tôi thấy kịch bản có ý tưởng hay, viết về Bác Hồ táo bạo và phần nào đáp ứng với sự tò mò của công chúng, nhưng sự hư cấu như vậy không ổn. Nghĩ mãi nên góp ý thế nào đây, cuối cùng tôi nói đại ý: vở kịch viết về tình yêu nam nữ, bổ sung một mảng đời mà với Bác Hồ còn thiếu như vậy sẽ làm cho Bác gần gũi hơn với đời thường. Về mặt tình cảm của tác giả là rất tốt. Nhưng tôi e rằng, vở kịch công diễn vào lúc này chưa phù hợp. Nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Nghệ Tĩnh chưa thể chấp nhận được. Tác giả cứ giữ lại kịch bản này bổ sung hoàn thiện thêm để có thể 20, 30 năm sau ta cho công diễn, hy vọng thế hệ công chúng lúc đó sẽ chấp nhận. Nghe ý kiến của tôi, tác giả Tất Đạt thấy có tình, có lý lại có tính nguyên tắc nên đành chịu và chấp nhận không dàn dựng nữa.

Nhiếp ảnh gia Từ Tiện hú vía

Nhận kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ, tỉnh tổ chức triển lãm ảnh Bác ở cung triển lãm Việt - Đức, thành phố Vinh. Đây là cuộc triển lãm lớn nên Ban phân công anh Trần Tấn Hành, Phó Ban phụ trách văn hoá - xã hội trực tiếp theo dõi chỉ đạo. Hôm khai mạc triển lãm tôi đang họp ở Hà Nội thì anh Bạch Hưng Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ điện ra bảo về có chuyện cần xử lý gấp. Té ra là chuyện trong phòng triển lãm ảnh Bác ở góc có treo một số “ảnh nuy” do tác giả Từ Tiện chụp thử nghiệm. Tỉnh cho đây là một việc làm có ý thức chính trị xấu nên đã cho công an hạ xuống và lập biên bản. Mặc dầu tôi đi vắng và đã phân công cho Phó Ban rồi, nhưng tôi không thể từ chối trách nhiệm của mình được. Tôi gặp anh Trần Tấn Hành và anh Bùi Xuân Lương, Thư ký Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh của tỉnh hỏi lại đầu đuôi sự việc. Các anh đều cho rằng đây là việc làm tuỳ tiện, ấu trĩ, không đúng nguyên tắc chứ không phải là do ý thức chính trị. Tôi đồng tình với ý kiến này và nói thêm, nếu các anh muốn thử nghiệm “ảnh nuy” thì tìm một chỗ khác chứ sao lại đưa vào đây. Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, thiếu tướng Lê Văn Khiêu, Giám đốc công an tỉnh đề nghị khởi tố vụ án và cá nhân nghệ sĩ Từ Tiện. Tôi không ngờ sự việc lại dẫn đến tình huống nghiêm trọng đến thế. Trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tôi nói rõ chính kiến, đề nghị anh Khiêu không khởi tố và tôi xin nhận trách nhiệm về mình. Thường vụ Tỉnh uỷ sau khi phân tích kỹ đồng ý với tinh thần chịu trách nhiệm của Trưởng ban Tuyên giáo và yêu cầu rút kinh nghiệm. Đồng thời, giao cho tôi trực tiếp tổ chức kiểm điểm thật nghiêm túc trong Lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức triển lãm và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh. Sau đó Bùi Xuân Lương nói với tôi: Từ Tiện làm cho anh chị em trong Hội hết sức hoang mang và lo lắng, may mà nhờ có anh “đỡ đòn” cho. Tôi gặp Từ Tiện hỏi số phim chụp “ảnh nuy” đâu rồi, Từ Tiện trả lời, sợ quá tôi đốt hết cả.

Hơn 20 năm sau sự việc này xẩy ra, nhân kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Hà Tĩnh và 20 năm tái lập tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh tổ chức triển lãm ảnh ở công viên Lý Tự Trọng, thành phố Hà Tĩnh (ngày 9/8/2011) Bùi Xuân Lương và Từ Tiện ở Nghệ An có vào dự. Gặp nhau mấy anh em tâm đắc cùng ôn lại kỷ niệm này. Từ Tiện nói, khi đó tôi nghĩ thế nào cũng phải vào tù, may nhờ có anh, thật “hú vía”.

Sao lại cho lưu hành cuốn sách như thế trong Đại hội.

Đó là lời của anh Nguyễn Văn Cương -  chuyên viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo dõi địa bàn Hà Tĩnh nói gay gắt với tôi khi anh ấy nghe dư luận phản hồi về cuốn sách “Đảng bộ Hà Tĩnh qua các lần Đại hội” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh phát hành phục vụ Đại hội Đảng bộ XIII (năm 1992). Vốn là thế này, ở Nghệ Tĩnh đã qua XII Đại hội rồi, còn ở Hà Tĩnh Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Ban Tuyên giáo tra cứu lịch sử để xác định Đại hội lần này là thứ mấy cho phù hợp. Trên cơ sở tài liệu đã có, nhân dịp này tôi bàn với anh Nguyễn Xuân Đình phụ trách lịch sử Đảng: ta viết quyển sách làm tư liệu lịch sử luôn. Từ ý tưởng đó, lần theo các tài liệu đã có và cùng với các nhân chứng, Ban quyết định viết quyển sách “Đảng bộ Hà Tĩnh qua các lần Đại hội” do tôi Chủ biên. Trong quá trình viết, điều trăn trở nhất là số lần Đại hội không phù hợp. Khi Đảng bộ mở Đại hội VIII (năm 1972) thì danh chính đó mới là Đại hội lần thứ V, còn lại là các kỳ Hội nghị mở rộng có nội dung như Đại hội (có báo cáo chính trị, báo cáo xây dựng Đảng và bầu Ban Chấp hành) đó là cơ sở để xem các Hội nghị này như Đại hội. Lập luận như vậy vừa đúng với thực tế, lại phù hợp với điều mà Ban Chấp hành Đảng bộ hồi đó đã quyết định lấy thứ tự Đại hội VIII. Đây là vấn đề chủ yếu mà anh Cương cho là sai sót không phù hợp với lịch sử. Tôi nêu lập luận này với anh Cương để anh rõ và nói: Quá trình biên tập chỉ có mấy tháng, trong điều kiện mới tách tỉnh tư liệu còn chưa được đầy đủ, anh em trong Ban biên tập đã cố gắng để có được cuốn sách phục vụ Đại hội, nên sai sót không tránh khỏi. Với tư cách Chủ biên, tôi xin chịu trách nhiệm, có gì cần bổ sung hoặc sửa chữa ta sẽ rút kinh nghiệm khi viết lịch sử Đảng bộ anh ạ! Đúng như vậy, sau này khi viết lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh và lịch sử Hà Tĩnh(4), trước một số sự kiện lịch sử có ý kiến còn khác nhau Ban biên tập do tôi Chủ biên đã hết sức quan tâm đến tính khách quan, chính xác, khoa học và dựa vào các tài liệu lịch sử tin cậy, chính thống để xử lý một cách thỏa đáng.

Thời gian làm Trưởng Ban Tuyên giáo (từ năm 1986 đến năm 1993) đã giúp tôi trưởng thành lên nhiều và đó là những năm tháng thật sự có ý nghĩa. Tôi luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm được giao với niềm tin vào sự nghiệp mà mình phấn đấu. Trong quá trình công tác về sau này, tôi luôn quan tâm và chăm lo đến công tác tuyên giáo nói chung, đặc biệt là trên lĩnh vực chính trị tư tưởng, luôn là một mặt trận vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Đảng bộ vững mạnh cũng như sự phát triển của tỉnh nhà.     

(1) Thông tin nội bộ khi về Hà Tĩnh nay là Tạp chí Thông tin tư tưởng

(2)  Trần Xuân Bách lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, sau đó bị kỷ luật cách chức.

(3)  NVL là bút danh của đồng chí Nguyễn Văn Linh, ngày đó hầu như thường xuyên trên báo Nhân dân có bài viết của NVL.

(4) Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh tập I (năm 1993), tập II (năm 1997), hai tập này đã tái bản năm 2015. Lịch sử Hà Tĩnh tập I (năm 2000), tập II (năm 2001).

     TS. Đặng Duy Báu 

           Nguyên UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo T.U Nghệ Tĩnh;

UV BTV, Trưởng BanTuyên giáo, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh



    Ý kiến bạn đọc